Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Giáp Ngọ, nhưng người dân sống cạnh các điểm ô nhiễm chưa thể yên tâm vui xuân, đón tết. Mùi hôi thối, tanh nồng của kênh đen quyện với khói bụi khét lẹt xả liên tục từ các cơ sở, doanh nghiệp xen cài trong khu dân cư đang đầu độc cuộc sống người dân.
Nhiều cư dân tại khu phố 4 và 5 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM) bức xúc phản ánh về việc trong những ngày cận tết các cơ sở sản xuất liên tục xả khói thải và bụi gây ô nhiễm môi trường. Mọi người phải ở trong nhà, đóng kín cửa, thậm chí đeo thêm khẩu trang y tế để lọc bụi bẩn.
Bà Huỳnh Thị Thu, ngụ tại tổ 4 khu phố 4, cho biết: “Vây quanh khu phố 4 là hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất bao bì, giấy các loại; thường xuyên xả thải lén lút khiến người dân bức xúc. Hầu hết các cơ sở này đều thuộc diện phải di dời vào cuối năm 2014; có lẽ biết sắp phải dọn đi nên doanh nghiệp cứ tăng cường xả thải mà không lo bị phạt”.
Bà Tư (bán quán nước vỉa hè tại khu phố 4) thông tin thêm: Nhiều xe chở vỏ hạt điều, vỏ trấu cung cấp chất đốt cho các lò sản xuất. Loại chất đốt này gây ra khói đen đặc, bụi dính bết rất khó giặt rửa. Đêm xuống, nhiều cơ sở vẫn hoạt động, thản nhiên xả khói đen kịt cả một vùng. Ông Châu Văn Tuấn, Trưởng ban điều hành khu phố 4, nhận xét: “So với năm 2012, tình trạng ô nhiễm có giảm, do một số cơ sở gây ô nhiễm đã di dời vào các khu công nghiệp. Tuy vậy, việc xả thải lén lút vào chiều tối, ban đêm vẫn diễn ra”.
Tương tự, người dân sống hai bên bờ kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM) và đoạn tiếp giáp giữa kênh Nước Đen và kênh 19 Tháng 5 (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) suốt nhiều ngày nay phải bịt mũi, đeo khẩu trang, bởi nước kênh bốc mùi hôi thối. Chị Quỳnh Nga (nhà trên tuyến đường số 12 giao với kênh Nước Đen) phản ánh: “Mấy ngày nay một số cơ sở dệt nhuộm xả thải sủi bọt đỏ ngầu ra kênh Nước Đen. Tình trạng này đang gia tăng vào dịp cận tết. Người dân rất khốn khổ vì hàng ngày phải ngửi mùi xú uế, khét nồng từ vải nhuộm, cùng đủ thứ mùi tạp nham khác”. Anh Nguyễn Nam (nhà gần kênh 19 Tháng 5) thắc mắc: “Lạ ở chỗ, chính quyền địa phương chưa có phản ứng gì”.
PV Báo SGGP đã trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12, TPHCM về những bức xúc của người dân phường Đông Hưng Thuận. Ông Thắng thừa nhận: “Tình trạng ô nhiễm tại khu phố 4 và 5 đã diễn ra từ nhiều năm nay. UBND quận đã kiên quyết, làm hết cách để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm. Tính đến hết tháng 3-2013, đã có 13/35 cơ sở, công ty sản xuất phát sinh ô nhiễm bị buộc ngưng hoạt động; hàng chục cơ sở bị UBND TPHCM và UBND quận 12 xử phạt. Hiện tại, UBND quận đã có chủ trương di dời các công ty, cơ sở gây ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đồng tình với phương án đưa ra. Vướng mắc lớn nhất chính là doanh nghiệp chấp nhận di dời nhưng các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM lấy nhiều lý do để từ chối tiếp nhận, nhất là đối với ngành nhuộm. Ngoài ra, một số cơ sở thành lập mới với chức năng giặt ủi, nhưng thực chất dệt nhuộm gây ô nhiễm. Diện né kiểm tra này cũng rất khó xử lý, vì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 200/2004/QĐ-UBND TPHCM ngày 18-8-2004”.
Đối với trường hợp kênh đen bốc mùi hôi thối, tràn ngập rác thải, tại địa bàn phường Bình Hòa A, ông Ngô Xuân Thông, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, khẳng định địa phương thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, Xí nghiệp Vận chuyển 1, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP nạo vét, làm sạch rác rưởi tuyến kênh. Tuy nhiên, rác dồn về phía cống hộp thuộc kênh Nước Đen, như người dân phản ánh, là do kênh nằm phía hạ lưu tuyến Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên.
Cơ quan chức năng luôn có trăm ngàn lý do để giải thích cho việc tại sao các cơ sở gây ô nhiễm nằm xen trong khu dân cư vẫn tồn tại, dù rằng lời giải thích nghe có vẻ rất hợp lý, hợp tình nhưng bất kể lý do gì thì người dân vẫn rất khổ sở. Chờ đợi mỏi mòn nhưng không biết khi nào môi trường sống mới được cải thiện, trong lành.
THI HỒNG