Cư dân khu dân cư An Lộc “khát” nước sạch vì... thủ tục

Uống nước... ô nhiễm
Cư dân khu dân cư An Lộc “khát” nước sạch vì... thủ tục

Chủ đầu tư dự án giải thể, chính quyền chậm can thiệp, ngành cấp nước cứng nhắc… khiến hàng trăm hộ dân ở khu dân cư An Lộc thuộc tổ 62, khu phố 7 (phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM) phải sống trong cảnh “khát” nước từ nhiều năm nay. Để có nước nấu ăn và sinh hoạt, bà con phải mua nước lọc giá cao hoặc sử dụng nước giếng ô nhiễm.

Nước giếng được người dân lọc thủ công nhưng vẫn đục và ô nhiễm.

Nước giếng được người dân lọc thủ công nhưng vẫn đục và ô nhiễm.

Uống nước... ô nhiễm

Khu dân cư An Lộc do Văn phòng Quận ủy Gò Vấp, Công an quận Gò Vấp và Công ty TNHH Dệt - Xây dựng - Thương mại Quyết Thắng (đơn vị góp vốn chủ yếu) làm chủ đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và bán nền từ năm 2000. Đến nay, có khoảng 100 hộ dân mua nền, xây nhà sinh sống tại khu dân cư nhưng cuộc sống, sinh hoạt của bà con luôn bị đảo lộn do mạng lưới nước sạch chưa được phát triển, lắp đặt. Để có nước nấu ăn, sinh hoạt, người dân phải mua nước lọc với giá 12.000 - 14.000 đồng/bình 20 lít.

Anh Đào Phương, nhà ở khu A, cho biết gia đình anh có 4 người, phải mua nước lọc để nấu ăn và sinh hoạt, dù rất tiết kiệm nhưng trung bình mỗi ngày vẫn phải sử dụng khoảng 100 lít nước. Tính ra mỗi tháng tốn khoảng 2 triệu đồng tiền nước. Còn đối với những hộ đang cảnh điều kiện kinh tế khó khăn thì đành chấp nhận ăn uống, tắm giặt bằng nước giếng đục, nhiễm phèn.

Hiện nay, đa số các hộ dân trong khu dân cư An Lộc đều sử dụng nước giếng sau khi lọc thủ công, tuy nhiên, theo bà con, việc lọc thủ công cũng chỉ giảm độ phèn trong nước phần nào, nước sau lọc vẫn đục và có mùi tanh. Không thể mãi ăn uống, sinh hoạt bằng nước ô nhiễm, từ năm 2007, người dân ở khu phố 7, phường 17 gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư, chính quyền địa phương và Xí nghiệp Cấp nước Trung An (nay là Công ty TNHH MTV Cấp nước Trung An - đơn vị cấp nước trên địa bàn) nhưng tất cả đều né tránh.

“Chủ đầu tư viện lý do, tại thời điểm lập dự án chưa có mạng lưới cấp nước sạch nên chưa thể phát triển, lắp đặt đường ống cấp nước và đồng hồ nước. Dần dần chủ đầu tư giải thể và biến mất. Còn ngành cấp nước thì cho rằng, khu vực tổ 62 thuộc dự án của doanh nghiệp nên họ không thể làm hợp đồng phát triển mạng lưới cấp nước trực tiếp tới từng hộ dân. Trong khi phường, quận thì cứ hứa và hứa…” - ông Nguyễn Văn Lý, tổ trưởng tổ dân phố 62, bức xúc nói.

Ông Lý còn cho biết, giếng ở đây được khoan sâu cả trăm mét nhưng nước vẫn đục và có mùi rất hôi, bởi cạnh khu dân cư là sông Vàm Thuật vốn bị ô nhiễm nặng lâu nay. Nhiều trường hợp người dân ở khu dân cư An Lộc sử dụng nước giếng hàng chục năm qua, nay có nhiều dấu hiệu bị các bệnh hô hấp, ung thư…

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Ngô Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường 17, quận Gò Vấp, khẳng định đúng là từ trước đến nay người dân ở tổ 62, khu phố 7 rất “khát” nước sạch, lý do mạng lưới nước máy tại đây chưa được lắp đặt. Còn nước giếng thì rất ô nhiễm do xung quanh khu dân cư An Lộc có nhiều sông rạch. Hiểu được nước sạch là nhu cầu cấp thiết của bà con, từ tháng 7-2009, phường đã có văn bản đề nghị Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp kiểm tra, khảo sát, tham mưu cho UBND quận có công văn đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Trung An lập dự án cấp nước sạch. Phường cũng làm việc với Công ty cổ phần Dệt may Quyết Thắng (đơn vị thu mua lại tài sản của dự án sau khi Công ty TNHH Dệt - Xây dựng - Thương mại Quyết Thắng bị giải thể) nhưng đơn vị này cho rằng không có khả năng phát triển mạng lưới cấp nước trong khu dân cư An Lộc. Đến đầu tháng 9-2011, phường chưa nhận được thông báo nào từ quận và chủ đầu tư dự án về việc giải quyết nước sạch cho cư dân khu dân cư An Lộc.

Về phía ngành cấp nước, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Trung An, cho biết, theo quy định ngành cấp nước không được lắp đặt ống cấp nước vào khu dân cư đã có chủ đầu tư. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cung cấp nước sạch cho nhân dân toàn quận Gò Vấp theo chỉ tiêu của thành phố, đồng thời đảm bảo các quy định về đầu tư xây dựng, ngày 28-9-2010, công ty có văn bản gửi UBND quận Gò Vấp, đề nghị: UBND quận Gò Vấp xác nhận tình trạng hoạt động của chủ đầu tư dự án và đơn vị chủ quản hiện tại của khu dân cư để công ty kiến nghị lên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) có hướng giải quyết.

Tuy nhiên, mãi đến ngày 23-9-2011 (sau 2 năm), UBND quận Gò Vấp mới có văn bản xác nhận trả lời cho công ty và kiến nghị lên Sawaco. “Hiện, công ty đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Sawaco, nếu được duyệt công ty sẽ nhanh chóng lập dự án phát triển mạng lưới cấp nước ngay cho khu dân cư An Lộc” - ông Hiệp nói.

Thực tế trên cho thấy, nếu ngành cấp nước linh động, chính quyền quan tâm, nhanh chóng thực hiện thủ tục thì dân không phải chịu khổ, “khát” nước sạch kéo dài như thế!

Tuấn Vũ

Tin cùng chuyên mục