Tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ nhận định nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,18%. Chính vì thế, Chính phủ thống nhất sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra cho 2014. Đáng chú ý là theo kết quả điều tra, khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp (DN) khá lạc quan về triển vọng phục hồi và kỳ vọng phát triển hơn trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng phân tích kỹ các yếu tố cơ bản của GDP có thể thấy rằng xu hướng phục hồi của nền kinh tế đã khá rõ nét. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các yếu tố tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tuy chưa đạt mức tăng trưởng cao, nhưng mức tăng của quý sau đã cao hơn quý trước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, cao hơn mức 2,07% của cùng kỳ năm 2013; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, cao hơn mức 5,18% của 6 tháng đầu năm 2013; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, cao hơn mức 5,92% của cùng kỳ năm 2013. Đây là những dấu hiệu tích cực, toàn diện về tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức như tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng đạt thấp; tốc độ tăng tổng cầu thấp, sức mua chậm phục hồi… Một trong những minh chứng rõ nhất là số lượng DN phải ngừng hoạt động vì khó khăn vẫn đang tăng lên, trong khi số DN thành lập mới có xu hướng giảm. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có 37.315 DN đăng ký thành lập mới, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo tính toán của các chuyên gia, để đạt mục tiêu kế hoạch tăng trưởng GDP cả năm 2014 là 5,8% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 6,25%. Nhìn lại thời gian từ năm 2011 trở về trước, tăng trưởng kinh tế của 6 tháng cuối năm đã từng đạt được mức cao hơn 6,25%. Nhưng năm 2012 mức tăng còn 5,49% và năm 2013 chỉ đạt 5,82%. Điều này cho thấy nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn từ nay đến cuối năm là rất nặng nề và khó khăn. Tại phiên họp Chính phủ hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong 6 tháng còn lại của năm 2014 các ngành, các cấp cần nắm chắc diễn biến tình hình, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp hiệu quả khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ cho ngư dân.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trên thực tế, dù Nghị quyết 19 được ban hành từ tháng 3-2014 nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Thông tin tại một cuộc hội thảo mới đây cho thấy, để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong nghị quyết này là điều không hề dễ dàng. Phía các cơ quan quản lý dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi về tư duy để quyết tâm đổi mới. Chẳng hạn, theo Nghị định 19, trong giai đoạn 2014 - 2015 sẽ phấn đấu giảm thời gian nộp thuế của DN từ mức 872 giờ/năm (theo đánh giá của WB) xuống còn 171 giờ/năm (bằng mức trung bình của ASEAN 6). Tuy nhiên, khi tham gia ý kiến về vấn đề này, đại diện ngành thuế đã viện dẫn nhiều lý do để nói lên khó khăn, như tiêu chuẩn đánh giá không đồng nhất, hay như nếu ngành thuế có giảm thời gian thì vẫn không thể giảm đủ bởi theo tiêu chuẩn của WB thời gian nộp thuế của DN tính luôn cả thời gian làm nghĩa vụ bảo hiểm xã hội...
Những tín hiệu tích cực trong nửa chặng đường của năm 2014 cho thấy niềm tin đã le lói trở lại. Nhưng để nền kinh tế có động lực phục hồi thì cần sớm nắm bắt, tận dụng niềm tin ấy. Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cần có kỷ luật cải cách. Nghĩa là mục tiêu đã đề ra thì các cơ quan được giao nhiệm vụ phải thực hiện cho bằng được, nếu không phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Đã có một số ý kiến đề nghị nên thành lập một ủy ban cải cách cấp quốc gia để điều phối, thực hiện một cách đồng bộ những mục tiêu đề ra. Nhưng quan trọng hơn là phải thay đổi cho được tư duy quản lý, từ nhà nước “điều hành” sang nhà nước “kiến tạo phát triển”. Có vậy, môi trường kinh doanh mới thực sự hấp dẫn, thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2014.
BẢO MINH