Công viên 23 Tháng 9 bị hẹp dần

Công viên 23 Tháng 9 nằm ở quận 1, ngay trung tâm TPHCM. Đây không chỉ là nơi người dân  thành phố và du khách đến vui chơi, thư giãn, mà còn là lá phổi xanh làm dịu mát đô thị. Thế nhưng những năm gần đây, công viên 23 Tháng 9 đã bị chia cắt, sử dụng sai  mục đích, diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp.
Công viên 23 Tháng 9 bị hẹp dần

Công viên 23 Tháng 9 nằm ở quận 1, ngay trung tâm TPHCM. Đây không chỉ là nơi người dân  thành phố và du khách đến vui chơi, thư giãn, mà còn là lá phổi xanh làm dịu mát đô thị. Thế nhưng những năm gần đây, công viên 23 Tháng 9 đã bị chia cắt, sử dụng sai  mục đích, diện tích cây xanh ngày càng bị thu hẹp.  

Trong khu vực công viên, ngay cạnh đường Nguyễn Thị Nghĩa là khu sân khấu biểu diễn Sen Hồng. Đây không chỉ là nơi tổ chức biểu diễn ca nhạc mà đã biến thành điểm bán nước giải khát. Dọc theo đường Phạm Ngũ Lão, một quán cà phê mọc lên ngay cạnh trung tâm biểu diễn. Liền kề khu sân khấu là bãi giữ ô tô, xe máy có quy mô lớn của Thanh niên xung phong, chiếm mặt bằng công viên suốt từ đường Lê Lai sang Phạm Ngũ Lão. Cách bãi giữ xe không xa, bên cạnh đường Tôn Thất Tùng là công trình xây dựng bằng bê tông cốt thép nằm giữa công viên, là nơi làm việc của Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số đơn vị. Công viên đã bị biến thành công sở. Chiếm dụng nhiều diện tích hơn cả là bến bãi xe buýt. Toàn bộ phần công viên từ đường Tôn Thất Tùng đến vòng xoay đường Cống Quỳnh đã bị biến thành bến bãi xe buýt, mỗi ngày có đến hàng trăm xe buýt vào ra.

Toàn bộ phần công viên từ đường Tôn Thất Tùng đến vòng xoay đường Cống Quỳnh đã bị biến thành bến bãi xe buýt, mỗi ngày có đến hàng trăm xe buýt vào ra

Công viên 23 Tháng 9 bị sử dụng không đúng mục đích không chỉ làm xấu bộ mặt khu trung tâm thành phố, mà lá phổi xanh, không gian chung dành cho cộng đồng đã bị thu hẹp. Yêu cầu trả mặt bằng công viên 23 Tháng 9 về đúng công năng đã được đặt ra từ nhiều năm nay. UBND TPHCM đã nhiều lần yêu cầu chuyển bến xe buýt và các cơ quan làm việc ra khỏi công viên, nhưng việc triển khai thực hiện lại không dễ. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, như thiếu kinh phí, chưa tìm được địa điểm. Nhưng lý do chính là công viên nằm ở vị trí đắc địa, thuận lợi cho việc đi lại, nên các đơn vị đang sử dụng mặt bằng công viên không muốn rời bỏ nơi này. Đầu tháng 5-2015, UBND TP đã đồng ý giao cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Cửu Long nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, chỉnh trang công viên 23 Tháng 9. Theo phương án đơn vị này đưa ra, việc cải tạo chỉnh trang phải có thiết kế đẹp, phù hợp hài hòa, kết nối giao thông đồng bộ và hạn chế ảnh hưởng cây xanh. Đổi lại, đơn vị đầu tư được khai thác tạm thời một phần công viên để mở dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí cho người dân và du khách. Dự án cải tạo công viên 23 Tháng 9 vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất.

Chủ trương xã hội hóa, cho phép doanh nghiệp đầu tư, cải tạo công viên để phục vụ cộng đồng là hướng đi mới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lợi ích cho nhà đầu tư phải hài hòa với quyền lợi của người dân. Diện tích cây xanh, không gian chung dành cho cộng đồng phải được đảm bảo. Việc cải tạo công viên phải tuân thủ nguyên tắc làm tăng diện tích mảng xanh cho người dân thành phố. Vì thế,  các nhà quản lý cần giám sát chặt, kỹ lưỡng để việc cải tạo công viên đạt được mục đích hoàn trả lại mảng xanh cho khu trung tâm thành phố.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục