Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mở cửa trường học trở lại, ngày 19-1, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội thảo trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Chủ trì tại điểm cầu Bộ GD-ĐT có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh. Cùng tham dự có các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế. Tại các điểm cầu 63 tỉnh thành có chủ tịch, phó chủ tịch UBND các tỉnh thành; giám đốc, phó giám đốc các sở GD-ĐT, sở y tế, các sở ngành liên quan của địa phương, lãnh đạo UBND cấp quận huyện.
Thông tin tại hội nghị , Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua, bộ và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp để mở cửa trường học trở lại an toàn. Ngày 8-11-2021, hai bộ đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở GD-ĐT với hơn 1.000 điểm cầu trong ngành giáo dục, y tế. Về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19, đến ngày 15-1-2022, số học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 là 6.500.033/7.213.883 em (đạt 90,10%); mũi 2 là 5.211.874/7.213.883 em (đạt 72,24%). Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi 2 là 1.225.688 cán bộ giáo viên/1.494.618 cán bộ giáo viên (đạt 82%); mũi 3 là 422.519/1.494.618 (đạt 28,2%). Hiện nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để mở cửa dần trường học, đón trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên quay trở lại học tập.
Cùng với tiến độ tiêm vaccine cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới các hoạt động giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. UBND các tỉnh thành cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế.
Theo thống kê, tuần đầu tháng 1-2022, cả nước có 9 tỉnh, thành tổ chức dạy học trực tiếp (Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình, Hà Nam, Khánh Hòa, Bắc Giang); 35 tỉnh, thành tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình; 19 tỉnh, thành phố còn lại tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Số đơn vị cấp huyện dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 366/713 (chiếm 51,3%).
Đến ngày 15-1, có 43/63 tỉnh/thành đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; có 46/63 tỉnh/thành cho học sinh tiểu học đến trường, chiếm tỷ lệ 57,38% học sinh tiểu học/cả nước; 53/63 tỉnh/thành phố cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp chiếm tỉ lệ 69% học sinh/cả nước. Dự kiến đến ngày 7-2-2022, có thêm 8 tỉnh, thành cho học sinh đi học trực tiếp.
TPHCM, một trong những địa phương là tâm dịch trong đợt bùng phát lần thứ tư - việc mở cửa trường học được tiến hành từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11-2021, từ ngày 13-12-2021, TPHCM triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12 và từ ngày 4-1-2022 đối với khối 7, 8, 10, 11. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tỷ lệ đến trường của học sinh đạt từ 92% đến gần 96% tuỳ từng khối. Sở GD-ĐT TPHCM hiện đã có văn bản đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ ngày 7-2-2022. Các trường đại học tại TPHCM cũng đã lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hơn 2 năm qua, ngành GD-ĐT đã tổ chức, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động dạy và học để thích ứng với dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trường học. Với những vùng an toàn, trường học duy trì dạy học trực tiếp; nơi dịch phát sinh phức tạp thì chuyển sang dạy học trực tuyến, học trên truyền hình; nhiều nơi tổ chức một cách linh hoạt, dạy học kết hợp giữa các hình thức. Sau thời gian dài trẻ không được đến trường, hoặc đến trường rất ít, đã không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ và ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội, kinh tế, cũng như những tác động nhiều mặt khác. Hiện có khoảng 70.000 sinh viên năm cuối chưa thể tốt nghiệp đại học, cao đẳng do thiếu các yêu cầu về thực tập, thực hành năm cuối, điều này ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nhân lực cho đất nước.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine trên cả nước đã rất cao; điều kiện thuốc chữa có cải thiện; điều kiện phòng chống dịch cũng như hiểu biết và thích ứng của người dân được cải thiện, nâng cao; địa phương có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống, dịch. Với sự khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phân tích kinh nghiệm các nước, Bộ trưởng cho rằng, đây chính là lúc chúng ta cần điều chỉnh trong việc mở cửa trường học một cách an toàn, như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết 128/NQ-CP.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, dịch bệnh luôn diễn biến, thay đổi, sự ứng phó cũng luôn luôn có điều chỉnh linh hoạt, thực tế thì sinh động, nên việc ở từng thời điểm có những điều chỉnh để thích ứng một cách hiệu quả là tất yếu của quá trình phòng chống dịch. “Qua hội thảo, trên cơ sở ý kiến các chuyên gia; kinh nghiệm trong xử lý tình huống và ứng phó với dịch bệnh trong trường học thời gian qua; ý kiến phân tích của các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế; chúng ta sẽ đúc rút một vài quan điểm, định hướng chỉ đạo mới”, Bộ trưởng cho biết.