Phát triển song song kênh truyền thống và hiện đại
Theo Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, bên cạnh phát triển nhanh hệ thống bán lẻ hiện đại, mạng lưới chợ truyền thống cũng được nâng cấp đồng bộ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và giữ vững vai trò trung tâm mua sắm, giao dịch, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh thành; trở thành cửa ngõ trao đổi hàng hóa của khu vực phía Nam và đầu mối giao thương quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2020, bán lẻ hàng hóa theo hướng hiện đại (như mô hình trung tâm thương mại, siêu thị) đạt mức tối thiểu 40% và nâng lên mức 50% trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2025) và đến năm 2030 đạt mức tối thiểu 60%. Theo khảo sát của Savills tại thị trường TPHCM trong năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng thích đến các cửa hàng tiện lợi đã tăng lên mức 17%, trong khi năm 2015 chỉ ở mức 4%, cho thấy thói quen tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi đáng kể.
Ý kiến đánh giá chung của người tiêu dùng khi nhận xét về hoạt động mua sắm ở các kênh bán lẻ hiện đại là an tâm về nguồn gốc hàng hóa, giá cả ổn định, không gian mua sắm rộng và sạch đẹp, được chăm sóc bằng nhiều dịch vụ khác kèm theo. Chỉ tính riêng tại TPHCM số lượng siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi đã có hơn 1.000 địa điểm của các thương hiệu nội và ngoại. Trong đó, thương hiệu siêu thị nội đang chiếm lĩnh về số lượng. Cụ thể, chuỗi bán lẻ trong nước chiếm thị phần 73%, riêng tại các thành phố lớn chiếm 68% và thị trường nông thôn chiếm đến 84%.
Dù rằng bán lẻ hiện đại có chủ trương phát triển mạnh nhưng vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn mạng lưới bán buôn truyền thống, vì đây là nét văn hóa lâu đời của người dân Sài Gòn - TPHCM đã trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử và nền kinh tế thành phố. Vì vậy, theo kế hoạch phát triển thương mại, TPHCM vẫn duy trì thị phần mạng lưới chợ truyền thống trong hoạt động phân phối hàng hóa.
Nâng cấp kênh truyền thống
Theo quy hoạch, mạng lưới chợ bán lẻ trong khu vực nội thành TPHCM sẽ giữ nguyên các chợ hiện hữu ở các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú và hạn chế xây chợ mới ở khu vực này. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm, TPHCM sẽ nâng cấp các chợ hiện hữu và duy tu, bảo tồn các chợ có giá trị lịch sử.
Theo hướng phát triển, các chợ sẽ được rà soát để có phương án phát triển phù hợp với tình hình thực tế. Những chợ hoạt động ít hiệu quả sẽ nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại.
TPHCM cũng khuyến khích các cửa hàng tạp hóa sáp nhập vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phương thức nhượng quyền để vừa cải tiến phương thức kinh doanh vừa hiện đại hóa cơ sở. Bên cạnh đó, TPHCM cũng nâng cấp chợ ở các huyện ngoại thành và phát triển nhiều siêu thị song song nhằm đảm bảo địa điểm mua sắm cho người dân khu vực xa trung tâm được thuận lợi. Ngay tại các chung cư, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất… cũng phát triển cửa hàng tiện lợi để phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh nhất.
Với định hướng chiến lược của thành phố, nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ cũng đã nhanh chóng thiết lập các địa điểm kinh doanh nhằm phủ sóng thị phần tại khắp các khu vực. Nhờ vậy, đến nay người dân thành phố có thể tiếp cận nhiều mô hình mua sắm một cách thuận lợi, từ siêu thị quy mô lớn, đến siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, cửa hàng truyền thống….
Với tiềm năm phát triển của thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới kinh doanh và triển khai nhiều dịch vụ cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng. Đơn cử như Sài Gòn Co.op, ngoài hệ thống siêu thị Co.op Mart, nhà bán lẻ này còn phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Co.op Food len lỏi khắp các khu dân cư. Các Co.op Food hiện đã trở thành điểm mua sắm các loại thực phẩm tiêu dùng hàng ngày của người dân.