Người ta thường gọi dì Hai là bà già trầu, nay dì không ăn trầu, người ta lại gắn thêm cái tên: Bà còng. Hổng hiểu sao mà dì Hai có tên đó! Nhưng thấy dì rất vui với cái tên này. Mỗi lần đi chợ về ngang qua xóm, con nít tủa ra, chúng còm cái lưng xuống đấm đấm hát: “Bà còng đi chợ về trưa… bỏ quên ống ngoáy…”. Dì Hai thủ sẵn một bịch kẹo phát cho mỗi đứa, chúng cười hỉ hả. Dì rất thương con nít, bởi dì hiếm con, chỉ mỗi một mình chị Vân. Vân bằng tuổi tôi, cùng học chung trường nên tôi thường tới lui nhà dì chơi. Do vậy, trong số các chị em của má, dì Hai là người thân thương với tôi nhất. Vân học hết cấp 3 thì thi rớt đại học. Vân lấy chồng xa, bỏ dì Hai một mình. Tôi tiếp tục lên đại học, thấy dì ở nhà một mình nên thường thì tôi về ở với dì Hai.
Cuộc đời dì Hai, với tôi là một kho tàng bí ẩn, lâu lâu dì hé mở một vài chuyện, chuyện nào cũng hấp dẫn đáng nhớ.
Những đêm ngủ chung với dì, dì thường dạy tôi cách ứng xử với đời, làm thân gái nên giữ gìn tánh hạnh. Có những khi, tôi gội đầu xong, ngồi hong tóc bên cửa sổ, dì đến nâng nâng mái tóc của tôi khen:
- Tóc của con dài đen mượt đẹp quá! Ngày xưa tóc của dì cũng vậy. Nhưng lúc ấy, đâu có xà bông gội đầu, không có dầu sức tóc cao cấp như bây giờ. Nhưng tóc con gái cũng đen óng mượt. Con có biết lúc ấy xức tóc bằng gì không? Bằng dầu dừa của ngoại. Người ta nạo dừa khô vắt lấy nước béo bỏ vô chảo thắng. Đun lửa cho đến khi bồng con, phần nước thành dầu, phần cái là cứt dừa. Cứt dừa ăn ngon béo và dòn hết cỡ. Con nít bu xung quanh chờ ăn cứt dừa, mỗi đứa, ngoại chỉ cho hai muỗng canh thôi vì đâu có nhiều. Ăn quen, mỗi lần ngoại thắng dầu, không sao giấu được con nít. Mùi dầu dừa lên tóc tiết ra mùi thơm rất đặc biệt. “Phụ nữ thơm mùi khác, con gái thơm mùi khác. Mà ngộ nghen, mùi thơm không ai giống ai dù cùng sức chung dầu dừa” - anh Hưng, bạn trai của dì, nói vậy.
Có lần, giặc đi càn đông lắm, trên máy bay quần đảo, dưới xe lội nước, bộ binh lùng sục. Đơn vị của dì được lệnh xuống hầm. Hầm chứa hơn chục người, phần đông là nữ văn công huyện. Chỉ có anh Hưng là cán bộ ở Bắc mới vào công tác. Dưới hầm, bóng tối nhá nhem đông người như vậy mà anh Hưng vẫn nhận ra dì. Sau này, dì hỏi Hưng: “Sao anh nhận ra em?”. Hưng cười: “Chính em đã giới thiệu với anh mà!”. “Em nào có nói gì đâu, dưới hầm lo đối phó với giặc”. “Không ai khác hơn là mùi tóc của em đã cho anh biết. Mỗi cô gái có mùi tóc khác nhau, ít ai giống ai khi xức dầu dừa. Mùi nước hoa bán ở chợ có mùi đặc trưng giống nhau khi các cô dùng chung nước hoa. Còn dầu dừa ngược lại, nó thay đổi tùy theo mồ hôi của từng người, từ đó tạo ra một mùi rất riêng”.
- Anh Hưng gì đó là cha của chị Vân hả dì? - tôi hỏi.
Dì Hai lắc đầu buồn buồn:
- Không phải, cha của Vân là người khác.
Tôi trố mắt nhìn dì. Dì Hai kể:
- Anh Hưng hy sinh trên đường về dự lễ tuyên hôn với dì. Ngoại và các anh trong đơn vị hết lời an ủi, dì không muốn ai bận tâm với mình nên giấu nỗi buồn đau vào lòng.
- Vậy chị Vân là con của ai? - tôi hỏi.
- Là con của dì chớ ai.
- Cha của Vân là ai?
- Sau khi anh Hưng hy sinh chẳng được bao lâu thì đứa bạn thân nhất của dì là Lệ cũng hy sinh. Lệ là cán bộ phụ nữ huyện kết hôn với Tùng, huyện đội phó. Hai đứa rất hạnh phúc, sau hai năm chung sống cho ra đời bé Vân. Ngày ăn thôi nôi của bé Vân, lính đổ quân đen ngoài đồng rồi triển khai đội hình đánh vào vườn trâm bầu nơi đơn vị Lệ đóng quân. Tùng đóng quân bên này thấy rõ Lệ bị thương và bị sát hại tại chỗ. Tùng quá kích động điều anh em đánh thọc ngang sườn đội hình của giặc. Trận đó ta coi như thắng nhưng phải hy sinh huyện đội phó Tùng. Trong giây phút cuối cùng, Tùng còn kịp gửi gắm đứa bé lại cho dì. Dì mang Vân về nhà ngoại nói là con của dì, mọi người tin như vậy. Dì một tay ôm con, một tay đánh giặc và lao động sản xuất, biết bao gian nan mà dì đã trải qua. Yên giặc, dì đã lỡ thì thành bà già trầu với lòng chai sạn.
