Cứ ngập là nâng đường?

Đường cao, nhà thấp
Cứ ngập là nâng đường?

Nhiều bạn đọc đã bức xúc gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh: Nhiều con đường ở TPHCM như Trần Não (quận 2), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Phạm Thế Hiển (quận 8)... được nâng cấp, nhưng nâng mặt đường quá cao khiến tầng trệt nhà dân bị biến thành tầng hầm.

Nhiều hộ kinh doanh trên đường Trần Não đành trả mặt bằng, ngưng kinh doanh

Đường cao, nhà thấp

Từ dốc cầu Sài Gòn rẽ phải vào đường Trần Não, ở xa xa đã thấy bụi mù bốc cao trong gió. Mặt đường mới nâng cao và hai bên vỉa hè đang được thi công. Chúng tôi ghé vào tiệm giặt ủi ở số nhà 82 do anh Phước làm chủ. Bề ngang tiệm hơn 6m nhưng bây giờ toàn bộ mặt tiền tiệm đã lọt thỏm xuống thấp gần 0,5m so với nền đường, nên việc ra vào rất khó khăn. Nghe hỏi đã tính toán cách gì khắc phục tình trạng này, anh băn khoăn: “Nhà này tôi thuê nên cũng chưa biết tính sao. Nếu nâng nền thì sẽ đụng trần, còn làm bậc thang cho khách đi xuống thì vướng cửa và khách sẽ không muốn phải bất tiện như vậy”. Anh chủ trẻ tiệm cà phê Hồng Phát (ở số 174) cũng than: “Làm đường sao mà kỳ quá, khiến dân thiệt đủ bề. Công trình nâng đường làm quá lâu, khiến người dân đi lại khó khăn, giờ đến phần vỉa hè thì cũng vậy, chẳng buôn bán gì được, nhà thấp hơn đường, cuối cùng phải đành đóng cửa để sửa nhà. Nhà kế bên có 70m2, sửa tốn hết 200 - 300 triệu đồng, còn nhà này bề ngang hơn 8m, sâu mấy chục mét, sửa sẽ tốn nhiều tiền lắm!”. Trên tuyến đường Trần Não, các nhà bên số lẻ cũng… thê thảm không kém, nhiều hàng quán đã phải đóng cửa ngưng kinh doanh do ra vào khó khăn. Anh Chiến (nhà ở số 93) cho biết: “Bây giờ nhà tôi bị thấp hơn mặt đường đến 1m, nên đành phải xây lại nhà. Sửa đơn giản thôi, nhà gác mà cũng tốn chừng 120 - 130 triệu đồng. Nhà nào cũng phải khổ như vậy!”.

Nhiều cư dân ở hẻm 547 đường Kinh Dương Vương cũng kêu khổ vì sau khi nâng đường, nhà thấp hơn mặt đường từ 0,5 - 1m.

Nâng đến bao giờ thì hết ngập?

Kể lại chuyện nâng đường chống ngập, nhiều cư dân ở đường Phạm Thế Hiển (phường 7, quận 8) còn… rùng mình. Triều cường, nước ngập, giải pháp “hữu hiệu” lúc bấy giờ là nâng đường. Nâng đường lần đầu, dân cũng chịu khó nâng nhà theo. Đường mới nâng, phẳng phiu, ai cũng thích. Ấy vậy mà chỉ 2 năm sau thì… ngập lại. Lại nâng đường tiếp lần thứ hai, nhiều hộ dân… đuối do không đủ tiền để sửa lại nhà. Thực tế nâng đường không phải là giải pháp căn cơ để  chống ngập.

Mới đây, tại TPHCM đã diễn ra cuộc hội thảo về giải pháp chống ngập để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại cuộc hội thảo này, nhiều nhà khoa học đã nêu nhiều ý kiến xác đáng. PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) cho rằng xu hướng bê tông hóa tràn lan trên địa bàn TPHCM đã làm mất đi một lượng lớn nước mưa có thể bổ sung cho nguồn nước ngầm và gây quá tải cho hệ thống thoát nước. Cũng theo ông, cần phải xây thêm hồ chứa nước, vỉa hè, mảng xanh… để góp phần chống ngập, vì “nếu chống ngập theo kiểu nâng đường nâng nhà thì không biết đến bao giờ mới kết thúc”.

Rõ ràng việc nâng đường chống ngập chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ, với mực đỉnh triều và hệ lụy của biến đổi khí hậu hiện nay, nâng đường không mang lại lợi ích lâu dài, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, khiến xã hội phải tiêu tốn thêm nhiều nhân lực, tài lực để thoát cảnh đường cao nhà thấp. Nói như anh chủ trẻ tiệm cà phê Hồng Phát trên đường Trần Não, “nên nghiên cứu làm một lần để dân đỡ khổ”. Trong khi chờ các giải pháp lâu dài như làm thêm hồ chứa nước, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh rạch…, Nhà nước cần hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng khi nâng đường, có chính sách ưu đãi thuế đối với các hộ kinh doanh không buôn bán được.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục