Cuộc đua AI

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang trở thành chiến lược toàn cầu trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều nước đã và đang đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực này, cả ngắn hạn và dài hạn. 

Trung Quốc đã dành 1.729 tỷ USD để phấn đấu thành cường quốc dẫn đầu trong AI theo mục tiêu đến năm 2030. Đức tham gia cuộc đua và liên kết với các nước châu Âu với kinh phí 3 tỷ Euro với mục tiêu trở thành Powerhouse của Liên minh châu Âu vào năm 2025. Tổng thống Nga V.Putin cũng đã đề cập rằng: quốc gia nào dẫn đầu về AI sẽ là người thiết đặt trật tự xã hội của thế giới… 

Ở nước ta, TPHCM - đầu tàu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ của cả nước, đã nhập cuộc. Với cam kết đầu tư mạnh cho khoa học - công nghệ, lãnh đạo TPHCM đã chủ động đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng TPHCM trở thành một đô thị thông minh và dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam; trong đó nghiên cứu triển khai AI được xem là nền móng cơ bản để đạt được mục tiêu trên. Với tiềm lực là một thành phố có mật độ khoa học - công nghệ cao đến từ các viện, trường, tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ khoảng 10 triệu dân cùng 30.000 doanh nghiệp, TPHCM đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI với sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và sự lãnh đạo, đặt hàng từ chính quyền.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, phát triển công nghệ thông tin và đặc biệt là AI, TPHCM cần vạch ra những chiến lược rõ ràng, kể cả ngắn hạn 2019-2020 hay dài hạn 2020-2030, trong đó 3 mũi nhọn cần tập trung gồm công tác nghiên cứu và đào tạo, nắm bắt công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trước hết, đối với công tác nghiên cứu và đào tạo, cần đầu tư vào mảng AI thông qua các quỹ nghiên cứu và hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước để tập trung được nhiều thế mạnh từ các góc độ và khía cạnh khác nhau, bởi một trường đại học hay viện nghiên cứu đơn lẻ không thể gánh vác hết. Ý tưởng về trường đại học chia sẻ có thể được triển khai, trong đó tập trung cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau, để từ đó tận dụng được ưu điểm, thế mạnh của tất cả các đơn vị. Ngoài ra, chú trọng liên kết khu vực và quốc tế nhưng trước hết cần xác định rõ đối tượng hướng tới là một nước, một viện nghiên cứu hay một tập đoàn đa quốc gia, để có những chính sách và chiến lược phù hợp. Vấn đề then chốt là tập hợp, đào tạo cho được nguồn nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin và AI để thực hiện các vai trò trong chiến lược đề ra.

Thứ hai, để đẩy mạnh công tác nắm bắt công nghệ, cần vạch ra những mục tiêu cụ thể và chiến lược cho từng giai đoạn ngắn hạn (5 năm) có thể sử dụng nguồn lực tập trung, từ đó mang đến hiệu quả và đạt được tiêu chí đề ra; cần có sự chọn lọc và thứ tự ưu tiên giữa các ngành. Lãnh đạo TP, các viện nghiên cứu hay các doanh nghiệp thực hiện chính sách khuyến tài bằng cách đề ra những vấn đề từ thực tiễn, thu thập từ hiện trạng của từng lĩnh vực, như y tế, giao thông, hành chính… để khuyến khích các cá nhân và tổ chức tham gia giải quyết bằng các giải pháp công nghệ thông tin, AI, sáng tạo với những giải thưởng hay hỗ trợ phục vụ.

Thứ ba, thực hiện chiến lược đổi mới sáng tạo. Trong chương trình này, doanh nghiệp và thành phố sẽ hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề và tận dụng tiềm lực cao nhất có thể từ các bên. Vai trò của các doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng, do những tiềm năng thực tế mà các bên có thể hỗ trợ. Để thực hiện định hướng xây dựng một khu đô thị sáng tạo của TP thì các điều kiện tiên quyết không thể thiếu là: đội ngũ chuyên gia giỏi, các công ty khởi nghiệp AI, các công ty hàng đầu về AI, các trung tâm nghiên cứu, quản trị trên nền tảng AI.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong các lĩnh vực, đặc biệt là AI, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 thành phần: sự lãnh đạo, quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện khuyến khích của lãnh đạo TP; chuyên môn nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng của các trường, các viện trên địa bàn; các doanh nghiệp với mật độ công nghệ cao cũng như tiềm năng triển khai lớn. Với sự chung tay đề ra chiến lược và thực hiện kế hoạch một cách rõ ràng, thống nhất và triệt để, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin TPHCM trở thành trung tâm dữ liệu của cả khu vực ASEAN vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục