Mưa lũ diễn biến phức tạp

Di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân

Di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân

Theo Đài Khí tượng – Thủy văn Khu vực Nam bộ, hiện nay, vùng biển từ Nha Trang đến Cà Mau và Kiên Giang – vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7, biển động rất mạnh. Dự báo trong 4 - 5 ngày tới, gió mùa Tây Nam có xu hướng tăng mạnh, cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7, biển động rất mạnh.

Di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân ảnh 1
Thuyền bè là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân vùng lũ Cát Tiên.

Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ vẫn còn mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, do vậy lũ còn lên ở mức rất nguy hiểm. Trên thượng nguồn các sông Nam Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ vẫn còn mưa to đến rất to. Lũ các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên và sông Đồng Nai tiếp tục lên và ở mức cao, trên mức báo động 3 và tiếp tục lên.

Mực nước sông Cửu Long ở vùng đầu nguồn đang lên nhanh, còn vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên biến đổi chậm theo triều. Mực nước cao nhất ngày 14-8, trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,08m (trên BĐ 1: 0,06m), trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,45m (xấp xỉ BĐ1).
Bắc Trung bộ mưa lớn gây thiệt hại nặng

Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mưa lớn trên diện rộng đã làm ngập lụt nhiều nơi, nước sông các địa phương trên lên nhanh. Chi cục Phòng chống bão lụt Quảng Bình thống kê thiệt hại ban đầu ở hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh hơn 55 tỷ đồng. Tại Nghệ An mưa lớn cũng gây ngập lụt cục bộ ở nhiều tuyến phố của thành phố Vinh.

  • Tây Nguyên: nhiều cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi

Đến ngày 15-8, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có 5/13 huyện, thành phố xảy ra lũ lụt gồm: Ea Súp, Cư Mgar, Lắc, Krông Ana, và Krông Bông. Theo thống kê ban đầu, lũ đã cuốn trôi 1 người ở huyện Chư Mgar; ngập 952 ngôi nhà và 4.079 ha cây trồng các loại; làm hư hỏng 6 km đường giao thông nội vùng và 7 đập thủy lợi nhỏ.

Tại tỉnh Đắc Nông, lũ lụt cũng đã xảy ra ở huyện Đắc R’lấp, Đắc Glong và thị xã Gia Nghĩa gây ảnh hưởng tới đời sống của trên 900 hộ dân.

Di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân ảnh 2
Người dân các huyện phía Nam Lâm Đồng sơ tán khỏi vùng lũ.

Ngay khi xảy ra lũ lụt, Đắc Nông đã huy động lực lượng cứu hộ gồm Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, công an tỉnh và thanh niên xung kích tập kết phương tiện và vật tư cần thiết, sẵn sàng xử lý sự cố ngập cầu Đắc Nông và một số điểm sạt lở trên quốc lộ 28, nhằm bảo đảm giao thông thông suốt.

Trong mấy ngày qua, do mưa kéo dài đã gây ra hiện tượng lũ lụt và thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu tại một số huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. 3 huyện bị thiệt hại nặng nhất là huyện Cát Tiên, Đạ Tẻr, Đạ Huoai. Tính đến thời điểm này, có 24/33 xã của 3 huyện đã bị ngập, khoảng trên 2.150 ha hoa màu bị mất trắng. Đường giao thông 721 nối 3 huyện với quốc lộ 20 đã bị tê liệt hoàn toàn do gần 20km đường bị ngập, nhiều đoạn ngập sâu từ 1,2m – 1,5m. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cho chính quyền 3 huyện phía Nam di dời toàn bộ số hộ bị ngập lụt tới nơi an toàn và chỉ đạo cho nhân dân tích trữ lương thực, nước uống, thuốc men trong khoảng 20 ngày. Đây là mức nước lũ cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

  • ĐBSCL: Di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ khỏi vùng sạt lở

Liên tục trong những ngày qua, khắp các tỉnh ĐBSCL có mưa lớn kéo dài, làm nước lũ trên sông Tiền, sông Hậu lên rất nhanh. Tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp. Tính đến chiều 15-8, tại Đồng Tháp có 91 đoạn sạt lở dài 166 km, hiện 4.711 hộ bị ảnh hưởng. Trước mắt, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp khẩn trương phối hợp với các địa phương di dời những hộ nằm khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Tại An Giang, sạt lở đang đe dọa trên 600 hộ sống dọc sông Vàm Nao và khu vực Tân Châu. Trong những ngày qua, mưa giông đã làm sập 127 căn nhà; tốc mái và siêu vẹo 322 căn ở các huyện Tam Nông, Lấp Vò, Châu Thành (Đồng Tháp). Đã có 1 trẻ em ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) chết đuối do lũ…

Di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân ảnh 3
Sạt lở taluy và nhà ở đường 3-4 phường 3 TP Đà Lạt. Ảnh: V. ĐÌNH

Theo Sở GD-ĐT Kiên Giang, một số trường học trong tỉnh đã bắt đầu khai giảng năm học mới để tránh lũ, chủ yếu là các lớp cuối cấp. Tại Đồng Tháp, Sở GD-ĐT giao quyền cho trưởng phòng và hiệu trưởng các trường trực thuộc về việc nên hay không nên quyết định cho học sinh đi học sớm, nhưng không chậm hơn ngày 24-8. Năm nay, Đồng Tháp có 332 phòng học ảnh hưởng bởi nước lũ. Tỉnh cũng đã bố trí hơn 2.000 giáo viên vào ở các nhà công vụ để tránh lũ, đảm bảo công tác giảng dạy.

