Định lượng kết quả công việc

Từ 20-8-2020, việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ theo các tiêu chí mới của Nghị định số 90 (vừa được Chính phủ ban hành).

Theo đó, nguyên tắc chung khi đánh giá, xếp loại CBCCVC phải bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức; bảo đảm đúng thẩm quyền quản lý, đánh giá CBCCVC.

Quan điểm chung của nghị định là đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể. Tiêu chí chung để đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC sẽ được căn cứ về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Trong quy định lần này, các tiêu chí cụ thể để đánh giá, xếp hạng CBCCVC rất rõ ràng. Ở từng vị trí công tác, quy định mới có điểm chung là đều nêu cao vai trò và trách nhiệm người đứng đầu; điều này thể hiện khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá tốt hoặc chưa tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của quá trình đánh giá, xếp loại CBCCVC. Việc này để tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, vi phạm pháp luật của một tập thể sẽ khó truy trách nhiệm cá nhân. 

Các tiêu chí đã rất cụ thể, quan trọng là khi thực hiện các đơn vị, tổ chức triển khai ra sao; chất lượng đánh giá, xếp loại tới đâu để kết quả thực sự là khách quan, trung thực.

Dẫn chứng một trong những tiêu chí chung để đánh giá, xếp loại CBCCVC là “kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao”. Tiêu chí này rất cần có thước đo để định lượng được hiệu quả công việc. Việc định lượng có thể qua các đề tài, các đề án, công việc cụ thể của CBCCVC.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện công việc, chức trách nhiệm vụ được giao, CBCCVC có những lúc kết quả công việc không có hiệu quả áp dụng cũng được xem là căn cứ để đánh giá xuất sắc hay hoàn thành tốt nhiệm vụ; ngược lại, có những người không có đề tài, đề án nhưng thực sự kết quả công việc tốt lại không được nhìn nhận, đánh giá cao. Đây là biểu hiện của việc nể nang, thiên vị, hình thức. Thách thức này rất cần vai trò “cầm cương” của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các khâu trong quy trình đánh giá, nhận xét CBCCVC cũng được xem là rất quan trọng, một lần nữa vai trò người đứng đầu được thể hiện trong việc tập hợp một tập thể đoàn kết, sẵn sàng đóng góp thẳng thắn với tinh thần đồng chí, đồng đội, mục đích là giúp đỡ nhau tiến bộ để những khuyết điểm nhỏ được góp ý, sửa sai kịp thời, tránh thành khuyết điểm lớn.

Nghị định số 90 được áp dụng trên diện cả nước, trên mặt bằng chung đó nên chăng ở những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội cần có hướng dẫn riêng, “nâng tầm” quy định các tiêu chí để chi tiết hơn, cụ thể hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng thực tế. Những thành phố lớn thường tập trung đông số lượng CBCCVC; trong quá trình thực hiện chức trách công vụ, áp lực công việc lớn hơn, thường xuyên tiếp xúc với các thành phần trong xã hội.

Muốn đánh giá chính xác, khách quan đội ngũ CBCCVC ở những thành phố lớn, phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng, cần thiết có thể theo tuần. Từ đó, có căn cứ để xác định tỷ lệ phần trăm mức độ hoàn thành công việc, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của CBCCVC đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC được xem là cơ sở căn cứ để bố trí, sử dụng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên. Do vậy, trong quá trình thực hiện đánh giá, xếp loại cần làm một cách trung thực, khách quan.

Được như vậy mới có thể góp phần khắc phục tình trạng “ngồi nhầm chỗ” hay “sai quy trình”; còn CBCCVC sẽ cảm thấy thoải mái và không còn tâm tư trong công tác cán bộ. 

Tin cùng chuyên mục