Đã có hơn 30 năm trong nghề quản lý giáo dục và hiện là hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận nội thành, thầy T. cho biết cứ mỗi lần được điều về một trường làm hiệu trưởng là có người đến làm quen và vận động để được vào thầu bán căn tin trong trường.
Thầy H., vừa nhận nhiệm vụ hiệu trưởng trường THCS tại một quận hồi đầu năm học này, tâm sự rất thật: “Tư nhân thầu căn tin, ngoài thuế và các “phụ phí”, để có lãi thì chắc chắn họ phải bán giá cao, cuối cùng học sinh là người lãnh đủ”. Thật vậy, nhiều bạn đọc đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP phản ánh về giá bán trong căn tin nhiều trường quá cao. Thí dụ một chai nước Aquafina loại 500ml, giá bên ngoài chỉ chừng 4.000 - 4.500 đồng nhưng căn tin bán đến 10.000 đồng; chai nước ngọt C2 giá vốn chỉ 4.500 đồng, bán cho học sinh đến 8.000 - 10.000 đồng. Ngay như trà đá là thức uống rẻ nhất, giá tại một số căn tin trường học là 2.000 đồng/ly. Món hàng lãi nhất của căn tin trường học là các mặt hàng đồ chơi, kẹo cao su, kim tuyến, lãi từ 5 - 10 lần giá vốn.
Chúng tôi đã tìm hiểu thực tế và ghi nhận một số trường đã có cách hợp lý hơn để học sinh không phải mua hàng căn tin giá đắt. Thầy Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết: “Nếu cho tư nhân vào thầu căn tin, tất nhiên giá bán sẽ cao, nên trường tự đứng ra tổ chức, nhân viên phục vụ là con em của giáo viên. Chị Nguyễn Thị Dung, nhân viên của trường, phụ trách căn tin, cho biết hàng hóa bán trong căn tin đều lấy từ các thương hiệu lớn. Bán bao nhiêu, nộp hết cho trường, rồi trường chi trả lương cho nhân viên. Nhờ vậy giá bán của căn tin trường này cũng khá mềm: nước suối Aquafina 6.000 đồng, sữa hộp Vinamilk 7.000 đồng…
Thầy Đoàn Hữu Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), cũng xác định quan điểm: “Căn tin phục vụ học sinh, nên không thể bán giá cao”. Do vậy, khi về làm hiệu trưởng tại đây, thầy yêu cầu căn tin phải công bố bảng giá, chỉ cho phép mắc hơn bên ngoài từ 1.000 - 2.000 đồng”. Từ một gian nhà nóng bức, bề bộn, ẩm thấp, căn tin được nâng nền, lót gạch mới, có bàn ghế, quạt máy cho học sinh, không bán trong giờ chuyển tiết, nhân viên ăn mặc tươm tất và sắp tới sẽ mặc đồng phục, làm sao căn tin phải là nơi thân thiện, lịch sự.
Gần đây, một vài tập đoàn bán lẻ đã chọn những địa điểm gần các trường học để kinh doanh. Với phong cách phục vụ hiện đại, lịch sự, giá phải chăng, các điểm bán hàng này trở thành nơi thu hút khá đông học sinh. Điển hình như cửa hàng Circke K bên cạnh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh). Anh Văn Trường, phụ trách cửa hàng, cho biết mỗi ngày cửa hàng thu hút 600 - 700 lượt học sinh. Giá bán khá mềm: nước suối Aquafina 4.500 đồng, mì gói 7.500 đồng, que xiên 6.000 đồng… được phục vụ tại chỗ với không gian máy lạnh mà không kèm theo khoản phí nào.
Căn tin nhà trường, dẫu của ai và hoạt động như thế nào, nếu được lãnh đạo nhà trường quan tâm với mục tiêu “nhà trường thân thiện”, chắc chắn căn tin sẽ thân thiện hơn từ không gian phục vụ đến giá bán, phù hợp với túi tiền con trẻ. Và thật khó chấp nhận kiểu kinh doanh lợi dụng trẻ con với giá “cắt cổ” cao gấp 2 - 3 lần bên ngoài…
THƯ LÊ