Công nghệ “rồng đen” kêu cứu !

Công nghệ “rồng đen” kêu cứu !

Men keo rồng đen (RĐ), một công trình sáng tạo của PGS-TS Nguyễn Dần được sản xuất từ cao su phế thải như giày dép,... dùng để chống thấm, chống gỉ các công trình và vật liệu xây dựng. Nó được khách hàng ưa chuộng do chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập cùng loại nhưng giá thành lại rẻ hơn nhiều lần: 1 tấn RĐ bán khoảng 12 triệu đồng, tính ra 1 kg RĐ ước 12 ngàn đồng, chỉ bằng phân nửa hàng ngoại nhập trôi nổi trên thị trường.

Công nghệ “rồng đen” kêu cứu ! ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Dần với sản phẩm RĐ và giấy chứng nhận hàng VN chất lượng cao  Ảnh: LÊ BÌNH NGUYÊN

Tính sáng tạo của sản phẩm độc đáo này ở chỗ tác giả đã thiết kế chế tạo được thiết bị phản ứng có bộ phận đánh tơi cao su phế thải (cao su được lưu hóa) mà không cần nghiền mịn.

Trước nay, theo quy trình công nghệ cũ, các sản phẩm chống thấm dùng cao su Kếp chưa được lưu hóa phải được nghiền mịn ra. Đây là công đoạn đầu tư rất tốn tiền làm tăng giá thành sản phẩm (vì phải làm lạnh ở nhiệt độ âm 15-20).

Chưa kể cao su Kếp nguyên chất giá 20 ngàn đồng / kg, còn cao su phế thải chỉ 1 ngàn đồng / kg. Trong sản phẩm RĐ có sử dụng 20 % - 25 % cao su phế thải đã lưu hóa nên chất lượng cao hơn Kếp chưa lưu hóa; còn lại dùng nguyên chất nhựa đường Bitum.

Điểm nổi trội nữa là công nghệ RĐ còn xử lý ô nhiễm khói bụi nhằm bảo vệ môi trường sống quanh vùng: Nhờ bộ phận thiêu đốt 2 cấp ở 1.1000C và 1.5000C , khí H2S vốn có mùi “trứng thối” thải ra ngoài không còn mùi hôi, còn bụi được lọc tách bằng hệ thống phun sương.

Nhiệt thiêu đốt được thu hồi dùng cho thiết bị phản ứng, góp phần giảm giá thành. Dây chuyền thiết bị sản xuất men keo RĐ gần như tự động hóa, chỉ cần 2 công nhân cho mỗi ca sản xuất; công suất đạt 5 tấn sản phẩm/ngày.

Trong nhiều năm, Tiến sĩ Nguyễn Dần đã hao tổn rất nhiều công sức và tiền bạc (khoảng 500 triệu đồng) mới chế tạo thành công dây chuyền sản xuất men keo RĐ chống thấm lần đầu tiên trong nước. Nhưng RĐ mới tung ra bán là lập tức trên thị trường xuất hiện ngay cả đống hàng giả “chế biến” bằng cách dùng nhựa đường quậy với dầu hôi rồi đem đi tiêu thụ.

Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường 5 A đã bắt quả tang ông L.Đ.T chở 5 thùng sơn chống thấm giả hiệu men keo RĐ. Kiểm tra nơi tạm trú của ông T., còn phát hiện 2 can nhựa 20 lít đựng dung dịch dầu hắc cùng hàng trăm thùng thiếc để làm giả sản phẩm RĐ.

Nhà khoa học say sưa nghiên cứu này lại phải nhập môn nghiên cứu mới là kết hợp với công an kinh tế, quản lý thị trường để trị tệ làm hàng giả RĐ. Nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Ông có đặt hàng Viện Khoa học Hình sự làm con “tem niêm phong” (vật liệu nhập ngoại) và được mã hóa bằng đục lỗ để chống hàng giả.

Tem thật có hoa văn đặc biệt mà chỉ có đèn cực tím chiếu vào thì mới thấy hiện ra. Nay kẻ làm giả có thể dùng vi tính làm tem “dỏm” như thật mà người tiêu dùng nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện.

Nhưng chả lẽ cứ mỗi lần mua lại phải soi đèn cực tím ? Không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và xử lý triệt để nạn làm hàng giả, hàng gian thì chắc chắn sẽ làm thui chột lòng say mê sáng tạo của các nhà khoa học và doanh nghiệp làm ăn chân chính. 

THU BÌNH

Tin cùng chuyên mục