Cổ tích giữa đời thường

Bảo Trâm
Cổ tích giữa đời thường

Tôi mơ màng nhìn ra ngoài cửa kính xe, tự hỏi khi nào mới đến nơi. Bên đường, những cánh rừng cao su cứ lần lượt xa dần tầm nhìn của tôi.

– Gần tới chưa vậy anh? - Tôi buột miệng hỏi. Từ ghế phía trên có tiếng trả lời:

– Cứ yên tâm. Sắp đến rồi.

Người đó là Vương Kiên, đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi đang trên chuyến xe đi công tác. Nhiệm vụ của đoàn tôi là phải đi tìm kiếm bản quyền sách trên khắp đất nước. Nghe khá hấp dẫn, nhưng muốn làm nghề này phải thật sự tràn đầy năng lượng mới làm nổi; bù lại lương khá cao, nếu không nói là dư dả. Cái anh chàng Vương Kiên là một ví dụ thành đạt trong nghề: chỉ mới ba mươi hai tuổi nhưng đã sở hữu số tài sản năm trăm triệu đồng nhờ vào mua bán bản quyền sách. Anh có một cô vợ xinh đẹp, đảm đang và hai đứa con xinh xắn, đáng yêu; sống trong ngôi nhà khang trang.

Ảnh: Bảo Trâm

Ảnh: Bảo Trâm

Trở lại với chuyến công tác. Chúng tôi sắp đến Tây Ninh để ký hợp đồng với một vị tác giả ở đó. Vương Kiên đề nghị dẫn đường cho đoàn chúng tôi, duy chỉ có một yêu cầu nhỏ: anh cần ghé thăm mẹ của mình. Dù sao thì cũng tiện đường, chúng tôi đều đồng ý. Một hồi sau, xe mới dừng hẳn trước một ngôi nhà ngay cạnh đồng ruộng. Vương Kiên bảo:

– Mọi người ơi, chúng ta nghỉ ngơi ở đây một buổi trưa nhé! Đây là nhà mẹ tôi.

– Kiên hả con?

Vương Kiên ra cái chõng, ngồi xuống rồi nhìn ngắm xung quanh. Tôi ngồi xuống cạnh anh.

– Xa nhà lâu chắc anh nhớ lắm. - Tôi hỏi Kiên.

– Ừ, cũng nhớ. - Anh đáp - nhưng chỉ nhớ mấy chuyện buồn mà thôi...

Thấy tôi ngạc nhiên, anh tiếp:

– Hồi tôi còn nhỏ, cái nhà này là một địa ngục. Cha dượng hầu như ngày nào cũng nhậu nhẹt say xỉn rồi về nhà đánh đập mẹ con tôi dã man. Có hôm, lão ta còn định bế đứa em nhỏ của tôi đem vứt xuống bờ ruộng nữa chứ. Mẹ can ngăn để rồi bị lão bạt tai, xây xẩm mặt mày. Tiền bạc trong nhà cứ trôi mất dạng theo thói cờ bạc, rượu chè, trăng hoa của lão. Mười ba tuổi, tôi đã nghỉ học để đẩy xe bánh đi bán.

Đoạn, Vương Kiên dừng lại một lúc. Rồi anh tiếp:

– Tôi cứ đi bán bánh dạo như thế trong một thời gian dài và chìm trong nỗi tuyệt vọng vô tận. Chỉ đến khi tôi gặp cậu Đức, cuộc đời tôi mới bắt đầu thay đổi. Tôi nhớ hôm đó, khi đẩy xe bánh ngang nhà của Đức, tôi chợt nghe tiếng đàn ghi-ta du dương trầm bổng. Tò mò, tôi nhìn qua khe cửa và thấy Đức đang ngồi trên chiếc ghế đặt trước hiên, tay ôm ghi-ta và gảy lên những nốt nhạc thanh toát, đầy cảm xúc... Mải lắng nghe một hồi lâu, tôi chợt bừng tỉnh khi tiếng nhạc dừng lại. Cậu ta đứng dậy khỏi ghế và tiến lại phía tôi. Tôi không nhớ rõ là mình đã lúng túng đến mức nào khi bị phát hiện, nhưng khi cậu bé trạc tuổi có gương mặt khôi ngô, sáng láng nở nụ cười với tôi, mọi nỗi lo như tan biến. Cậu thân thiện mở lời: “Mời bạn vào nhà chơi! Ở nhà một mình buồn quá. Bạn có muốn làm khán giả nghe tôi đàn không?”. Tôi ấp úng trả lời là có, rồi theo Đức vào nhà. Cậu bắt đầu gảy đàn và hát. Từ sau ngày hôm ấy, tôi nhận ra rằng cuộc đời chưa đến nỗi tuyệt vọng, bởi vì tôi đã có một người bạn! Tôi quên đi những ý nghĩ về lão cha dượng vũ phu và quãng đời đen tối chỉ biết mỗi xe bánh. Ngày nào đi bán tôi cũng ghé sang nhà Đức làm “khán giả” lắng nghe và tặng cho “ca sĩ” những chiếc bánh. Đó là một quãng thời gian rất vui!

