Chuyến xe tất niên

Hương Mai
Chuyến xe tất niên

Trước mặt là dòng người, dòng xe. Những chuyến xe hối hả, đủ màu sắc đen, trắng, đỏ, vàng… như đua nhau chạy với thời gian. Xe con, xe ca, xe tải to kềnh thành dòng sông chảy trên đường. Mỗi xe mỗi vẻ cũng như muôn màu những khuôn mặt người trôi trên đường trong ngày giáp tết. Người từ công trường, nhà máy, biên cương, hải đảo những ngày này đều chung một tâm trạng háo hức chờ đón xuân về. Ai cũng muốn về nhanh với cha mẹ, vợ con… Ngồi trong chiếc xe đi ngược, ông Ghi Tạc coi bộ loay hoay không yên. Ông dặn lái xe:

- Đi cẩn thận cậu tài nhé. Không vượt đèn đỏ. Phải an toàn tuyệt đối. Không thể để công an tuýt còi nhé! Dông cả năm đấy!

- Thủ trưởng yên tâm, tay lái em là tay lái lụa ạ - Cậu lái nói sang - Chắc cái tên bố mẹ đặt cho từ nhỏ làm thủ trưởng khổ?

Ông Tạc cười hi hi, gật đầu:

- Đúng vậy đấy. Có lẽ cái tên như một định mệnh của đời tớ, làm tớ khổ mãi đến giờ. Đấy nhé. Hôm nay ở bến xe Thượng, nếu anh em mình không đến kịp can ngăn, cậu bán vé đã nổi khùng lên với khách, chẳng còn ra thể thống gì. Năm hết tết đến mà gạch đá choảng nhau, to tiếng chửi cãi thì còn gì là tết nữa?

- Tết năm nay sao đông khách thế? Chắc chưa có tết nào đông như năm nay? Công ty mình đã huy động tối đa xe rồi, mở thêm nhiều điểm bán vé rồi còn gì…

- Nào, không than phiền nữa, xin đường đi, ta rẽ về bến Thượng.

Qua ngã ba vượt qua biển báo hết khu vực nội thị, xe ông Tạc bươn về phía thượng nguồn. Con đường trải dài nằm giữa hai bên bờ lúa, ngô. Lúa ngô trên đồng xanh ngắt rì rào reo vô tư lự, còn xe và người đi ngược chiều thì hối hả. Những khuôn mặt người thẳng căng đo đếm từng cột mốc đường. Đường lên dốc ngoằn ngoèo vàng bụi dẫn về bến Thượng nằm cuối huyện vùng cao. Vừa trông thấy xe giám đốc đi vào, bến trưởng đã đon đả cười từ xa, rồi nhanh nhảu:

- Báo cáo anh, chuyến xe phục vụ tết cuối cùng của bến vừa xuất phát đấy ạ. Thôi thì, toàn khách nào là dân lâm trường, dân sơn tràng, bà con vùng kinh tế mới… đủ cả. Được cái, năm nay đủ xe, điều vận tốt, nên không vị khách nào phải đợi lâu, đợi qua đêm ạ.

- Tốt. Cứ thế mà phát huy, ông Ghi Tạc cười rộng miệng.

- Cách đây năm phút, nếu thủ trưởng đến kịp, có thể trò chuyện cùng gia đình cặp vợ chồng con cái giáo viên miền núi trẻ măng ngồi ở ghế đây. Họ bảo, đây là tết đầu tiên, họ đưa em bé về báo cáo với ông bà ở quê. Nhìn họ vui mà mình cũng vui lây, thủ trưởng ạ.

Mọi người cùng cười vui. Âm thanh sôi động bến xe thượng nguồn.

- Tốt. Tớ yên tâm rồi. Tết này cậu trực nhé. Ra tết cho nghỉ bù.

Minh họa: Hương Mai

Minh họa: Hương Mai

Xe ông Ghi Tạc lượn một vòng quanh khu vực bến Thượng, bến xe cuối cùng thuộc quyền quản lý của công ty ông. Các quán nước vùng cao, thời khắc này cũng trở nên trơ trọi, ít khách. Những chiếc ghế nhựa chắc còn ấm chỗ chỉ vì cách đây chưa lâu, còn nhiều người ngồi xin điếu thuốc, chén nước? Bà chủ quán đưa chén nước nóng hổi đặt trước mặt khách. Còn bây giờ, hình như các chủ quán nước cũng như lẻ loi, cô đơn trước quầy của mình. “Dọn đi thôi. Về nhà mà lo bữa cơm tất niên cho chồng con” ông Ghi Tạc nhìn ra cửa xe gọi với vào mấy hàng quán xung quanh. “Vâng, cảm ơn bác giám đốc, chúng em cũng sắp dọn hàng đây”, một bà nói vọng ra. Những chủ quán nước ở đây không còn lạ gì ông giám đốc có cái tên Ghi Tạc, mỗi lần ông từ công ty lên kiểm tra bến. Chính tay ông đã nhấc từng chiếc ghế, cái phích nước của mấy bà chủ quán dẹp vào đường biên, không thể để lấn chiếm hành lang, khu vực của các xe ra vào bến. Khối bà, khối chị đã mặt sưng mày sỉa với ông nhưng sau đó người ta thấy phải, đâm ra dần dần kiềng nể ông…

- Về được chưa thủ trưởng? Bến Trung, bến Thượng, bến Hạ… đủ cả rồi. Còn phải lo cho “bến” nhà mình nữa chứ? - cậu lái xe nói.

- “Bến” của cậu hả? Được thôi. Nào, tối rồi. Bật đèn pha lên, ta về lo cho “bến” nhà mình.

