Để hàng xuất khẩu của Việt Nam tránh nguy cơ bị “vạ lây”

Theo các chuyên gia, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, nhưng có nguy cơ bị vạ lây nếu gia tăng tình trạng cho nước thứ ba mượn xuất xứ…
Các chuyên gia tham dự cuộc tọa đàm

Các chuyên gia tham dự cuộc tọa đàm

Ngày 21-12 tại Hà Nội, Tạp chí Công thương (Bộ Công thương) đã tổ chức cuộc tọa đàm về chủ đề: “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”.

Sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam tập trung xuất khẩu vào những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như Hoa Kỳ, EU hay những thị trường mà hiện có lượng hàng hóa Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu như Canada, ASEAN… dẫn đến nguy cơ bị điều tra, cơ quan chức năng của nước nhập khẩu sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo quyền lợi cho các nhà sản xuất trong nước của họ.

Theo Bộ Công thương, cũng vì lẽ này, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến tháng 10-2022 đã có 224 vụ việc nước ngoài điều tra đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại

Tại cuộc tọa đàm, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, phòng vệ thương mại là vấn đề không thể tránh, bởi khi hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu thì cũng đồng nghĩa tạo ra áp lực thị trường cho các nhà sản xuất của nước sở tại.

“Cho nên, bên cạnh những tiêu cực thì cũng là một dấu hiệu rất đáng mừng, cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài và có thể cạnh tranh, tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu”- ông Trung bày tỏ.

Nhưng theo ông Trung, với sức ép cạnh tranh đó thì không có giải pháp nào khác là ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu sẽ phải tìm đến những công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ chính họ. Trong khi đây là công cụ mà Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) cũng như các cam kết quốc tế đã cho phép các nước áp dụng để nâng mức thuế nhập khẩu lên một mức độ nhất định mà không vi phạm những cam kết đã có.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, các nước “khó tính” như Hoa Kỳ, EU, Canada… không chỉ sử dụng các công cụ phòng vệ truyền thống dành cho quốc gia đối tượng ban đầu, như điều tra dấu hiệu chống bán phá giá, dấu hiệu có trợ cấp của các chính phủ… mà đang nhắm vào dấu hiệu “lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại” của những nước có liên quan.

Dấu hiệu “lẩn tránh” được hiểu là khi một nước xuất khẩu bị nước nhập khẩu tuyên bố áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng các doanh nghiệp của nước này đã “mượn xuất xứ” của nước thứ ba để xuất khẩu và lẩn tránh được mức thuế phòng vệ thương mại (thường rất cao).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Trong khi theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, luật sư thành viên thuộc Văn phòng Luật sư IDVN, cho biết, trong những năm qua, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, nhờ hưởng thuế suất xuất khẩu ưu đãi mà xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh.

“Ưu điểm đầu tiên của các FTA chính là dỡ bỏ hoặc làm giảm đáng kể những rào cản về thuế quan tại các thị trường nhập khẩu”- bà Thảo nhấn mạnh, song cho biết các FTA này cũng dẫn tới mặt trái khi Việt Nam trở thành đối tác của nhiều quốc gia trong các hiệp định thương mại tự do, đồng nghĩa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đầu tư.

“Có nghĩa là các doanh nghiệp nước ngoài từ rất nhiều nước, kể cả Trung Quốc cũng có sự chuyển dịch sang Việt Nam tương đối đáng kể”- bà Thảo nói. Chính nguyên nhân này đã làm gia tăng các vụ việc nhắm vào Việt Nam trong giai đoạn gần đây. Đặc biệt trong năm 2022, các vụ phòng vệ thương mại gia tăng đáng kể đối với loại hình điều tra mới, đó là điều tra chống lẩn tránh.

Giải thích sâu hơn, luật sư Thảo cho rằng, điều tra chống lẩn tránh về bản chất là biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng ở một quốc gia khác - ví dụ như Trung Quốc, nhưng sau đó có thể là các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam hoặc họ xuất khẩu hàng hóa sang nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc thông qua Việt Nam.

Từ đó dẫn tới hàng hóa Việt Nam cũng bị áp dụng hoặc bị điều tra lẩn tránh phòng vệ thương mại. Nếu như quốc gia nhập khẩu xác định rằng có hành vi lẩn tránh thì họ có quyền áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức độ tương tự như đang áp dụng với nước ban đầu.

Đơn cử gần đây nhất, Việt Nam đang phải chịu điều tra của Hoa Kỳ đối với sản phẩm ván ép. Mức thuế đang áp dụng cho sản phẩm này từ Trung Quốc lên tới hơn 200% và nếu Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với hàng hóa của Việt Nam mà có bằng chứng xác đáng thì hàng hóa của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng mức thuế 200% như Trung Quốc.

“Năm 2022, các vụ kiện liên quan tới chống lẩn tránh của Hoa Kỳ được khởi xướng nhằm vào Việt Nam tương đối nhiều và gia tăng”- bà Thảo cảnh báo.

Để hạn chế những rủi ro này, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, giải pháp là cần tăng cường hệ thống cảnh báo rủi ro đối với các mặt hàng xuất khẩu. Thông qua theo dõi biến động xuất khẩu sang các thị trường, nếu mặt hàng nào có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quá bất thường hoặc chiếm thị phần tương đối ở nước nhập khẩu mà từng bị điều tra phòng vệ thương mại đối với một nước khác thì cần phải coi là có nguy cơ rủi ro cao và phải được cảnh báo kịp thời để doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó, tránh bị đưa vào danh sách điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ với mức thuế cao, ảnh hưởng tới uy tín của cả ngành hàng xuất khẩu.

Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Tham gia tọa đàm, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đang được coi là “cường quốc xi măng” với sản lượng đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2021, Việt Nam đứng nhất, nhì về xuất khẩu xi măng ra thế giới với nhiều thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ, Australia. Trong đó Philippines, Trung Quốc, Bangladesh là 3 thị trường Việt Nam xuất khẩu xi măng nhiều nhất. Philippines là nước hiện đang nhập khẩu xi măng và Việt Nam là nước xuất khẩu vào Philippines lớn nhất, chiếm khoảng 92% tổng lượng nhập vào Philippines.

Vì lẽ đó, năm 2021, các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá, gây thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ.

“Lần đầu tiên chúng tôi biết đến câu chuyện phòng vệ thương mại. Mình bán xi măng ra nước ngoài, đã chấp hành đầy đủ các quy định của WTO, nước nhập khẩu, nhưng cuối cùng mình lại bị kiện bán phá giá”- ông Long chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, ngay cả định nghĩa về bán phá giá hàng xuất khẩu vào Philippines thì quả thực khi tiếp cận vụ việc mới biết thế nào là bán phá giá khi xuất khẩu. “Không phải là bán dưới giá thành mà người ta lại so sánh với giá bán ở trong nước họ”- ông Long lý giải về khái niệm “bán phá giá” theo cách hiểu của nước nhập khẩu xi măng là Philippines.

Tin cùng chuyên mục