- Sao dì ăn trầu chi vậy? Có ngon lành gì mà ăn?
- Biết vậy, nhưng lúc ấy, dì tham gia công tác quân báo cho Tỉnh đội, để dễ dàng qua mắt giặc, phải cải trang làm bà già trong khi dì mới hai lăm tuổi. Miệng dì nhai trầu, mặc bộ áo bà ba quần đáy nem, dì bỗng trở thành bà già bốn mươi, đám lính gọi bằng bà, tức cười trong bụng. Con biết hôn, mới lần đầu ăn trầu cay nồng không thể chịu nổi, nhức đầu choáng váng mặt mày, hai con mắt nóng hừng hực. Miếng sau, miếng sau… dần rồi quen, ghiền luôn. Không có trầu, miệng lạt nhách, buồn bực. Có trầu, đầu óc sáng suốt, bình tĩnh hay lắm con ơi!
Sau ngày hòa bình, mấy chị em thấy dì già, kêu sửa soạn trang điểm lại và… bỏ trầu cho trẻ lại. Ngày xưa muốn cho già thì dễ ợt, giờ muốn cho trẻ lại làm sao đây? Dì chỉ bỏ được trầu mà tuổi vẫn già. Lỡ làng rồi con ơi! Số con trai thấy dì ngại, chỉ còn đàn ông chết vợ, hoặc thôi vợ. Dì Hai vuốt tóc tôi, thấy dì vui, tôi hỏi:
- Còn ông Tư Thâm ở quân khu gì đó sao rồi!
Dì Hai nhìn tôi: “Nhỏ này theo dõi dì dữ ha! Có gì đâu, ông Thâm thương dì lắm, nhưng dì không thích ông ấy ở chỗ không hợp nhau về nhận thức. Việc dì cho là đúng thì ông ấy ngược lại, chính vì lẽ đó mà dì từ chối. Dì nghĩ, vợ chồng là nơi nương tựa thể xác lẫn tâm hồn, mà tâm hồn không là chỗ dựa cho nhau thì làm gì có hạnh phúc”.
Tôi ngon miệng hỏi tới:
- Có lần nào đó ông Thâm về ngủ ở đây, dì có gì với ổng không?
Dì Hai bĩu môi:
- Dì đâu có dễ con, nếu dì dễ dãi đâu còn tới ngày nay. Đêm ấy ông Thâm bày trái cây ra ăn, ông rà rê ngồi gần dì. Chuyện qua lại một hồi, ổng nắm tay ôm dì hôn. Dì nghiêm mặt: Nè, anh buông em ra, cứ ngồi yên nói chuyện, em chìu tới sáng. Còn… cái gì nữa dứt khoát không được! Chưa phải vợ chồng nên giữ thái độ với nhau, giờ đừng làm vậy em không thích.
Tôi thấy dì Hai cởi mở nên trêu:
- Có được như vậy không dì?
- Sao mà không? Ngày xưa, lúc dì còn trẻ mà không ngã lòng huống hồ gì bây giờ. Hồi đó, huyện đội ăn mừng chiến thắng, cuộc vui tàn trời cũng đã khuya, dì lần theo dấu trăng non về cơ quan. Vừa qua khỏi bụi trâm bầu, có người đi theo, dì nhìn lại thấy K., bộ đội huyện. anh ấy nói đưa dì về cho vui. Thấy vậy hai người cùng đi. Vừa khuất bụi chuối, bất thần anh ấy ôm dì, miệng nói: “Anh thương em nhiều lắm Quỳnh ơi!”. Dì nghiêm mặt: “Đề nghị đồng chí nghiêm chỉnh buông em ra, nếu không…”. Anh ấy từ từ buông lỏng vòng tay. Đêm ấy về cơ quan, dì thấy thương người ấy, nhưng tại người ấy bất chợt làm dì bị sốc. Vậy mà người ấy đeo đuổi dì nhiều năm, rồi chiến tranh bom đạn dần dần chia tách mỗi người một nơi. Dì nhiều đêm nghĩ tới vòng tay của đàn ông vừa ấm, vừa cứng rắn lạ lắm. Hôm đó, nếu như người ấy không buông ra cứ nài nỉ tới chắc dì… xiêu lòng buông xuôi cho số phận. Giờ nghĩ lại đúng là duyên phận.
Chuyện đời của dì Hai chỉ có tôi biết, má tôi không biết, Vân thì lại càng không biết. Tới giờ, nó cứ nghĩ mình là con ruột của dì. Ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp đại học, dì Hai ôm bó hoa đẹp lên tặng cho tôi. Mắt dì vui mừng không thể tả, dường như thời con gái của dì dồn hết cho tôi cùng với niềm vui trọn vẹn. Chừng như tôi là sự kế thừa của dì, cái bóng thời con gái của dì dành lại cho tôi. Có lần vuốt tóc tôi, dì nói: “Tóc của con đẹp như dì thời con gái”. Tôi nhìn sâu vào đôi mắt nhăn nhúm của dì, lòng bỗng dậy một chút xót xa thương cho đời dì đã gần đất xa trời mà chưa biết một lần với đàn ông dù đã làm mẹ và sắp làm bà. Thấy bạn bè tổ chức cưới hỏi tôi chợt nhớ đến dì Hai. Nhớ dáng dì đi chợ về với đám con nít, dì còm lưng xuống đấm đấm trên lưng hát: “Bà còng đi chợ về trưa, bỏ quên cây gậy ai đưa bà về”. Đám con nít vỗ tay hát theo: “Bà còng đi chợ về trưa, bỏ quên cây gậy cháu đưa… bà về”.
Tôi thương dì rưng rưng nước mắt. Khóc cho dì Hai, khóc cho người đàn bà với chút buồn con gái.
Nhật Hồng