Nội thành đây rồi. Xe họ đi trong sáng choang ánh đèn. Chẳng còn bao lâu nữa, chương trình cầu truyền hình trên tivi sẽ phát đi lời chúc mừng năm mới đầu năm của Chủ tịch nước. Người người, nhà nhà sẽ vui vầy bên nhau trong căn nhà ấm, thưởng thức dư vị ngọt ngào của một năm thành đạt để chào đón năm mới. Ông Ghi Tạc vẫn ngồi đây đăm chiêu, im lặng trên xe. Năm phút, mười phút ông không hé lời. Đầu óc ông chắc đang kiểm tra công việc? Các bến xe đã hết khách, thông luồng, trót tuyến, đi đứng an toàn. Việc A, việc B, việc C… đã xong. Đầu ông gật gật. Bỗng ông “à” lên một tiếng, gọi giật giọng:

- Cho xe quay lại bến Hạ. Suýt quên. Nhanh lên kẻo không kịp. Tớ sẽ ân hận suốt đời.

Xe ông lao đi trong đêm phố vắng người. Con đường dường như cũng đã được nghỉ tết, đang chờ giấc ngủ đêm, lại còn chiếc xe của ông Ghi Tạc? Nhìn lên đồng hồ cây số, kim chỉ số “50” sáng ánh đèn xanh.

- Còn việc của ông cháu ông Khoèo.

- À, vâng, em nhớ rồi, cậu lái hưởng ứng.

Bến Hạ! Ông cháu ông Khoèo! Cái tên này không còn lạ đối với cán bộ, công nhân viên công ty, đặc biệt với ông giám đốc. Đã bao lần tổng kiểm tra bến, vệ sinh bến bãi, lo an toàn cho xe và người, ông Ghi Tạc và cộng sự đã phải vất vả vì ông cháu người hành khất tàn tật này. Quanh năm suốt tháng, thằng bé tay dắt ông, tay ngửa ra trước mọi người. Mọi chủ quán hàng đều quen ông cháu ông. Họ đọc thuộc lòng những đường nét khắc khổ, phong trần trên gương mặt, hình hài hai ông cháu. Có vẻ như họ còn ấn tượng hơn so với những gương mặt đẹp. Nhiều đoàn thể ở xung quanh khu vực đây đã phối hợp vận động ông về quê, nhưng ông khua cái chân khoèo, đầu lắc lắc: “Vợ chồng đứa con trai duy nhất của tôi bỏ tôi rồi. Chiếc xe lao lên vỉa hè và ngoạm đứt đôi bàn chân tôi. Tai nạn chết tiệt đã làm tôi què quặt thế này đây. Thằng cháu thương ông không bỏ ông… Tôi còn biết đi đâu bây giờ? Bến này là nhà của tôi”. Thằng bé lên mười không rời ông nửa bước. Công ty đã can thiệp nhờ nhà trường cho thằng bé đi học, nhưng được ba bảy hăm mốt ngày cháu bỏ, khóc đòi về với ông nó. Nó thuộc lòng điệp khúc xin tiền hơn đánh vần bài vở. Cuối cùng ông Ghi Tạc giám đốc cả nghĩ buộc phải gật đầu nhường cái chòi gác cũ phía góc bến làm nhà cho ông cháu họ tá túc lâu nay. Biết làm sao? Lương tâm mách bảo ông. Thôi thì dù ai phê bình, ông sẵn sàng nhận. Dù ai phạt, ông chịu thay. Nhưng, chưa thấy ai trách, ai phạt. Bà con quán hàng xung quanh khu vực bến, rồi khách vãng lai, không ai trách. Đồng tiền từ thiện của công ty, của bà con nuôi ông cháu ông lão qua ngày. Bụng tạm ổn, tối về, trong cái chòi con, ông cháu ôm nhau ngủ ấm.

- Dậy thôi - Ông Ghi Tạc lật chăn hai ông cháu ra - Gà chưa lên chuồng đã đi ngủ ư? Tết đến rồi. Có về quê với vợ chồng thằng con trai duy nhất không nào? Cháu cũng về thăm bố mẹ chứ.

Ánh đèn pha soi khuôn mặt ngái ngủ của ông cháu người hành khất tàn tật.

- Về quê cha đất tổ chứ? Cả năm mới có một lần.

- Quê hả? Tết hả? Mặt ông Khoèo ngơ ngác như người vừa từ cung trăng xuống - Ờ nhỉ. Ông giám đốc cho ông cháu tôi về quê? Thật không? Sau tết lại xuống?

- Sau tết, nếu vợ chồng thằng con trai duy nhất không nhận người bố tàn tật, xe công ty lại đón hai ông cháu trở lại nhà - Ông Ghi Tạc to giọng.

- Các bạn về quê cả. Cháu cũng về. Cháu nhớ mẹ và em lắm - Thằng bé reo to trong đêm.

Ánh đèn pha soi gương mặt rạng rỡ của hai ông cháu. Cậu lái xe đưa gói quà tết của công ty cho ông già. Thằng bé giật mạnh gói quà, ôm vào lòng, nhảy cẫng lên. Trên gương mặt ông Khoèo, một giọt nước mắt lăn ra từ đôi mắt lèm nhèm quanh năm.

Chuyến xe cuối cùng chạy ra ngoại thành đêm tất niên ấy là chuyến xe của giám đốc Ghi Tạc. Rửa ráy xong, ông đã kịp ngồi trước màn hình nghe lời Chủ tịch nước chúc tết đầu năm.

Kiều Xuân Thủy

Tin cùng chuyên mục