Để hàng Việt thắng thế trên sân nhà

Trong năm 2021, mức độ cạnh tranh giữa hàng hóa trong nước với hàng nhập khẩu được dự báo sẽ gay gắt hơn bởi theo lộ trình giảm thuế từ các Hiệp định thương mại (FTA), hàng ngoại sẽ tràn vào Việt Nam với mức thuế về 0%. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra những chiến lược phù hợp để giành lợi thế, giữ sân nhà là vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp (DN) Việt.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại các kênh phân phối nội địa
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại các kênh phân phối nội địa

Áp lực cạnh tranh lớn

Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện chính sách hội nhập một cách sâu rộng. Theo thống kê của Ban thư ký WTO, đến năm 2019, cả thế giới đã có 695 FTA được các nước thành viên thông báo lên WTO, trong đó có 481 FTA đang có hiệu lực. Ngoài ra, một xu hướng mới ngày càng được nhiều nước đàm phán, ký kết và thực thi là các FTA thế hệ mới. Để hội nhập kinh tế quốc tế thành công, các quốc gia đều chú trọng nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia của mình (dưới 3 góc độ nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm).

Không đứng ngoài quá trình đó, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, mà gần đây nhất là tham gia Hiệp định Đối tác toàn tiện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, các FTA đã và đang chuẩn bị thực thi đặt ra cho các DN Việt nhiều cơ hội lẫn thách thức. Theo đó, về cam kết thuế nhập khẩu trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Hay với EVFTA, đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực. Do đó, các sản phẩm được sản xuất trong nước đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng, giá cả cạnh tranh và được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.

Trong một đánh giá từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham), khi EVFTA có hiệu lực, đến năm 2035, hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng khoảng 29%, tương đương khoảng 15 tỷ EUR. Điều này cho thấy, nếu chỉ tính riêng với hàng hóa từ EU vào Việt Nam đã tạo mức độ cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt tại nội địa, đó là chưa kể hàng hóa từ các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. 

Trong khi đó, thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân, gần 1/6 dân số đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Chính tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng tốt hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu khi gần đây hàng loạt DN ngoại từ hàng thời trang, tiêu dùng cho tới bán lẻ đã lần lượt đổ bộ vào nước ta trong năm 2020. Có thể kể tới như MUJI - thương hiệu bán lẻ Nhật Bản đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở TPHCM cuối tháng 11-2020; hay Miki House - thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam tháng 2-2020… 

Chú trọng hơn thị trường nội địa

Mặc dù thị trường nội địa lâu nay được đánh giá là tiềm năng nhưng nhiều DN vẫn chưa thực sự chú trọng, cho tới khi dịch Covid-19 xuất hiện. Năm 2020 vừa qua, nhờ “điểm tựa” của thị trường nội địa mà nhiều DN trụ vững trong bối cảnh thế giới gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại. Chẳng hạn như, Công ty CP Phúc Sinh đã đẩy mạnh tiếp cận người tiêu dùng qua bán hàng thương mại điện tử và ra mắt app bán hàng trên điện thoại. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của Phúc Sinh tiết lộ, sau khi triển khai bán hàng trên ứng dụng Mobile, doanh số của công ty có sự tăng trưởng kỷ lục, từ 8,8 tỷ lên tới 55 tỷ, tăng 687%. Đây cũng là lần đầu tiên Phúc Sinh đạt mức tăng trưởng như vậy tại thị trường nội địa. 

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, năm 2020 trong khi việc xuất khẩu hàng thực phẩm sụt giảm thì ở thị trường trong nước, doanh số bán ra của ngành hàng này vẫn tăng trưởng tốt. Lý do, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước vẫn giữ ở mức ổn định và có xu hướng tăng mạnh trở lại những thời điểm dịch được kiểm soát tốt. Các chuyên gia cho rằng, DN cần hướng tới thị trường nội địa bởi về mặt tổng thể thị trường nội địa sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn. Khi đó, DN làm chủ thị trường trong nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. 

Để tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả, Vụ Thị trường trong nước cho biết, ngoài đa dạng hóa sản phẩm, chất lượng, mẫu mã thì việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng. Theo đánh giá của vụ này, hiện tại, các DN thực phẩm như Vissan, Ba Huân, Saigon Food… đang rất tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vissan vừa qua đã mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến, giúp khách hàng yên tâm và thoải mái chọn mua các sản phẩm của công ty; đa dạng chủng loại hàng hóa. Đây là kết quả rất tích cực mà các DN cần nhìn nhận để có hướng đi phù hợp trong năm 2021.

Tin cùng chuyên mục