Đại biểu thảo luận sôi nổi về mục tiêu phát triển TPHCM

Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM trong giai đoạn tới là vấn đề được các đại biểu tại phần thảo luận tổ quan tâm, thẳng thắn trao đổi, tranh luận để làm rõ các vấn đề.

Chiều 15-10, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 -2025, tiếp tục diễn ra với phần thảo luận tổ. Tham gia thảo luận tại tổ 1 có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Đại biểu thảo luận sôi nổi về mục tiêu phát triển TPHCM ảnh 1 Đồng chí Bùi Xuân Cường phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đại biểu (ĐB) thẳng thắn trao đổi, tranh luận làm rõ các vấn đề, nhất là về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM trong giai đoạn tới. Nội dung thảo luận tập trung vào việc góp ý cho văn kiện Đại hội XIII của Đảng; thảo luận về báo cáo chính trị Đại hội XI Đảng bộ TPHCM; thảo luận về 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.

Đô thị thông minh cần có con người thông minh

Các ĐB dành nhiều sự quan tâm, góp ý về phương hướng phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025. ĐB Nguyễn Tấn Phát, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, bày tỏ đồng tình với định hướng phát triển TPHCM trở thành đô thị thông minh. Song, ĐB phân tích, để trở thành đô thị thông minh thì cần rất nhiều yếu tố để hoàn thiện, nên cần điều chỉnh mục tiêu này thành: “Đến năm 2025 cơ bản là đô thị thông minh”.

Đại biểu thảo luận sôi nổi về mục tiêu phát triển TPHCM ảnh 2
Đại biểu thảo luận sôi nổi về mục tiêu phát triển TPHCM ảnh 3 Các ĐB dành nhiều sự quan tâm, góp ý về phương hướng phát triển TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đặc biệt, đối với chương trình đột phá phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM (với 11 đề án, chương trình cụ thể), ĐB Nguyễn Tấn Phát đề nghị xem xét, bổ sung đề án về đào tạo cán bộ TPHCM. Việc bổ sung nhằm đảm bảo chương trình đột phá này được hoàn thiện hơn. Cùng với đào tạo tài năng trẻ, chương trình giáo dục chất lượng cao cũng cần gắn với chương trình đào tạo cán bộ, cả về nhận thức chính trị, chuyên môn và trình độ quản lý để ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay.

Chia sẻ với ý kiến này, ĐB Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, bày tỏ đồng tình với đề xuất mục tiêu “Đến năm 2025 cơ bản là đô thị thông minh”. Theo ĐB, trong nhiệm vụ này, cần quan tâm chuẩn bị con người thông minh. Nghĩa là TPHCM cần có các chương trình đào tạo cán bộ, huấn luyện, đào tạo lại cán bộ cũng như tạo “nền” cho con người thông minh, bằng việc bổ sung chương trình đào tạo giáo dục cấp 2, cấp 3… cho phù hợp với xu thế phát triển, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 Điều hành tại phiên thảo luận tổ 1, đồng chí Bùi Xuân Cường, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, nhấn mạnh đến tinh thần của đại hội là: “Dân chủ - Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Do đó, đồng chí Bùi Xuân Cường mong muốn các ĐB thẳng thắn trao đổi, thảo luận để làm rõ các vấn đề, từ đó góp phần hoàn thiện, nhất là về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM trong giai đoạn tới.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM, tham gia tranh luận, cho rằng, cần giữ nguyên mục tiêu “Đến năm 2025 là đô thị thông minh”. Về cơ sở, ĐB Hoàng Quân phân tích, đây là mục tiêu mở và phù hợp với xu thế nên cần truy trì, phấn đấu đạt được. 

Tiếp tục tranh luận, ĐB Nguyễn Tấn Phát phân tích thêm, để có đô thị thông minh thực thụ thì ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng tương thích còn phải có mô hình quản lý tương thích. Như vậy để hoàn thiện cần một quá trình dài hạn. “Mục tiêu mong muốn là đương nhiên, nhưng cần lượng sức về khả năng thực tế để đảm bảo có thể đạt được”, ĐB Nguyễn Tấn Phát bày tỏ.

