Trong quá trình hình thành phát triển, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thiện về mọi mặt.
Theo đó, bên cạnh những nhiệm vụ trọng yếu như: phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ... thì cải cách thủ tục hành chính là một trong những lĩnh vực công tác khác luôn được đơn vị dành sự quan tâm, chú trọng. Có một bằng chứng rất rõ ràng và đầy thuyết phục cho điều này đó chính là việc thời gian qua đơn vị đã tập trung nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh nội dung và quy trình triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính đối với 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh:
Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM
PV: Thưa Đại tá Trần Thanh Châu, có một số ý kiến cho rằng thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC khá phức tạp, nhiều đầu mối, để hoàn thành thường tốn nhiều thời gian... vậy Cảnh sát PCCC TPHCM đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào để giải quyết vấn đề?
Đại tá Trần Thanh Châu: Thủ tục hành chính (TTHC) dưới góc độ quản lý nhà nước là công cụ, phương tiện quan trọng để các cơ quan hành chính thực hiện quản lý đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Dưới góc độ xã hội, TTHC là cầu nối chuyển tải các quy định chính sách của Nhà nước vào cuộc sống bảo đảm thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. TTHC hợp lý, được tổ chức tốt sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại sẽ tạo cơ hội cho tệ nạn tham nhũng, cửa quyền nảy sinh, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền và là lực cản của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, chất lượng quy định về TTHC và việc thực hiện TTHC có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Quyết định số 5551/QĐ-BCA-V19 ngày 25/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an thì ở lĩnh vực PCCC có tất cả 29 TTHC. Trong đó, 15 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp Trung ương và thuộc thẩm quyền cấp tỉnh (thành phố) là 14 thủ tục.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc cải cách thủ tục hành chính, Đảng ủy - Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính trong lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính và Quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 28/7/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố; căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế tại thành phố, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quy chế và các quy trình thực hiện cơ chế một cửa giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố. Trong quá trình soạn thảo nội dung, Cảnh sát PCCC thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn, cũng như nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý các đơn vị; trong đó, chúng tôi đã trao đổi 2 cơ quan chuyên môn về thực hiện thủ tục hành chính là Sở Tư pháp thành phố và Cục Pháp chế, cải cách hành chính và Tư pháp - Bộ Công an góp ý, 2 cơ quan này đánh giá: Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện cơ chế một cửa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015. Vì vậy khẳng định rằng việc Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” và Quy trình giải quyết thủ tục hành chính là phù hợp với chủ trương và đúng với các quy định pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở đó, theo kế hoạch thì dự kiến vào ngày 9/3/2017 tới đây, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ công bố bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC thuộc thẩm quyền được đơn vị chính thức giải quyết theo cơ chế “một cửa”.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC bằng cơ chế một cửa của Cảnh sát PCCC TPHCM đã sẵn sàng phục vụ nhân dân
PV: Là đơn vị Cảnh sát PCCC đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC thuộc thẩm quyền... vậy thì Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã có những sự chuẩn bị như thế nào cho “bước đột phá” mới này, thưa đồng chí?
Đại tá Trần Thanh Châu: Trước hết, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh dành sự tập trung lớn vào yếu tố con người. Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn cả về lý thuyết lẫn thao tác thực hành giúp cho cán bộ chiến sĩ nắm thật vững, thật chắc tất cả nội dung liên quan đến nhiệm vụ mới này. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào chức năng của từng đơn vị trực thuộc để phân công nhiệm vụ, sao cho thật phù hợp nhằm đảm bảo sự trơn tru khi cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính của Cảnh sát PCCC thành phố được chính thức vận hành. Thêm nữa, chúng tôi cũng đã bố trí đội ngũ cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đảm bảo đủ về số lượng và có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp đáp ứng yêu cầu công việc được giao; có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm; có tác phong, thái độ chuẩn mực, có khả năng giao tiếp tốt; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện các giao dịch hành chính; hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác đảm bảo cá nhân, tổ chức chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần; không đưa ra bất kỳ yêu cầu nào khác nằm ngoài quy định chung.
Tiếp theo về cơ sở vật chất, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC ngay tại khu vục trung tâm trụ sở chính của đơn vị với một không gian rộng rãi, thoáng mát nhằm đảm bảo sự tiện nghi cũng như tạo cảm giác dễ chịu nhất có thể cho nhân dân khi đến liên hệ giải quyết công việc liên quan đến TTHC. Ngoài ra, đơn vị đã trang thiết bị máy vi tính, máy photocopy, máy fax, máy in, điện thoại cố định, ghế ngồi, bàn làm việc, tủ đựng hồ sơ, nước uống, máy điều hòa nhiệt độ và các trang thiết bị cần thiết khác để đáp ứng nhu cầu làm việc và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức.
Trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính này thì Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát từ thực tiễn công tác của các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh cũng tiến hành lắp đặt hộp thư góp ý, hệ thống máy tính đánh giá thái độ làm việc của cán bộ chiến sĩ dành cho người dân tại khu vực triển khai mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa của đơn vị để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý nghiêm đối với trường hợp cán bộ chiến sĩ có thái độ nhũng nhiễu, hách dịch, không làm tốt chức trách nhiệm vụ... khiến nhân dân không hài lòng.
Có thể nói trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Và với cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC sắp tới chúng tôi cũng sẽ quyết tâm thực hiện thật tốt để có thể phục vụ nhân dân tốt hơn nữa.
PV: Đồng chí hãy chia sẻ rõ hơn về nội dung cơ bản cũng như lộ trình triển khai thực hiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về PCCC của Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh?
Đại tá Trần Thanh Châu: Căn cứ văn bản chỉ đạo cấp trên như: Quyết định số 5551/QĐ-BCA-V19 ngày 25/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an; Quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 28/7/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố... Ngày 23/2/2017, đồng chí Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 144/QĐ-PCCC-P1 về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh; Trên cơ sở này, thời gian tới, tất cả vấn đề có liên quan đến 14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh thì người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... chỉ cần trực tiếp liên hệ, làm việc tại cùng một địa điểm là trụ sở chính của đơn vị, địa chỉ: số 258, đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần (trừ ngày lễ, tết), những hồ sơ hợp lệ thuộc phạm vi quy định mà người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần hoàn tất thủ tục hành chính sẽ được Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết theo một quy trình khép kín với 4 bước cơ bản: tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ. Nhìn chung, đối với hầu hết hồ sơ có quy định thời hạn thuộc 14 thủ tục hành chính do Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh công bố tới đây thì thời gian từ khi tiếp nhận cho đến khi hoàn tất thủ tục trả kết quả hồ sơ đều được rút ngắn so với quy định chung trước, còn đối với các loại hồ sơ không có quy định thời hạn thì tại cơ chế “một cửa” của Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh, người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng sẽ nhận được phiếu hẹn có ghi ngày giờ cụ thể.
Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề ra lộ trình thực hiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính khá khoa học và phù hợp qua 04 cấp độ, cụ thể: trong năm 2017 sẽ tiến hành cấp độ 1 và cấp độ 2 với hình thức tiếp nhận, xử lý hồ sơ chủ yếu bằng văn bản giấy tại địa điểm cụ thể; tiếp đó, đơn vị phấn đấu từ cuối năm 2017 trở đi sẽ tiến hành cấp độ 3 và cấp độ 4 khi ấy hình thức trực tuyến, điện tử sẽ giữ vai trò chủ đạo.
PV: Trong quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị có đề cập đến nội dung Thủ trưởng các đơn vị (hoặc bộ phận) trực thuộc có liên quan sẽ tiến hành xin lỗi người dân, doanh nghiệp bằng văn bản đối với một số trường hợp, đồng chí hãy chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của nội dung này?
- Đại tá Trần Thanh Châu: Đối với các trường hợp hồ sơ trễ hẹn, thủ trưởng đơn vị phải có thư xin lỗi cá nhân, tổ chức; nội dung thư xin lỗi phải thông tin về lý do trễ hẹn và hẹn ngày trả kết quả giải quyết. Định kỳ ngày 25 hàng tháng, các đơn vị báo cáo những trường hợp trễ hẹn và thực hiện Thư xin lỗi tổ chức, công dân cho Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Giao Phòng Pháp chế, điều tra về xử lý cháy, nổ tiến hành kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị; thống kê, báo cáo giám đốc việc thực hiện thư xin lỗi của các đơn vị đồng thời đề xuất biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính chậm trễ thời hạn nhưng người đứng đầu đơn vị không thực hiện thư xin lỗi và không cam kết thời gian hoàn thành giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân có liên quan.
Đây là động thái nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch, đồng thời cũng tỏ rõ tâm huyết, quyết tâm của Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị một cách có chiều sâu và phải đi vào thực chất, hướng đến mục tiêu cao nhất là “phục vụ nhân dân”, làm sao cho nhân dân cảm thấy hài lòng, thoải mái nhất khi cần giải quyết thủ tục hành chính có liên quan tại Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!
| |
Hồng Hiệp - Bích Hạnh (thực hiện)