Bà Lê Thị Gấm (ngụ tại A 25/1B tổ 51, ấp 4, phường An Khánh, quận 2, TPHCM) gửi đơn đến Báo SGGP, trình bày: Năm 1978 gia đình bà không trụ được ở vùng kinh tế mới nên trở lại TPHCM. Cha của bà là ông Lê Văn Chắc đã đưa gia đình về xã An Khánh huyện Thủ Đức TPHCM phát dừa nước, san lấp để canh tác.Năm 1985, cha bà đã cho bà một phần đất vườn và bà đã cất nhà, sử dụng ổn định cho đến nay. Ngày nay, vùng đất xã An Khánh đã thành phường An Khánh quận 2 và nhà đất của bà Gấm nằm trong khu quy hoạch thu hồi để thực hiện dự án.
Đầu năm 2010, UBND quận 2 ban hành Quyết định 290/QĐ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ ở khu vực này, nhưng quận không bồi thường diện tích 66,11m2 của gia đình bà Gấm, với lý do “đất đã san lấp có nguồn gốc chiếm dụng sử dụng trước ngày 15-10-1993”.
Bà Gấm bức xúc: “Những năm đầu sau giải phóng khu vực An Khánh chỉ có dừa nước sinh lầy; chính quyền khuyến khích người dân khai phá, san lấp để lấy đất sản xuất. Sao nay lại cho rằng đây là đất lấn chiếm?”. Không chỉ riêng trường hợp gia đình bà Lê Thị Gấm, ở nhiều địa phương trong nước cũng có nhiều trường hợp nông dân khai hoang vỡ hóa, sử dụng ổn định nhiều năm nhưng rồi bị thiệt thòi, mất trắng.
Nhà nước luôn khuyến khích người dân khai hoang vỡ hóa để lấy đất sản xuất. Điều này đã được quy định có hệ thống trong Luật Đất đai. Cụ thể, tại Điều 2 Luật Đất đai năm 1987, Điều 5 Luật Đất đai năm 1993 và Điều 12 Luật Đất đai năm 2003 đều quy định “Nhà nước khuyến khích khai hoang vỡ hóa, lấn biển để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp”. Như vậy, việc người dân đã bỏ công khai phá đất hoang, vùng trũng sình lầy, biến thành đất nông nghiệp và đã sử dụng ổn định nhiều năm, tạo ra sản phẩm để nuôi sống gia đình, đóng góp cho xã hội là đáng hoan nghênh và phù hợp với quy định pháp luật. Mặt khác, đối với diện tích đất sau ngày giải phóng là vùng trũng, kênh rạch, nay không còn hiệu hữu và người dân đã dày công khai phá, san lấp, sử dụng ổn định mấy chục năm mà nay vẫn bị xem là lấn chiếm kênh rạch cũng là thiếu tình, yếu lý. Trong nhiều trường hợp đất có nguồn gốc khai hoang vỡ hóa, nếu lấy lý do người dân lấn chiếm đất để từ chối đền bù là chưa hợp lý.
TRẦN YÊN