TPHCM trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực là có cơ sở

Dự thảo văn kiện Đại hội XI xác định xây dựng TPHCM trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2020-2025. ĐB Nguyễn Tấn Bỉnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực là một niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức của ngành y tế TPHCM. Để làm được điều đó, ĐB đề nghị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế của TPHCM. Hiện  nay, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế theo chương trình đào tạo đại học và sau đại học nhằm đào tạo một lượng bác sỹ, cán bộ chủ chốt cho ngành y tế. Bên cạnh đó, bản thân các bệnh viện trên địa bàn TPHCM thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao.

Đại biểu thảo luận sôi nổi về mục tiêu phát triển TPHCM ảnh 4
Đại biểu thảo luận sôi nổi về mục tiêu phát triển TPHCM ảnh 5 Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Góp ý về mục tiêu này, ĐB Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá, mục tiêu từ năm 2020-2025 đưa TPHCM trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực là hoàn toàn có cơ sở và rất có khả năng thực hiện. Hiện nay, nguồn nhân lực cán bộ y tế chất lượng cao của TPHCM có trình độ không hề thua kém các bác sĩ trong khu vực, thể hiện qua chất lượng và kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cùng nhiều ca mổ, phẫu phuật thành công mang tầm quốc tế mà y tế thành phố đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, TPHCM luôn quan tâm, đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật ngành y tế để đảm bảo chất lượng chăm sóc người dân thành phố và khu vực phía Nam.

ĐB Tăng Chí Thượng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở y tế TPHCM, cho hay, thời gian qua, nhờ sự quan tâm của thành phố, các cán bộ quản lý y tế của TPHCM đã được tiếp cận, tham khảo học hỏi kinh nghiệm về công tác quản trị. Qua đó, giúp TPHCM triển khai một hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện rộng khắp, góp phần đảm bảo cho quá trình chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, để nhằm hướng tới sự phát triển đa dạng của ngành y tế trong tình hình mới, ĐB Tăng Chí Thượng đề nghị thành phố tạo điều kiện cho ngành y tế được học tập, tiếp cận với hoạt động du lịch y tế.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thành Nam, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, bày tỏ sự quan ngại về chỉ tiêu phấn đấu về số giường bệnh trên đầu người dân của thành phố trong những năm sắp tới. Với mức gia tăng dân số ước lượng khoảng 1 triệu người trong 5 năm sắp tới và những thay đổi về chính sách quản lý hộ khẩu thành phố, cùng sự ra đời của thành phố Thủ Đức, ĐB Nguyễn Thành Nam nhận định, chắc chắn sẽ tạo ra những áp lực rất lớn về công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là việc đảm bảo chỉ tiêu số giường bệnh trên đầu người. 

Hun đúc tinh thần sáng tạo

Các ĐB cũng thảo luận về nhiều vấn đề cụ thể khác trong báo cáo chính trị của Đảng bộ TPHCM XI và văn kiện Đại hội XIII của Đảng. 

ĐB Nguyễn Thanh Nhã, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở QH-KT, nêu cụ thể trong lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị, không chỉ tập trung vào công tác lập quy hoạch, thiết kế đô thị mà cũng cần quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch. Có như thế, người dân mới nhận thấy được tính khả thi của các quy hoạch.

Dẫn chứng về quy hoạch công viên cây xanh gần như là “vạch ra rồi để đó”, ĐB kiến nghị trong lĩnh vực này, Nhà nước cần ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch một vài dự án trọng điểm. Điều này để cho thấy rằng, quy hoạch là khả thi. “Nhu cầu phát triển mảng xanh tại TPHCM là rất bức thiết. Do đó, trong nhiệm kỳ tới cần có chương trình hành động đầu tư thực hiện một số công viên cây xanh chiến lược”, ĐB Nguyễn Thanh Nhã kiến nghị.

Bày tỏ ủng hộ với yêu cầu đổi mới giáo dục được thể hiện trong dự thảo, ĐB Vương Đức Hoàng Quân đề xuất cần bổ sung thêm tinh thần sáng tạo đối với học sinh. Bởi lẽ, hướng đến đất nước sáng tạo, bên cạnh tư duy phản biện, thì tư duy sáng tạo là cần thiết, hun đúc tinh thần sáng tạo.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân cũng bày tỏ, văn kiện có đề cập phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhưng chưa có giải pháp cụ thể, mang tính hệ thống. Theo ĐB, các không gian văn hóa tại TPHCM có nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy. ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng, không gian văn hóa công cộng không chỉ là không gian tinh thần mà còn cả không gian vật chất, tạo điểm nhấn văn hóa cho TPHCM và tạo điều kiện phát triển du lịch trong tương lai. Đây cũng chính là tiền đề xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Cần tránh trả lời chung chung là… thực hiện theo quy định

