Những năm gần đây, mạng viễn thông di động ở nước ta phát triển mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, thiếu sự kiểm soát đã dẫn đến nhiều lỗ hổng…
Chưa đăng ký... đã có thông tin cá nhân
Anh H.V.L cho biết, anh chưa đăng ký thông tin cá nhân như quy định thuê bao di động nhưng nhà mạng vẫn thông báo: “Chúc mừng bạn đã đăng ký thành công thông tin cá nhân, Viettel xin tặng bạn 50.000 đồng…”. Hiện anh H.V.L vẫn sử dụng thuê bao di động có số đầu là 0976.586… và khi anh thắc mắc vì sao chưa đăng ký mà đã có thông tin cá nhân, anh nhận được phản hồi từ tổng đài Viettel: “Hiện tại chủ thuê bao 0976.586… không phải do anh đứng tên” và nhân viên nơi đây còn nói thêm: “Để bảo đảm quyền lợi của quý khách, xin quý khách mang sim cùng giấy chứng minh nhân dân đến các điểm giao dịch của Viettel để đăng ký lại thông tin…
Nhân viên này không cho biết thông tin gì liên quan đến người đang đứng tên thuê bao di động 0976.586… mà chỉ nói: “Có lẽ lúc anh mua sim thì đại lý đã đăng ký “lụi” nên mới có sự sai lệch như thế”.
Anh H.V.L. đến một điểm giao dịch của Viettel trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM để đăng ký thông tin cá nhân. Sau khi nhận giấy để điền thông tin cá nhân, anh H.V.L đặt câu hỏi với nhân viên, tại sao anh chưa đăng ký thông tin cá nhân mà lại nói có người đứng tên, người này là ai?
“Đây là thông tin cá nhân “ảo” nên không thể xác định được người đứng tên. Có lẽ do nhân viên hay các đại lý do Viettel ủy quyền đã đăng ký “ảo” nhằm hưởng phần trăm huê hồng” - nhân viên này giải thích. Như thế, trong số hàng triệu thuê bao di động đã đăng ký, có bao nhiêu là thông tin cá nhân “ảo”? Làm sao nhà mạng có thể quản lý được vấn đề này?
Công nghệ + khuyến mãi = sim rác
Những năm gần đây, tốc độ phát triển mạng viễn thông di động ở nước ta rất cao. Sự ra đời của nhiều nhà cung cấp mạng viễn thông di động tạo nên sự cạch tranh khốc liệt, điều này một mặt mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong việc thụ hưởng các dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó nó cũng tạo ra những hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt số lượng thuê bao, làm phát sinh sim rác tràn lan. Mặc dù việc phát triển các thuê bao trả trước hiện nay đã được quản lý chặt hơn, nhất là quy định sở hữu số lượng sim đối với cá nhân nhưng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ máy di động cùng với các chương trình khuyến mãi lớn khi kích hoạt thuê bao mới đang tạo ra sự bùng nổ sim rác.
Với việc xuất hiện các loại điện thoại 2 sim, 2 sóng online giá vài trăm ngàn đồng và quy định khuyến mãi khi tặng thẻ nạp không quá 50% giá trị (trong khi đó thuê bao hòa mạng mới lại được tặng số tiền gấp 3 đến 4 lần số tiền bỏ ra khi mua sim)…, đã tạo điều kiện cho các “thượng đế” thay đổi cách thức sử dụng di động của mình. Đang xuất hiện trào lưu sử dụng điện thoại 2 sim, trong đó 1 sim sử dụng số cũ quen thuộc, 1 sim kiếm nhà mạng nào khuyến mãi nhiều nhất để kích hoạt.
Sim số cũ thì dùng cầm chừng, sim số mới dùng đến khi hết tiền trong tài khoản thì vứt đi, mua sim khác thay thế. Đây chính là lỗ hổng tạo ra một lượng sim rác rất lớn. Theo các chuyên gia viễn thông, số lượng thuê bao hòa mạng mới rất lớn nhưng bình quân 7-9 sim bán ra thị trường thì chỉ có 1 thuê bao thực. Chính vì vậy, mới đây cả 3 nhà khai thác di động lớn nhất Việt Nam là Viettel, MobiFone và VinaPhone đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thêm đầu số mới để cứu nguy cơ “cháy” số trong thời gian tới.
Để hạn chế số lượng sim rác bùng nổ như hiện nay, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cần nâng cao trách nhiệm của mình trong quản lý việc phát triển thuê bao mới một cách chặt chẽ và thích hợp để ngăn chặn tình trạng thuê bao “ảo” quá nhiều như hiện nay.
TRUNG CHÁNH – VĂN THY HỒNG