Vương Kiên mỉm cười. Cách đây mấy phút, anh còn nhớ lại những chuyện buồn, mà giờ trông tươi tỉnh hẳn. Kiên kể rằng:

– Tôi nhớ nhất cái lần lão cha dượng say xỉn về nhà còn cầm theo cây gậy gỗ lớn đòi đánh mẹ tôi. Tôi liều mình xông vào đỡ đòn, và kết quả là tôi được chở đến bệnh viện với cái đầu đầy máu. Sau vụ ấy mẹ tôi đã quyết định ly dị cha dượng, làm tôi yên tâm; nhưng thú thật, tôi vẫn buồn vì không có bạn bè nào khác ngoài Đức đến thăm tôi. Ngày nào cậu ấy cũng đến bệnh viện để đọc sách và kể chuyện cho tôi nghe (vì trong bệnh viện không được làm ồn nên không thể chơi đàn). Nhưng từ sau khi tôi xuất viện thì không còn gặp Đức nữa.

Hai chúng tôi lại chìm trong sự im lặng. Chợt, Kiên liếc nhìn đồng hồ rồi bảo: “Tới giờ rồi. Chúng ta lên đường thôi”.

Anh chào từ biệt mẹ, rồi xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh. Đi đến tối thì tới nơi. Chúng tôi lại thu xếp hành lý rồi xuống xe.

Vương Kiên toan xuống xe, rồi khựng lại. Anh thốt lên:

– Đức!

Đức à? Phải chăng là người bạn tuyệt vời mà Vương Kiên đã kể với tôi? Có lẽ không, bởi tôi cho rằng cái cậu Đức kia cũng chắc khá giả, chứ người này trông không có vẻ gì là giàu có cả: gương mặt đen đúa, khắc khổ, làn da sạm đen, áo quần xộc xệch, nhem nhuốc; không thể là cậu Đức khôi ngô ngày xưa được?

Nhưng tôi nhận ra rằng mình đã lầm khi nghe Vương Kiên hỏi người đó:

– Dạo này anh còn chơi đàn không?

– Ừ… vẫn còn. - Người kia trả lời - Kiên... lâu không gặp, anh thay đổi nhiều quá.

– Anh cũng vậy. - Kiên nói - Nhà anh ở gần đây à? Tôi đến thăm được không?

– Được… được thôi!

Người này dẫn Kiên đến một khu ổ chuột gần đó, đến một ngôi nhà rách nát, tồi tàn, tường xi măng cứ bong tróc hết cả ra. Bên trong nhà tối om, không đèn đuốc, ti vi hay bất cứ dụng cụ điện nào. Thứ duy nhất trong nhà gây sự chú ý của tôi là cái tủ sách lớn và cây đàn ghi-ta dựa vào đó. Tôi tự hỏi làm sao có thể sống được ở một nơi như vậy!

– Kiên, anh ngồi đi. - Đức lên tiếng. - Có cái chõng ở bên kia. Tôi ngồi dưới đất được rồi.

– Thôi, tôi ngồi với anh. - Kiên đáp, đoạn ngồi xuống rồi tiếp - Đức này... Chuyện gì đã xảy ra với anh vậy?

– Cha tôi phá sản và rời bỏ mẹ con tôi. Không thể sống trong căn nhà đó nữa, mẹ tôi đành phải chuyển đi. Tôi không muốn để mẹ vất vả vì tôi nên đã đến đây lập nghiệp. Nhưng đã bao năm rồi mà tôi vẫn chỉ là một gã vô dụng suốt ngày chỉ biết ôm đàn và đọc sách qua ngày...

Đức cười buồn, còn hai chúng tôi thì lặng người đi. Kiên ngó sang tủ sách, rồi hỏi:

– Vậy anh có viết sách không?

– Sao anh biết? - Đức ngạc nhiên.

– Tôi chỉ đoán vậy thôi. Anh đọc rất nhiều sách.

– Có, tôi có viết một quyển tiểu thuyết nhưng chưa có điều kiện xuất bản. Không ai chịu mua bản quyền của tôi...

– Tôi! Tôi sẽ mua! Năm mươi triệu được không?

– Tôi và Đức há hốc nhìn Kiên. Vương Kiên! Anh đùa tôi đấy ư? Năm mươi triệu đồng! Số tiền quá lớn cho một tác giả chưa nổi tiếng. Tôi nhìn Kiên như muốn anh hiểu tôi đang nghĩ gì. Kiên tiếp tục:

– Chuyến này tôi về đây để ký hợp đồng mua bản quyền sách của một tác giả gần đây. Tôi vẫn sẽ ký hợp đồng đó, nhưng tiểu thuyết của anh, tôi sẽ mua bản quyền với tư cách một cá nhân!

– Không... tôi không thể nhận số tiền quá lớn... tôi cảm thấy không xứng đáng.

– Ngược lại mới đúng, anh bạn của tôi. Anh vô cùng xứng đáng với sự trả ơn này. Những gì anh làm cho tôi còn đáng quý hơn. Anh chính là người đã mở lối cho cuộc đời đen tối của tôi, làm tôi quên đi mọi lao nhọc, bất hạnh trong cuộc sống.

Đức im lặng hẳn. Tôi cũng vậy. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một tình bạn cao đẹp như thế này. Xung quanh Vương Kiên, theo tôi được biết, chỉ toàn là những người bạn phần nào có hơi vụ lợi, dựa dẫm vào anh, đó phải chăng là bạn tốt? Không. Đến tận bây giờ tôi mới biết một người bạn tốt là thế nào. Trong đời thực, hiếm khi ta thấy được những nghĩa cử cao đẹp như vậy. Đây giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Nguyễn Thùy Đoan Trinh

Tin cùng chuyên mục