Di sản văn hóa nhìn từ game

Trên thế giới, việc sử dụng trò chơi điện tử (game) để quảng bá văn hóa, nhất là các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) không phải là điều hiếm. Thậm chí, game còn được xem là một phương pháp hiệu quả để giới thiệu văn hóa đến với người trẻ.

Hiểu biết văn hóa từ các trò chơi

Loạt game “Assassin’s Creed” được phát triển bởi Công ty Ubisoft (trụ sở tại Pháp), đã tạo ra một cách tiếp cận độc đáo, giúp người chơi tương tác với các di sản văn hóa nổi tiếng trên thế giới. Mỗi phiên bản mang đến cho người chơi một trải nghiệm di sản văn hóa của những vùng miền khác nhau như: “Assassin’s Creed: Odyssey” (Hy Lạp), “Assassin’s Creed: Origins” (Ai Cập) hay “Assassin’s Creed: Syndicate” (Anh). Các phiên bản đều tái hiện các thành phố lịch sử, các di tích nổi tiếng với độ chân thực rất cao. Người chơi có cơ hội khám phá các địa điểm như Roma, Athens, Paris, London, Cairo, Venice và Istanbul.

Không những thế, trong quá trình chơi, người chơi còn có thể tham gia vào các sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với các di sản văn hóa. Chẳng hạn, họ có thể tương tác với Leonardo da Vinci khi ông đang thực hiện các bức vẽ trần nhà thờ nổi tiếng, hỗ trợ Cleopatra làm các nhiệm vụ chống người La Mã…. Nhờ đó, người chơi có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc sống và văn hóa của những thời kỳ quan trọng trong lịch sử.

Tạo hình câu chuyện vua Lê trả lại gươm cho thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy sau khi đánh thắng giặc Minh trong một sản phẩm sáng tạo về chủ đề lịch sử do nhóm bạn trẻ Việt sử kiêu hùng thực hiện

Tạo hình câu chuyện vua Lê trả lại gươm cho thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy sau khi đánh thắng giặc Minh trong một sản phẩm sáng tạo về chủ đề lịch sử do nhóm bạn trẻ Việt sử kiêu hùng thực hiện

Hay ở Trung Quốc, “The Legend of Sword and Fairy” (Tiêu Dao hành), là một loạt game nhập vai được phát triển bởi Công ty Softstar Entertainment Inc. Các phiên bản của game này đã trở thành một biểu tượng trong làng game Trung Quốc và có một lượng đông đảo người trẻ tham gia.

Trong game, người chơi sẽ tham gia vào cuộc phiêu lưu huyền thoại trong một thế giới thần thoại mang đậm màu sắc huyền bí Trung Hoa. Những yếu tố văn hóa như hội họa truyền thống, nhạc cụ cổ điển và cách sống của người dân Trung Hoa thời cổ được thể hiện khéo léo trong trò chơi, tạo nên một không gian văn hóa độc đáo và đặc biệt.

Bài học từ Tây sang ta

Thuận Thiên kiếm được biết đến là game dã sử đầu tiên của Việt Nam, người chơi nhập vai vào bối cảnh loạn lạc thời hậu Lê (thế kỷ 15-16). Game được xây dựng dựa trên những câu chuyện lịch sử, văn hóa Việt Nam dưới sự cố vấn của PGS Huỳnh Lứa, được sản xuất và phát hành bởi Công ty VNG (trước đây gọi là Công ty Vinagame).

Bối cảnh game bắt nguồn từ câu chuyện về thanh kiếm Thuận Thiên xưa, Lê Lợi đã trao trả cho thần Kim Quy tại hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội), sau khi đánh đuổi giặc Minh. Game còn bổ sung các hoạt động khoa cử trong trò chơi, được thiết kế giống với những kỳ thi tuyển chọn người tài của nước Việt xưa như: khảo hạch, thi Hương, thi Hội, thi Đình. Người chơi sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi theo độ khó tăng dần. Nội dung câu hỏi trong hoạt động khoa cử là kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa cổ Việt Nam, ca dao tục ngữ Việt Nam, thơ văn trung đại, các câu đố dân gian Việt Nam...

Hay như game 7754 (Công ty game Việt Hiker Games sản xuất) tái hiện giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, người chơi trong vai chiến sĩ Việt Minh sẽ tham gia các trận đánh quan trọng trong giai đoạn này như cuộc chiến bảo vệ Bắc Bộ phủ (12-1946), trận Đông Khê (9-1950), chiến dịch Hòa Bình (1951-1952)…

Th.S Nguyễn Thái Dương, Trưởng Bộ môn Hình họa, Khoa Mỹ thuật, Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, chia sẻ: “Game mang đến cho người chơi một không gian ảo được tái hiện chân thực về di sản văn hóa. Người chơi có thể khám phá các thành phố lịch sử, địa điểm nổi tiếng và các di tích quan trọng một cách chi tiết, đa chiều.

Điều này giúp mở rộng kiến thức và hiểu biết của người chơi về di sản văn hóa. Và khi tham gia vào các game dã sử, văn hóa, người chơi có cơ hội tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của các nền văn hóa, thông qua việc tham gia vào các nhiệm vụ và sự kiện trong trò chơi. Điều này giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của người chơi về di sản văn hóa”.

Nhìn chung, game có tiềm năng lớn trong việc khám phá và trải nghiệm di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam. Sự kết hợp giữa công nghệ, trải nghiệm tương tác và cộng đồng chia sẻ thông tin có thể tạo ra những trải nghiệm sâu sắc và thú vị, từ đó khuyến khích sự quan tâm và tiếp cận với di sản văn hóa đặc trưng của quê hương.

Tuy nhiên, rất cần sự hợp tác và phối hợp giữa các đơn vị phát triển game với chuyên gia văn hóa cũng như các cơ quan quản lý di sản để khai thác tốt hơn tiềm năng của ứng dụng này. Bởi phát huy giá trị di sản, trước hết phải giữ gìn đúng hồn cốt ban đầu và lịch sử phải là sự thật, không thể vì đó là game mà sẵn sàng chấp nhận tính ước lệ một cách mơ hồ.

Việc sử dụng game trong khám phá di sản văn hóa tại Việt Nam sẽ không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mà còn tạo ra những trải nghiệm giáo dục, giải trí độc đáo cho người chơi, đóng góp vào việc xây dựng và lan tỏa nhận thức về văn hóa Việt Nam trong cộng đồng cũng như mở đường cho một ngành công nghiệp văn hóa trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục