Đào tạo tài năng nghệ thuật

Qua 4 lần trình diễn của các tài năng trẻ trong nghệ  thuật hàn lâm mang tên “Giai điệu mùa thu”, diễn ra vào tháng 8 hàng năm, chúng ta thấy nổi rõ một vấn đề quan trọng của nền nghệ thuật nước nhà. Đó là công tác đào tạo những nghệ sĩ tài năng. Công bằng mà nói, lâu nay vấn đề này có được đặt ra, được xới lên tại các diễn đàn, các cuộc hội thảo về văn học nghệ thuật, nhưng vẫn chưa hình thành được một chiến lược, những phương pháp phát hiện, đào tạo tài năng có hiệu quả.

Nếu cho rằng chúng ta thiếu kinh phí không hẳn đúng, thiếu những hạt mầm có năng khiếu bẩm sinh cũng không phải. Vậy nút thắt chủ yếu ở chỗ chưa có sự nhất quán về chủ trương từ cấp vĩ mô đến cấp cơ sở. Những nhà hoạch định chính sách về nghệ thuật chưa đưa ra một chiến lược đầy đủ, căn cơ và kế hoạch thực thi từ gốc đến ngọn để làm xương sống cho việc đào tạo tài năng nghệ thuật. Tuy tài năng vốn do năng khiếu bẩm sinh, nhưng trong thời đại kỹ thuật số vẫn phải thông qua đào tạo và đào tạo lại.

Không thể chủ quan tự mãn trước bất kỳ thành công nào bởi cuộc sống cũng như hoạt động nghệ thuật luôn phát triển không ngừng. Hai cơ sở đào tạo chính quy của Bộ VH-TT-DL là Nhạc viện TPHCM và Trường múa TPHCM đã quá tải không đủ sức đào tạo đội ngũ nghệ sĩ cho tất cả các tỉnh, thành phía Nam.

Nhà nước cần có thêm cơ sở đào tạo mới có quy mô và đúng theo tiêu chuẩn quốc tế để bên cạnh công việc tạo nguồn lớp nghệ sĩ đầu ngành, còn phải tổ chức đầu ra bao gồm thực hiện các cuộc trình diễn, giao lưu quốc tế và nâng cao nghề nghiệp chuyên môn. Đào tạo nhất thiết gắn liền với môi trường hành nghề để phát huy tài năng, phát triển sự nghiệp ươm trồng nghệ thuật lâu dài.

Vừa qua TPHCM đã mạnh dạn cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch mua của nước ngoài một số nhạc cụ hiện đại theo chuẩn mực quốc tế trị giá khoảng 2 triệu USD, và đã dành hẳn một cơ sở vật chất có giá trị thuộc loại nhất thành phố để xây dựng Nhà hát giao hưởng tại rạp xổ số kiến thiết. Tiếng thế nhưng hiện nay còn loay hoay với chuyện bàn giao cơ sở vật chất này, với vấn đề kinh phí xây dựng.

Trên thực tế hoạt động nghệ thuật đỉnh cao vẫn phải dựa vào nguồn tài năng nghệ thuật do nước ngoài đào tạo. Trong khi ấy, những nghệ sĩ nước ngoài đã bắt đầu biết đến và vui mừng sang biểu diễn ở Việt Nam như: Grace Ho (cello) Mỹ, Clio Pillon (ballet) Pháp, Chan Tze Law (chỉ huy), Zhou Mi (csllo) Singapore, Cho Eun Young (piano), Cho Hye Ryoung (soprano) Hàn Quốc v.v… Họ vừa đến TPHCM và nhận thấy một không gian nghệ thuật rộng mở, có đông đảo khán giả và có tiềm lực để phát triển. Họ cũng tỏ ra thán phục và cảm kích trước những nghệ sĩ Việt Nam đồng hành với họ trong “Giai điệu mùa thu” 2008, như Võ Thị Ngọc Tuyền, Trần Nhật Minh, Trần Kim Thoa, Hồ Phi Điệp, Tạ Thùy Chi, Vũ Việt Anh, Nguyễn Anh Sơn… của TPHCM, hoặc Vũ Việt Chương, Trần Thị Tâm Ngọc (đang học và biểu diễn tại Mỹ), Lê Mai Anh (Pháp), Trần Đức Minh (Singapore), Lê Phi Phi (Macedonia), Trần Đức Minh, Đào Nhật Quang (Hàn Quốc)…

Để 1 – 2 thập kỷ tới chúng ta có đội ngũ những tài năng nghệ thuật sánh vai được với các nước trên thế giới, nhất thiết phải đầu tư thỏa đáng cho lớp măng non ngay từ bây giờ, kết hợp với các chương trình giao lưu nghệ thuật đỉnh cao mang đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.

Xuân Thái

Tin cùng chuyên mục