Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn Giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Liên bang Nga vừa diễn ra, ngành Việt Nam học sẽ góp phần giúp phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga.
Nói về việc dạy tiếng Việt ở Nga, giảng viên Nguyễn Thị Minh Hạnh, Đại học Quốc gia Saint-Petersburg, cho biết, ngoài đào tạo theo hạn ngạch của nhà nước, trường còn có cả hình thức đào tạo theo hợp đồng (sinh viên trả tiền học). Thực tế rất đáng phấn khởi khi mà các trường khác gặp khó khăn để thu hút thí sinh chọn học tiếng Việt. Nhà trường không tuyển sinh ồ ạt, mà chọn lọc theo chuyên ngành ngay từ năm thứ nhất. Số lượng sinh viên trong lớp ít nên giảng viên có điều kiện rèn kỹ 4 kỹ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết. Nhờ vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã dễ dàng tìm được những công việc như hướng dẫn viên du lịch hay phiên dịch.
Có thể nói rằng một số thành phố lớn, có tiềm năng du lịch hoặc là cửa ngõ vào châu Á như Saint-Petersburg và Vladivostok, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tiếng Việt không khó. GS Aleksander Sokolovskyi, Trường Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông, cho hay, Vladivostok là thành phố cảng, kết nghĩa với thành phố Hải Phòng, do đó sinh viên tiếng Việt có đủ cơ hội tìm việc làm tại các doanh nghiệp hợp tác với Việt Nam. GS Sokolovski cho biết thêm, cơ chế hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học Việt Nam rất thuận lợi, Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam khuyến khích hợp tác liên trường mà không qua bộ, điều này rất tạo điều kiện để các trường mở phân viện lẫn nhau, trao đổi sinh viên.
Thuận lợi là vậy nhưng không phải không có những vướng mắc, khó khăn. Đến với diễn đàn, các chuyên gia Việt Nam học, các giảng viên và cả học viên đang học tiếng Việt đã đề cập đến mọi khía cạnh cần quan tâm hiện nay, là nhu cầu cần cải cách chương trình, giáo trình, phương tiện giảng dạy từ những nền tảng đã tồn tại ở Nga từ thời Liên Xô cũ, nay mất đi tính thời sự. Sức hấp dẫn của chuyên ngành cũng gặp thách thức trong bối cảnh chung khi thanh niên Nga đang ngày càng ít quan tâm đến nghiên cứu khoa học như một nghề nghiệp. Ngoài ra, còn là những băn khoăn khi không phải sinh viên tiếng Việt nào cũng tìm được việc làm đúng chuyên ngành.
Chia sẻ với tâm tư của những người đang làm công việc “gieo” con chữ Việt nơi đất khách, Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh cam kết hết sức quan tâm giải quyết những mặt còn tồn tại trong việc giảng dạy tiếng Việt tại Nga. Đại sứ gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, chuyên gia vì những đóng góp lớn lao trong công tác nghiên cứu, phổ biến, giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học tại Nga trong hơn nửa thế kỷ qua, góp phần làm phong phú di sản của tình hữu nghị truyền thống, thủy chung và hiểu biết sâu sắc giữa Việt Nam và Nga. Nhà ngoại giao Roman Nilov, cũng là một cựu sinh viên lịch sử Việt Nam của Đại học quốc gia Saint-Petersburg, ghi nhận chuyên ngành Việt Nam học đã đóng góp không nhỏ vào quan hệ hữu nghị cũng như trong hoạt động tăng cường hợp tác kinh tế (hiện đang là nhiệm vụ hàng đầu) giữa Nga và Việt Nam.