Liên quan đến công tác cán bộ, ĐB Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1, nêu thực tế, qua xử lý cán bộ vi phạm, có tình trạng cán bộ co cụm lại. Đây là thực tế cần nhìn nhận và cần có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Cùng quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, ĐB Ma Xuân Việt, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, phân tích những bất cập trong công tác tuyển dụng cán bộ, bố trí cán bộ dẫn đến việc tuyển chọn, bố trí cán bộ trẻ có năng lực làm cán bộ quản lý gặp vướng mắc.

Rất đồng tình với phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, song theo ĐB, gắn với phân cấp thì cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Điều này giúp cấp dưới điều chỉnh kịp thời; cùng đó là hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tránh việc gửi văn bản lên hỏi nhưng chậm trả lời hoặc có trả lời, trả lời nhanh thì có câu “kinh điển” là… thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Góp ý thêm về mục tiêu phát triển của TPHCM, ĐB Lê Kim Tuyền. Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng, phân tích về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lo lắng mục tiêu phấn đấu Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (GRDP) bình quân đầu người năm 2025 đạt 8.500-9.000 USD vào năm 2025 khó đạt được. ĐB đề nghị, bên cạnh biện pháp hỗ trợ cấp bách là “con cá”, cần có đề án, chiến lược nhằm tạo việc làm – là “cần câu”, giúp ổn định đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến nhiều mặt.  

Trong dự thảo báo cáo chính trị có đề cập việc phát triển logistics ở quận 2, quận 9, phát triển ở khu phía Đông TPHCM. Một số ĐB góp ý, phát triển logistics ở quận 2, 9 là rất khó cho doanh nghiệp. Bởi vì giá đất tại khu vực này quá cao, nếu doanh nghiệp có đất làm logistics cũng không có lợi. ĐB đề nghị, nên phát triển logistics ở huyện Củ Chi, khu vực dọc sông Sài Gòn.

Cần nêu cao tính gương mẫu, tiên phong của đảng viên

Chia sẻ với các ĐB, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, thông tin, TPHCM có chương trình phát triển tài năng trẻ, cán bộ trẻ. Song, việc đào tạo đối với các cán bộ khác, như ý kiến của các ĐB cũng rất cần thiết. Hiện nay, TPHCM có chương trình đào tạo nhân lực 8 ngành đạt trình độ quốc tế, trong đó việc đào tạo ngành quản lý đô thị thì TPHCM có chương trình hợp tác với Singapore. Trước các ý kiến của ĐB, tất cả các ngành đều cần nâng cao trình độ quản lý tương ứng với đòi hỏi của TPHCM giai đoạn 2025, 2030 và sau đó nữa. Ý kiến này là xác đáng, cần được nghiên cứu tiếp thu.

Đồng chí cũng đồng tình với ý kiến rà soát lại một số chỉ tiêu trong khóa tới, như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TPHCM (GRDP) bình quân hàng năm từ 8-8,5%, cũng như chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500-9.000 USD/người.

Về kết quả thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy như Chỉ thị 19, Chỉ thị 23, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra một bài học kinh nghiệm là cần nhìn vào nhu cầu của người dân, khó khăn của người dân để xác định trách nhiệm của mình. Điều đặc biệt quan trọng là những chủ trương liên quan đến người dân thì phải thực hiện kỹ đến từng khu dân cư, qua đó bàn bạc, thảo luận với người dân để có được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Trân trọng trước các ý kiến của ĐB về tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM cũng bày tỏ có tình trạng ở nơi nào mà tổ đảng viên chưa gương mẫu, vị thể của tổ chức Đảng chưa cao thì nguy cơ bỏ sinh đảng cao hơn. Điều này cần hỏi cần nâng cao sự thiêng liêng của đảng viên và tổ chức Đảng. “Đã vào Đảng thì phải đảm bảo chất lượng, thật sự tiên phong, thật sự gương mẫu để tổ chức Đảng có sức hấp dẫn cao”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích và tiếp thu ý kiến góp ý của ĐB. Qua đó, một nhiệm vụ mà khóa tới là cần nêu cao tính gương mẫu, tính tiên phong, tính tự hào của đảng viên trong khóa tới.

Tin cùng chuyên mục