Đất có giấy tờ hợp lệ nhưng bị tranh chấp

Theo đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Mỹ Phước (ngụ TPHCM), bà đang có một miếng đất có diện tích khá lớn, với đầy đủ giấy tờ hợp lệ, nhưng lại xảy ra tranh chấp ngoài ý muốn và phải chịu thiệt thòi.

Miếng đất có diện tích hơn 4,5ha, tọa lạc tại ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau do ông, bà nội của bà Mỹ Phước có công khai phá, cải tạo và quản lý từ trước năm 1945. Ông, bà nội của bà đã tặng cho miếng đất này cho ông Nguyễn Thanh Bình (cha ruột bà Mỹ Phước). Tháng 11-1994, UBND huyện Đầm Dơi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Bình với diện tích 37.470m² và cấp GCNQSDĐ cho bà Phước với diện tích 19.800m². Tháng 12-1994, tại Phòng Công chứng Nhà nước số 1 tỉnh Minh Hải, ông Bình làm hợp đồng tặng cho bà Phước toàn bộ số đất của ông. Sau đó, bà Phước được UBND huyện Đầm Dơi cấp GCNQSDĐ vào ngày 18-7-1997, với tổng diện tích 50.250m².

Năm 2015, một số thửa đất đã hết hạn sử dụng, bà Phước được UBND huyện Đầm Dơi cấp lại GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCNQSDĐ số BX 662999, cấp ngày 20-4-2015) với diện tích 49.237m², bao gồm 3 thửa đất. Sau khi ông Bình qua đời, bà Mỹ Phước theo chồng về TPHCM sinh sống, tạm giao miếng đất nêu trên cho mẹ của mình là bà Dương Tố Loan quản lý, sử dụng.

Năm 1998, bà Loan cho người cháu là ông Nguyễn Văn Khôn thuê đất xây dựng 2 vuông tôm. Sau đó, ông Khôn đã chuyển nhượng phần đất mình đang thuê và một số thửa đất khác cho nhiều người!

Theo Bút lục 156 trong hồ sơ, bà Dương Tố Loan có ghi rằng: nhờ ông Liêu (một trong những người đang tranh chấp đất) về ở, trông coi mồ mả từ năm 1990; nếu sau này cô Phước là con tôi có muốn lấy lại phần đất này thì phải bồi thường công lao động cho vợ chồng ông Liêu theo Luật Lao động… Việc mua bán, sang nhượng phần đất nêu trên không có giấy tờ thể hiện, minh chứng rõ ràng; nhưng việc cho thuê đất thì thể hiện rất rõ ràng, chi tiết, cụ thể trong hợp đồng cho thuê đất lập vào năm 1998 giữa bà Loan (bên cho thuê) và ông Khôn (bên thuê đất). Phần đất thuê bao gồm 3 căn nhà, 2 hồ nước, 4 công vườn đang nuôi tôm, 5 công lá và 13 công ruộng. Mặt khác, bà Mỹ Phước đã nhiều lần nhờ đơn vị chức năng đo đạc để làm GCNQSDĐ. Gần đây nhất là năm 2015, đoàn đo đạc địa chính huyện Đầm Dơi kết hợp chính quyền địa phương xã xuống thực địa để đo đạc…, những người đang quản lý, sử dụng, sinh sống trên phần đất đó đều biết. Tuy nhiên, không ai phản đối hay khiếu nại gì cả.

Công văn số 3484/UBND-VP ngày 30-9-2020 của UBND huyện Đầm Dơi có nêu: “Thời điểm cấp đổi GCNQSDĐ cho bà Mỹ Phước vào năm 2015, người đang trực tiếp sử dụng đất không có yêu cầu, khiếu nại có liên quan đến việc đo đạc xác định ranh giới, mốc giới thửa đất và quá trình lập hồ sơ cấp đổi. Từ đó, UBND huyện Đầm Dơi đã cấp GCNQSDĐ đối với bà Phước vào ngày 19-5-2015 là đúng quy trình theo quy định”.

Sau khi bà Phước khởi kiện, TAND huyện Đầm Dơi đã đưa vụ án ra xét xử. Bản án số 195/2022/DS-ST ngày 17-10-2022 của TAND huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho và nhượng quyền sử dụng đất” lại chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Mỹ Phước, tuyên rằng 8 người khác được tiếp tục sử dụng diện tích đã chuyển nhượng với các công trình và tài sản trên đất. Số đất đó lên đến 45.976m² (tính số tròn). Bà Mỹ Phước chỉ còn được sử dụng 1.628m², gồm khu đất phần mộ và lối đi; chưa kể hơn 9 lượng vàng mà TAND huyện Đầm Dơi cho rằng là số tiền bà Loan còn thiếu, bà Mỹ Phước là người thừa kế và phải chịu trách nhiệm trả cho những người chiếm dụng đất của bà.

Theo Luật sư Trần Chí Thiện (Đoàn Luật sư TPHCM), trong hồ sơ vụ án, không có tài liệu nào thể hiện bà Mỹ Phước chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay tặng cho các ông, bà đang canh tác trên miếng đất đó. Lời khai tại phiên tòa, những người đang tranh chấp đều thừa nhận phần đất hiện nay có nguồn gốc của gia đình bà Loan.

Tin cùng chuyên mục