Chỉ còn hơn 6 tháng nữa, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 - Asia Beach Games (ABG 5) sẽ chính thức khởi tranh tại Đà Nẵng, nhưng đến thời điểm này, nhiều người đã… ngã ngửa trước thông tin Chính phủ vẫn chưa duyệt kinh phí tổ chức sự kiện này.
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), kinh phí tổ chức ABG 5 là 476 tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính chỉ đồng ý đề nghị Chính phủ duyệt chi 221 tỷ đồng và con số này có thể còn bị giảm thêm do cắt giảm đầu tư công.
Tại ABG 4, tổ chức tại Thái Lan hồi tháng 11-2014, Việt Nam chính thức nhận cờ đăng cai ABG 5. Theo đánh giá của mọi người, việc đăng cai ABG 5 có ý nghĩa to lớn về thể thao, chính trị, ngoại giao, văn hóa - xã hội và du lịch, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, công tác chuẩn bị cho sự kiện thể thao này cứ liên tục trầy trật.
Đầu tiên, nước chủ nhà Việt Nam dự định tổ chức ABG 5 tại 3 địa điểm là Bình Thuận, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Thế nhưng, khi trình lên Hội đồng Olympic châu Á (OCA), phương án này đã bị bác bỏ vì sẽ gây khó khăn cho các đoàn trong việc di chuyển, lưu trú. Trước tình thế đó, Ủy ban Olympic Việt Nam và Bộ VH-TT-DL đã quyết định chỉ tổ chức ABG 5 tại địa điểm duy nhất là TP Đà Nẵng. Theo kế hoạch, ABG 5 sẽ diễn ra từ ngày 24-9 đến 3-10-2016 với 14 môn thi đấu và 22 phân môn, thu hút 4.590 VĐV, HLV, lãnh đạo các đoàn thể thao và quan khách đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Nguyễn Trọng Thao, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở VH-TT-DL Đà Nẵng) cho biết, việc tổ chức ABG 5 không tốn quá nhiều kinh phí, do các môn thể thao đều tổ chức trên bãi biển nên không phải đầu tư nhiều cho cơ sở vật chất, hạ tầng. Tuy nhiên, liên quan đến công tác tổ chức sự kiện này, ban tổ chức địa phương đang phải chờ quyết định của Chính phủ duyệt kinh phí tổ chức ABG 5 rồi mới triển khai được. Đến thời điểm này, ngoài việc ra mắt đồng hồ đếm ngược thời gian đến ngày khai mạc ABG 5 hồi tháng 9-2015, TP Đà Nẵng chưa thể triển khai thêm các công tác khác do Trung ương chưa cấp kinh phí. Về vấn đề này, ông Thao cho biết, việc triển khai các hạng mục cho ABG 5 không tốn nhiều thời gian, nhưng nếu kinh phí được duyệt sớm thì ban tổ chức sẽ chủ động hơn rất nhiều và công tác chuẩn bị sẽ kỹ lưỡng hơn.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia ABG 5 hồi đầu tháng 3 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, việc chưa chốt được kinh phí tổ chức là khó khăn lớn nhất đối với ban tổ chức. Điều này một lần nữa cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhất quán của các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là Bộ VH-TT-DL, trong việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn của khu vực và châu lục.
Lẽ thường, trước khi xin đăng cai bất kỳ sự kiện nào, các tổ chức, đơn vị xin đăng cai cần phải chuẩn bị thật tốt hồ sơ, các phương án tổ chức và đặc biệt là phải cân nhắc, dự toán vấn đề kinh phí. Đằng này, thể thao Việt Nam lại làm theo quy trình ngược, tức là xin đăng cai trước, sau đó mới tính toán, lên phương án và xin kinh phí. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên, Thủ tướng từng yêu cầu Ủy ban Olympic Việt Nam và Bộ VH-TT-DL xin rút không đăng cai Asiad 18 (2019) do kinh phí tổ chức quá cao, dù trước đó OCA đã chấp thuận cho Việt Nam làm chủ nhà.
Với cung cách làm việc cứ như đùa thế này, nguy cơ thể thao Việt Nam phải muối mặt với bạn bè quốc tế là không nhỏ.
PHI HẢI