Nguyên tắc của công tác kiểm tra Đảng dựa vào: tính tự giác của đảng viên, tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan chức năng (thanh tra, điều tra, các cơ quan quản lý nhà nước…) và kết quả thẩm tra, xác minh của cán bộ kiểm tra thụ lý vụ việc. Trên thực tế đã có bao nhiêu đảng viên bị phát hiện, xử lý kỷ luật thông qua 4 chỗ dựa trên? Câu trả lời là rất ít và thậm chí có nơi không phát hiện được đảng viên có sai phạm từ những cách kiểm tra trên.
Vụ tiêu cực đất đai tại huyện Hóc Môn khiến nhiều cán bộ, đảng viên phải ngồi tù, trong đó có Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khỏe-được cho là điển hình sai phạm của đảng viên, đã không được phát hiện từ tổ chức cơ sở Đảng và các cơ quan chức năng. Trong vụ này, tổ chức Đảng tại cơ sở hầu như đứng ngoài cuộc, ngay cả lúc cơ quan Cảnh sát điều tra đến đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam đảng viên của mình, chi bộ và đảng bộ tại đây đều không biết. Như vậy, tổ chức cơ sở Đảng đã không biết đảng viên vi phạm khuyết điểm thì làm sao yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh làm rõ được.
Có một phương pháp trong đấu tranh với sai phạm của đảng viên được nhiều cơ sở Đảng vận dụng và đạt kết quả cao, là dựa vào quần chúng và những đảng viên mạnh dạn đấu tranh trong nội bộ. Phương pháp này đặt công tác giám sát của Ủy ban kiểm tra các cấp phải được đẩy mạnh, nhất là việc giám sát đảng viên trong chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, công tác kiểm tra nếu chỉ dựa vào quần chúng và đảng viên dám đấu tranh thì chưa đủ, mà cái cần nhất là vai trò của công tác kiểm tra Đảng. Đã đến lúc phải đổi mới phương thức kiểm tra, phát hiện sai phạm của đảng viên, mới đáp ứng được yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát đặt ra, nhất là trong tình hình hiện nay đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng đang có chiều hướng gia tăng.
HOÀI NAM