Cổng chào không làm nên uy tín địa phương

Báo chí vừa thông tin tỉnh Thái Nguyên đang lấy ý kiến nhân dân về thiết kế cổng chào phía Nam tỉnh, nằm trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Nếu được đồng thuận, công trình sẽ khởi công vào đầu năm 2018 với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, nhưng nguồn kinh phí xây dựng không rõ là từ ngân sách hay xã hội hóa.

Theo phối cảnh được báo chí đăng tải thì mô hình này khá đẹp với hình đôi cánh lớn hàm ý Thái Nguyên sẵn sàng cất cánh, sẵn sàng hội nhập. Nếu được thực hiện, cổng chào này có kinh phí chỉ bằng 1/13 cổng chào của tỉnh Quảng Ninh, vốn đã được khánh thành vào tháng 4-2017 với vốn đầu tư 198 tỷ đồng.

Vào tháng 3-2017, thành phố Hạ Long cũng đã đưa vào sử dụng cột đồng hồ để làm công trình mang tính biểu tượng của thành phố, với vốn đầu tư khoảng 30 - 40 tỷ đồng.

Ở quy mô nhỏ hơn, hồi tháng 11-2017, xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đã khánh thành một cổng làng có giá trị khoảng 4 tỷ đồng từ tiền công đức của những người xa quê đóng góp. Trước đó 1 năm, cũng ở tỉnh này, cổng làng ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, được xây dựng trị giá gần 3 tỷ đồng từ tiền đóng góp của người dân gây xôn xao dư luận cả nước bởi độ hoành tráng hiếm có…

Ở các địa phương khác, việc xây dựng cổng chào bạc tỷ cũng không hiếm. Chẳng hạn, tại Bình Dương, cổng chào cửa ngõ trên quốc lộ 13 từ TPHCM về đất Thủ có mức đầu tư 40 tỷ đồng từ ngân sách, được khánh thành vào năm 2010 nhưng sau hơn 1 năm thì bị cho là “te tua”. Cuối năm 2016, thành phố Hải Phòng đã phải tháo dỡ “cổng chào nghệ thuật” có kinh đầu tư 24 tỷ đồng sau hơn 2 năm sử dụng do công trình bị xuống cấp…

Nếu chú ý đọc kỹ trên báo chí thì hẳn sẽ còn phát hiện nhiều nơi xây dựng các cổng chào bạc tỷ, trong số đó có không ít công trình được thực hiện từ ngân sách nhà nước và cũng có không ít công trình nhanh chóng xuống cấp sau vài năm đưa vào sử dụng. Trong các trường hợp này, dùng từ lãng phí e là chưa đủ phản ánh đúng bản chất sự việc!

Trong bối cảnh nhiều địa phương thi nhau làm các cổng chào hoành tráng, để thực hiện cái gọi là “tạo dấu ấn địa phương”, “làm điểm nhấn thu hút khách du lịch”, “tạo bộ mặt”… thì dư luận không khỏi hoài nghi về hiệu quả thực sự của các công trình đó, cũng như không thể không đặt dấu hỏi về mục đích đằng sau của việc hăng hái xây dựng các công trình này. Bởi nếu tạo nên những dấu ấn thì với số tiền đó, người ta có thể xây dựng những công trình dân sinh có ý nghĩa thiết thực và chăm chút để công trình đó phục vụ đắc lực cho người dân tại địa phương chứ không phải để làm nên cái cổng chào mà trong không ít trường hợp tính biểu tượng lại rất kém hoặc nếu không có cũng chẳng sao.

Trên thực tế, nhiều cổng chào hay các công trình hoành tráng tiêu tốn nhiều tiền của không tạo nên giá trị, uy tín hay thương hiệu của địa phương mà trái lại có thể làm dư luận “dậy sóng” phản ứng tiêu cực. Có khi, từ các thông tin về cổng chào, địa phương đó được cả nước biết đến nhiều hơn, nhưng không phải là tiếng thơm, tiếng lành mà là tiếng xấu, là bia miệng. Đến nay, những công trình bạc tỷ loại này sau khi phải tháo dỡ thì gần như không có ai phải chịu trách nhiệm, coi như tiền thuế của nhân dân bị đem đi đổ sông, đổ biển!

Tương tự các cổng chào còn có các tượng đài, công viên, quảng trường… được xây dựng cũng quá đồ sộ nhưng chất lượng kém, hiệu quả thấp, ý nghĩa giáo dục hạn chế, đó đây vẫn được phản ánh trên báo chí. Nhiều địa phương vốn rất khó khăn về kinh tế nhưng lại chú trọng nhiều đến việc xây dựng các công trình mang tính hình thức, khiến chính quyền địa phương bị dư luận nhìn nhận là nghèo về mặt văn hóa, về ý thức và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Chắc hẳn ở mỗi địa phương đều có những hộ gia đình còn khó khăn, có nơi còn thiếu trường học, bệnh viện; đường sá đi lại còn trắc trở; còn nhiều học sinh, sinh viên nghèo có nguy cơ bỏ học; nhiều người nghèo cần vốn làm ăn… Giá như chính quyền ở đó biết lắng nghe nhân dân để rồi làm những việc có ý nghĩa hơn thì dù địa phương không có công trình nào hoành tráng nhưng nhắc đến địa phương đó, người dân cả nước ai cũng trân trọng và đánh giá cao cái tâm và tầm của những người lãnh đạo.

Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, sự phát hiện, phản ánh kịp thời của nhân dân; Quốc hội, Chính phủ cũng cần có quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về việc xét duyệt, quyết toán kinh phí để các địa phương không “mạnh ai nấy làm” những công trình chỉ mang tính hình thức, thiếu ý nghĩa dân sinh thiết thực, thậm chí còn mang tính vụ lợi.

Khi những người có trách nhiệm ký duyệt xây dựng bất cứ hạng mục nào từ tiền thuế của nhân dân cũng đều luôn cân nhắc đến trách nhiệm và lương tâm, đạo đức, thì chắc chắn sẽ không còn những công trình lãng phí, vô bổ kể trên.

Tin cùng chuyên mục