  • Các nhà máy điện xả lũ

Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Srok Phu Miêng đang xả lũ với lưu lượng 1.000m3/s từ lúc 14 giờ ngày 14-8-2006. Trong thời gian tới Ban quản lý sẽ phải tiến hành xả lũ với lưu lượng lớn.

Để điều tiết hồ chứa, Nhà máy Thủy điện Trị An dự kiến xả nước qua tràn vào lúc 7 giờ ngày 16-8-2006. Lưu lượng xả qua tràn từ 450m3/s đến 600m3/s. Nhà máy Thủy điện Cần Đơn đã xả lũ với lưu lượng 715m3/s từ lúc 11 giờ 02 phút ngày 14-8-2006.
 

Đừng biến lũ hiền thành lũ dữ

Hàng năm, thiệt hại do lũ gây ra ở ĐBSCL là rất lớn. Ai cũng biết điều đó, mười mấy năm nay đã có rất nhiều cuộc bàn thảo khoa học về đối phó với lũ ở ĐBSCL và cũng đã đưa ra một số kiến nghị về giải pháp nhằm hạn chế những thiệt hại do lũ gây ra. Khi đã xác định phải sống chung với lũ ở ĐBSCL cũng tức là chúng ta không thể cải biến nó, chống đối nó mà là sống hòa bình với nó, lựa theo nó, tranh thủ nó vừa giảm thiệt hại do nó gây ra lại tranh thủ những mặt thuận lợi do nó mang đến để phát triển. Thành ra những ý tưởng đắp những con đê ngăn lũ như hệ thống đê ở đồng bằng sông Hồng là không thực tế và chỉ khuyến cáo nên làm những con đê ngăn lũ thời vụ tức là khi gặt lúa hè-thu xong thì cho lũ tràn vào đồng vừa lấy được nước phù sa cùng tôm cá lại vừa giảm được sức ép của lũ đầu nguồn… làm sao để đừng biến lũ hiền thành lũ dữ. Tức là để cho lũ lên từ từ như quy luật của nó từ bao năm nay, đừng tìm cách ngăn cản dòng chảy của nó quá đáng, để đến mức làm cho lũ dâng cao đột ngột tạo thành những xung lực lớn và nó sẽ phá đổ, cuốn trôi những vật cản trên đường đi của nó càng gây thiệt hại lớn cho con người thì đó chính là lũ dữ. Việc tạo ra những con đê bao thời vụ đã bước đầu có kết quả và vụ lúa hè-thu ở ĐBSCL đã được đẩy lên thành vụ lúa chính thứ 2 sau vụ lúa đông-xuân. Thế nhưng một số nơi lại muốn tranh thủ làm thêm vụ lúa thứ 3 đã cố kéo dài thời gian ngăn lũ mà không phá khẩu đê bao để cho lũ tràn vào đồng. Đặc biệt một số nơi tự làm đê bao để ngăn lũ một cách tự phát không theo quy hoạch chung vì lợi ích chung mà chỉ vì lợi ích cục bộ trước mắt của địa phương mình. Từ đó diện tích lũ hè-thu hẹp, dòng chảy của lũ càng bị ngăn trở và đương nhiên lũ dữ sẽ xuất hiện.

Như vậy việc đắp đê bao, làm thủy lợi, làm giao thông ở ĐBSCL nước ta là phải được quy hoạch và tính toán cho kỹ, cho hợp lý để làm sao đừng biến lũ hiền thành lũ dữ, giảm thiệt hại, tăng thêm thuận lợi để phát triển.

KS TRẦN QUỐC KHẢI

Kiên Giang: Biển động, dân 3 xã đảo bị đói

Do thời tiết mưa giông, biên động kéo dài, đã có 4 tàu đánh bắt thủy sản bị chìm, tàu hàng không được phép đi, nhân dân các xã đảo: Lại Sơn, An Sơn, Nam Du, huyện Kiên Hải thiếu lương thực và đang bị đói. Ngày 15-8-2006, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định xuất ngân sách và điều động tàu Ngọc Thành chở gạo ra cứu trợ cho nhân dân các xã này. Đến chiều cùng ngày, tàu khách Ngọc Thành vẫn chưa dám xuất bến vì ngại thời tiết diễn biến bất thường.

Nhóm PV

Thông tin liên quan

26 tỷ đồng giúp các tỉnh miền núi 

Tin cùng chuyên mục