Cô gái da cam vượt qua nghịch cảnh

Chị Vương Thị Quyên (sinh năm 1989, thôn Thanh Lương, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là nạn nhân chất độc da cam nhưng đã vượt qua số phận, du học ở Ấn Độ, để rồi về nước giúp sức cho những hoạt động đầy nhân văn.
Chị Quyên (đứng) dạy tin học cho các nạn nhân chất độc da cam
Chị Quyên (đứng) dạy tin học cho các nạn nhân chất độc da cam

Hành trình tìm con chữ

Chị Quyên sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, cha là ông Vương Quốc Thuấn năm nay đã tròn 75 tuổi, cựu chiến binh chiến trường Đông Nam bộ. Ông Thuấn bộc bạch: “Sau những năm chiến tranh xông pha trận mạc, trở về quê lấy vợ, đẻ 3 đứa con trai đầu không sao, đến khi đẻ con Quyên là con gái út. Lên 8 tuổi, Quyên bị khối u mọc trên lưng, nó như cái mai rùa, càng ngày càng lớn, đi khám mới biết bị nhiễm chất độc da cam. Rồi mấy đứa cháu nội cũng bị nhiễm chất độc da cam”.

Cay nghiệt nhất là những lời gièm pha của bạn học về “dị tật” mà Quyên mang trên mình. Thế nhưng, Quyên không đầu hàng số phận, lao vào học tập, từ cấp 1 đến cấp 3 đều đứng tốp đầu của lớp.

“Tôi tâm niệm càng khó khăn thì càng cố gắng gấp trăm lần. Càng lớn, khối u như mai rùa càng to ra, đè nặng thân hình còi cọc, nhưng tôi vẫn đến trường không bỏ buổi nào”, Quyên tâm sự.

Vào cấp 3, mỗi ngày Quyên đạp xe gần 30km để theo đuổi con chữ. Những buổi toàn trường tổng vệ sinh, lao động, sức khỏe không đảm bảo, nhưng Quyên cũng có mặt, tham gia cùng lớp.

“Quyên là tấm gương sáng của học trò Quảng Trạch, tàn tật nhưng không phế. Bố mẹ làm ruộng, khó khăn nhưng Quyên vẫn đi học để vượt lên số phận, nghịch cảnh”, Chủ tịch UBND xã Quảng Xuân Dương Minh Phương chia sẻ.

Lực học tốt, mê môn Sử nên Quyên đã thi đậu khoa Sử, Trường Đại học Phú Xuân (Huế ) với điểm ưu. Tuy nhiên, Quyên không theo học đại học bởi lúc đó gia đình nghèo, 7 sào ruộng của cha mẹ không đủ đóng tiền học nên Quyên chọn học Trung cấp Tin học ở Quảng Bình để kiếm công việc phụ giúp gia đình.

Truyền lửa cho những người cùng cảnh ngộ

Tốt nghiệp Trung cấp Tin học loại giỏi, chị Quyên trở về quê hương Quảng Trạch với hy vọng có điều kiện giúp đỡ hàng ngàn người khuyết tật khác trên quê hương.

Nhưng ước mong không thành hiện thực, năm 2010, chị về Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Quảng Trạch xin việc nhưng bị từ chối. Đầu năm 2011, chị cùng mẹ lên gặp Trưởng phòng Nội vụ huyện đề đạt nguyện vọng, cũng bị khước từ.

Biết hoàn cảnh của chị Quyên, đầu năm 2012, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Quảng Trạch nhận chị vào làm việc tại văn phòng hội. Với năng lực vượt trội, đầu năm 2014, chị Quyên được đưa đi du học Ấn Độ theo chương trình “Tìm kiếm tài năng trẻ” do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam - Ấn Độ phối hợp tổ chức.

Học bổng chuyên ngành mà chị Quyên được theo học là khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học NIILM, bang Haryana, Ấn Độ.

“Vì không rành tiếng Anh nên tôi rất khó khăn tiếp cận kiến thức. Tôi phải tự học, và học chuyên ngành nhiều hơn người bình thường. Tôi tranh thủ học ngày học đêm. Có lúc cân nặng chỉ còn 25kg, nhưng tôi vẫn cố học. Cuối năm 2017, tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, đứng thứ 4 của lớp”, chị Quyên nhớ lại.

Về nước với tấm bằng loại giỏi, chị Quyên được bố trí làm việc văn thư tại Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Bình. Với tư chất năng nổ, thông minh, một năm sau, chị Quyên được mời ra Hà Nội làm công tác văn thư kiêm giáo viên dạy Tin học cho nạn nhân chất độc da cam thế hệ gián tiếp tại Trung tâm Bảo trợ xã hội (thuộc Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam).

“Cho đến nay, tôi đã dạy, hỗ trợ cho hơn 1.000 nạn nhân chất độc da cam. Quá trình đó, tôi luôn đào sâu học hỏi, đọc sách, tiếp cận thêm tri thức để giúp đỡ những nạn nhân thế hệ tiếp theo. Bởi giúp những người như thế, tôi vững tin vào cuộc sống hơn và để mọi người hiểu rằng, người khuyết tật cũng có những đóng góp cho cuộc đời, cùng nhau vượt qua số phận”, chị Quyên tâm sự.

Không những thế, với đóng góp của mình, chị Quyên được Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam chọn tham gia nhiều chương trình, hoạt động đầy ý nghĩa. Đặc biệt, chị là một trong những người được chọn thay mặt nạn nhân chất độc da cam Việt Nam giao lưu với nạn nhân bom nguyên tử Nhật Bản và sinh viên Trường Đại học Hà Nội năm 2019.

Cùng năm đó, với chương trình cả nước chung tay nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, chị Quyên được chọn làm Đại sứ cho chương trình, lan tỏa thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Năm 2021, với vốn tiếng Anh lưu loát, chị Quyên được chọn tham gia “Không gian mở” với chủ đề “Nạn nhân chiến tranh” trong khuôn khổ diễn đàn nhân dân Á - Âu.

Anh Nguyễn Hoàng Quyết, một nạn nhân chất độc da cam ở huyện Quảng Trạch, nói: “Tôi được chị Quyên truyền cảm hứng qua những lần giao lưu học hỏi và được chỉ dạy tin học. Nhờ vậy, tôi đã vượt qua được mặc cảm, vượt qua những thách thức của cuộc sống để vươn lên. Người như chị Quyên rất hiếm có, bởi chị khuyết tật, thân hình nhỏ bé nhưng đã làm được những việc lớn lao cho những nạn nhân chất độc da cam, cho cộng đồng. Chị là tấm gương không chỉ những nạn nhân da cam như tôi mà cả các bạn trẻ noi theo, phấn đấu cống hiến cho xã hội, cho đất nước”.

Tin cùng chuyên mục