Sau gần 10 năm thực hiện giải tỏa, Dự án T30 - xây dựng trại giam Chí Hòa - đến nay đã chuyển lên Củ Chi, còn khu đất định giải tỏa ở Nhà Bè đã chuyển sang mục đích khác, nhưng bà con ở đây vẫn liên tục gửi đơn đến Báo SGGP khiếu nại việc cấp đất tái định cư (TĐC) không rõ ràng, thiếu công bằng.
Tái định cư theo kiểu... ban phát?
Đầu năm 2000, Công an TPHCM thực hiện Dự án T30 tại xã Phước Lộc huyện Nhà Bè. Dự án có diện tích 60ha, với 82 hộ dân phải giải tỏa, di dời và 78 hộ dân có tên trong danh sách được nhận nền TĐC. Thời điểm này, Dự án T30 đã chuyển lên Củ Chi, công năng khu đất được chuyển sang mục đích khác, nhưng chưa đến 50% số hộ dân bị giải tỏa được bố trí TĐC.
Nhiều hộ bị giải tỏa trắng, không được cấp nền hoặc cấp với diện tích nhỏ, còn một số người không bị giải tỏa cũng được cấp đất TĐC. Việc làm thiếu minh bạch của chính quyền địa phương đã gây bức xúc cho người dân.
Ông Phạm Thành Nhân ở số 102 ấp 1 cho biết, khu đất của gia đình ông rộng 4.958m², trên đó có 2 ngôi nhà và các công trình phục vụ sinh hoạt như sân, đường đi, nhà bếp… với diện tích trên 400m². Theo phương án giải tỏa, diện tích các công trình phục vụ sinh hoạt được tính là đất ở, được đền bù và cấp đất TĐC. Vậy mà khi cấp nền TĐC, cán bộ huyện lại “lờ”, bỏ quên diện tích công trình phụ mà chỉ cấp 109m², vừa đúng diện tích 2 căn nhà.
Không riêng gia đình ông mà nhiều hộ khác như ông Nguyễn Văn Tùng ở số 12 ấp 1; ông Lê Ngọc Hòa 13 ấp 1; bà Nguyễn Thị Hát ở 116 ấp 1… cũng nhận nền TĐC nhỏ hơn diện tích bị thu hồi, vì cán bộ huyện “quên” công trình phụ. Trong khi đó, một số hộ dân lại được “ưu ái” quá mức.
Năm 2000, gia đình bà Đoàn Thị Ngọc Lệ ở 38 Đồng Hồ phường 4 quận 8 và ông Diệp Văn Bua đến sang nhượng 1.037m2 đất nhưng được cấp 2 nền đất TĐC, với diện tích 600m²; ông Ngô Đức Tự ở 18/1 ấp 1 không có hộ khẩu vẫn được cấp 1 nền, với diện tích 300m². Còn hộ ông Nguyễn Hữu Phước ở 34 ấp 1, dù không có nhà, đất trong khu vực giải tỏa cũng được cấp 1 nền.
Lãnh đạo địa phương nói gì?
Việc TĐC không minh bạch, thiếu công bằng, đã gây bức xúc cho người dân, dẫn đến khiếu kiện. Vấn đề này đã được Văn phòng Tiếp công dân TPHCM nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu huyện Nhà Bè giải quyết dứt điểm nhưng vẫn chưa có phản hồi.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thừa nhận, do số hộ bị thu hồi đất nhiều, nguồn gốc đất phức tạp nên khó tránh khỏi sai sót. “Chính quyền địa phương đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra lại toàn bộ những khiếu nại của người dân để có biện pháp xử lý kịp thời”. Đối với hộ ông Ngô Đức Tự do cấp sai đối tượng, nên xã đề nghị giữ lại sổ đỏ và sẽ thu hồi lại đất. Riêng hộ ông Nguyễn Hữu Phước là do có quá trình tham gia quân đội nên được cấp đất TĐC.
Còn theo ông Võ Minh Thành, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, trường hợp ông Bua và bà Lệ chuyển nhượng đất vào tháng 8-2000 nhưng đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở (mỗi người 300m²) trước thời điểm thu hồi đất, nên được bố trí lại hai nền TĐC theo đúng hạn mức 300m²/nền.
Cách giải quyết của xã Phước Lộc và huyện Nhà Bè chưa làm người dân “tâm phục khẩu phục”.
Mới đây, ngày 27-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã có văn bản chỉ đạo, giao Thanh tra TP chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài nguyên-Môi trường, Hội đồng thẩm định bồi thường TP, Sở Xây dựng… lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xác minh toàn bộ nội dung khiếu nại và kiến nghị của công dân tại dự án này; báo cáo đề xuất UBNDTP xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật, thời gian thực hiện 30 ngày.
TRẦN YÊN