Đánh “giặc lửa” bằng... kỹ thuật số

Để phục vụ tốt công tác phòng cháy chữa cháy, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã áp dụng kỹ thuật số trong tiếp nhận và hướng dẫn thông tin. Đến nay, chương trình đã phát huy hiệu quả.
Đánh “giặc lửa” bằng... kỹ thuật số

Để phục vụ tốt công tác phòng cháy chữa cháy, Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã áp dụng kỹ thuật số trong tiếp nhận và hướng dẫn thông tin. Đến nay, chương trình đã phát huy hiệu quả.

  • Chữa cháy bằng... công nghệ

Mới đây, chúng tôi đã chứng kiến việc chữa một vụ cháy tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) bằng… áp dụng công nghệ thông tin. Theo nguyên tắc đối với những vụ cháy lớn mà đơn vị PCCC tại địa phương yêu cầu chi viện thì lực lượng Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (đơn vị đóng tại cơ quan Sở Cảnh sát PCCC TPHCM) lập tức lên đường.

Trên suốt đường đi, mọi thông tin liên lạc từ xe chỉ huy đến trung tâm thông tin đều được cập nhật thường xuyên qua hệ thống bộ đàm. Khi xe chỉ huy đi gần hết đường Lê Trọng Tấn, Thượng tá Nguyễn Văn Băng, Trưởng Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo chữa cháy và cứu hộ liền hỏi: “Gần hết đường Lê Trọng Tấn rồi. Trung tâm cho biết đường nào gần nhất đến đám cháy?”.

Tại trung tâm, qua bản đồ kỹ thuật số, Trung tá Nguyễn Văn Thêm, trực ban trả lời ngay: “Xe đi thẳng đến Đường số 18 thì rẽ phải. Đi thẳng đến ngã ba đầu tiên, tiếp tục rẽ phải. Qua khỏi ngã tư hương lộ 80 là đến. Đám cháy cách ngã tư khoảng 70m”. Vài phút sau, Thượng tá Băng lại hỏi: “Đã qua quốc lộ 1A nhưng phía trước kẹt xe rồi. Có còn đường nào khác không?”.

Vừa theo dõi màn hình kỹ thuật số vừa nghe chương trình giao thông trên sóng FM nên Trung tá Thêm trả lời ngay: “Đến đường số 5 rẽ phải.  Đến ngã tư thứ hai quẹo trái vào đường 2A rồi đi thẳng. Lòng đường nhỏ hơn 10m, nhưng vận hành tốt. Khu vực đó chưa bị ùn tắc”. Vài phút sau khi đang trên đường đến hiện trường, Thượng tá Băng lại hỏi tiếp: “Gần đến hiện trường rồi. Cho biết nguồn nước tại chỗ?”. Thượng tá Thêm báo cáo ngay: “Cách vị trí xảy ra cháy khoảng hơn 36m, tại bốn hướng đều có trụ nước. Bên cấp nước đã tăng áp lực tại khu vực. Ngoài ra, lực lượng còn có thể trưng dụng 2 bể bơi có khối lượng khoảng 1.000m³ cách đó 30m”.

Không chỉ đáp ứng thông tin cho Phòng Hướng dẫn và chỉ đạo chữa cháy và cứu hộ mà trung tâm còn giải đáp tất cả các thông tin mà các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện đến chi viện yêu cầu. Chính nhờ những thông tin này mà việc chữa cháy đã đạt hiệu quả nhất định, đám cháy được dập tắt và hàng trăm tỷ đồng giá trị của các kho hàng, công trình xây dựng đã được khống chế và bảo vệ an toàn.

Cán bộ Trung tâm thông tin chữa cháy đang hướng dẫn đường đến hiện trường. Ảnh: Đ.H.
Cán bộ Trung tâm thông tin chữa cháy đang hướng dẫn đường đến hiện trường. Ảnh: Đ.H.
  • Ước mơ định vị toàn cầu

Tuy đã thực hiện tốt việc áp dụng công nghệ thông tin nhưng Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM vẫn còn không ít băn khoăn. Thiếu tướng Trần Triều Dương cho biết: “Hiện nay, cán bộ – chiến sĩ Sở Cảnh sát PCCC đã tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực chữa cháy, bước đầu chúng tôi ứng dụng tại Trung tâm Thông tin chỉ huy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Đó là việc đưa bản đồ kỹ thuật số kết hợp với những thông tin trên sóng FM về tình hình giao thông để hỗ trợ lực lượng đến hiện trường nhanh nhất và không bị ùn tắc.

Bản đồ kỹ thuật số còn chỉ dẫn các họng nước chữa cháy, khu vực lấy nước gần nhất để lực lượng chiến đấu tại chỗ khai thác nước tại hiện trường. Vấn đề này bước đầu đã góp phần vào việc chữa cháy kịp thời, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn. Để công tác chữa cháy được hiệu quả hơn, thông qua các đợt công tác nước ngoài, chúng tôi đã phát hiện nhiều loại phương tiện chữa cháy và cứu hộ - cứu nạn công nghệ mới như xe chữa cháy 7 trong 1; xe thang có gắn thiết bị định vị và tự cân bằng ở mọi địa hình; robot chữa cháy; phương tiện dò tìm dưới đống đổ nát, xác định gốc lửa, tìm kiếm người dưới nước, trong hố sâu… Nhưng quan trọng nhất là công cụ hỗ trợ định vị toàn cầu cho các xe chỉ huy để xác định phương hướng tốt hơn nữa!”.

Như trên đã nói, việc ứng dụng kỹ thuật số đang mang lại hiệu quả tích cực. Trong giai đoạn TP đang phát triển và đô thị hóa quá nhanh việc xây dựng Trung tâm Thông tin chỉ huy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn với các thiết bị hiện đại như thiết bị quản lý cuộc gọi khẩn cấp 114 chuyên dụng có khả năng nghe, ghi âm và nhận dạng số gọi đến trên vô tuyến bộ đàm và kết nối với thiết bị quản lý cuộc gọi, kết nối bản đồ số và các Phòng Cảnh sát PCCC quận, huyện thông qua internet, vi tính hóa sơ đồ chữa cháy từng khu vực… đang là nhu cầu bức thiết

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục