Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng cho biết, qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đối tượng chính sách phấn khởi, động viên được mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh cộng đồng góp phần nâng cao đời sống của người có công với cách mạng, tạo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đến nay, Đà Nẵng có hơn 109.000 lượt đối tượng được xác nhận và giải quyết chính sách, chế độ theo Pháp lệnh này.
![]() |
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong phong trào đền ơn đáp nghĩa
Thành phố Đà Nẵng đã xác nhận và giải quyết chính sách cho hơn 73.000 lượt người có công với cách mạng, trong đó có 2.220 liệt sĩ, 1.427 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 249 cán bộ lão thành cách mạng, 547 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.770 Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong, truy tặng; 3.192 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.091 người tham gia hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tra tấn; 6.787 người có công giúp đỡ cách mạng, 18.881 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế,... nâng tổng số người có công với cách mạng được xác nhận từ năm 1976 đến nay của TP Đà Nẵng lên hơn 109.000 lượt đối tượng, trong đó có hơn 22.000 lượt đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hàng năm trên 330 tỷ đồng.

Song song với việc triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Đến nay thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và đề nghị xác nhận, giải quyết chính sách 890 đối tượng, trong đó có 155 đối tượng được xác nhận người hưởng chính sách như thương binh, 219 đối tượng đã được xác nhận liệt sĩ, 492 đối tượng được xác nhận người bị địch bắt tù, đày và 24 đối tượng đề nghị xác nhận cán bộ tiền khởi nghĩa.


Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ theo quy định, công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở để nâng cao đời sống gia đình chính sách cũng được xem như là bước đột phá của Đà Nẵng.
Kết quả đến nay đã có 25.688 lượt hộ chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở với nhiều hình thức khác nhau, tổng kinh phí thực hiện trên 520 tỷ đồng.
Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, thành phố đã hỗ trợ 4.936 hộ chính sách xây mới và sửa chữa nhà ở, kinh phí thực hiện trên 141 tỷ đồng. Ngoài ra thành phố còn tặng cho mỗi hộ 1 chiếc ti vi khi về căn nhà mới.


Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và toàn thành phố cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ để chăm lo tốt nhất cho gia đình chính sách, người có công cách mạng. Trong đó, tiếp tục thực hiện nâng cấp mộ, nghĩa trang liệt sĩ theo đề án đã được thành phố phê duyệt, bảo đảm 100% mộ, nghĩa trang trên địa bàn thành phố khang trang, xanh - sạch - đẹp và được chăm sóc chu đáo. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Cũng tại buổi lễ, 35 tập thể và 27 cá nhân đã được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố năm 2017.
![]() |
Các tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP Đà Nẵng nhân dịp 27-7
Lãnh đạo TP Đà Nẵng dâng hương, đặt vòng hoa các nghĩa trang liệt sĩ
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong mấy ngày qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ và lãnh đạo Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã đi viếng, dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, đi thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương - bệnh binh trên địa bàn TP Đà Nẵng.


Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cũng đến thăm và tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Tịnh và gia đình thương binh 1/4 Ngô Tấn Thiện, trú tại quận Liên Chiểu.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lương Thị Tịnh có 2 người con là liệt sĩ, mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014; hiện mẹ sống với gia đình con gái và được Cảng Đà Nẵng phụng dưỡng 1 triệu đồng/tháng.
Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, gia cảnh mẹ Tịnh và chúc mẹ luôn vui khỏe, sống lâu cùng con cháu.
Thương binh Ngô Tấn Thiện là Đại đội trưởng Đại đội Đặc công thuộc Đoàn 72, Quân khu Việt Bắc, bị thương năm 1969 trong lúc chiến đấu; hiện ông sống với gia đình con trai.
Động viên Thương binh Ngô Tấn Thiện vượt lên nỗi đau thương tật để sống vui cùng con cháu, Bí thư Nguyễn Xuân Anh khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ công ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
* Chiều 25-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đến thăm và tặng quà cho thương binh 1/4 Đặng Văn Rứa (Tiến) và thương binh 1/4 Phạm Đức Cấn, đều ở tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng đến đặt vòng hoa và dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ phường: Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), Hòa Quý và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn).
Dâng hương, đặt vòng hoa tại tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương
Sáng 26-7, các đoàn Hội Phụ nữ khối An ninh Nhân dân - Công an TP Đà Nẵng, Chi cục Thuế Quận Hải Châu và Hội Phụ nữ phường Bình Hiên đã đến dâng hương và đặt vòng hoa tưởng niệm danh tướng Nguyễn Tri Phương và các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng Pháp (1858 - 1860) nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Di tích lịch sử cấp quốc gia thành Điện Hải.

Tại đây, các đoàn nghe giới thiệu về vai trò của danh tướng Nguyễn Tri Phương và tinh thần đấu tranh anh dũng của quân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp và Tây Ban Nha.

Tiếp theo, các đoàn vào tham quan các nội dung trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng và tham quan triển lãm ảnh chuyên đề "Ấm lòng người có công với cách mạng".
Các đoàn tìm hiểu công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm lo đời sống cho những người có công với cách mạng của thành phố Đà Nẵng qua khoảng 60 hình ảnh, tư liệu trưng bày được cấu trúc thành 2 nội dung gồm: "Ấm lòng người đi trước" và "Tuổi trẻ với người có công cách mạng".