Đỏ mùa hoa gạo

Lá cờ thứ 83
Đỏ mùa hoa gạo

Người ta nói, đến Hà Giang không lên cao nguyên đá Đồng Văn xem như chưa đi; đến Đồng Văn, chưa lên chân cột cờ Quốc gia tại Lũng Cú xem như chưa tới...

Lễ chào cờ tại cột cờ Quốc gia, Lũng Cú của đoàn cán bộ Tuyên giáo TPHCM.

Lễ chào cờ tại cột cờ Quốc gia, Lũng Cú của đoàn cán bộ Tuyên giáo TPHCM.

Lá cờ thứ 83

Cảm xúc khi hát vang bài Quốc ca trên đỉnh trời Tổ quốc trong gió ngàn, dưới lá cờ rộng 54m² tung bay đỏ rực góc trời cực Bắc quả là điều đặc biệt trong hành trình về nguồn “Âm vang biên giới” do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức. Lá cờ thứ 83 treo trên đỉnh Lũng Cú hôm ấy đã được Ban Chỉ huy Biên phòng Hà Giang và Đồn Biên phòng Lũng Cú xếp tặng đoàn công tác Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM là món quà đặc biệt của những người lính biên cương gửi về thành phố mang tên Bác kính yêu. Cột cờ Quốc gia được xây dựng tại Lũng Cú, đỉnh của núi Rồng (tiếng H’Mông Lũng Cú có nghĩa là Long Cư - nơi cư ngụ của rồng). Còn có một cách giải thích khác. Tương truyền, ngày xưa, sau khi Quang Trung Hoàng đế đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Nam đã đặt cái trống đồng rất to trên đỉnh ngọn núi đá vôi cao 1.700m này. Vua lệnh, cứ mỗi canh giờ, gióng lên 3 hồi trống để người bên kia biên giới nghe được như nhắc họ nhớ về quyền bất khả xâm phạm đất đai của người phương Nam. Trống đồng của vua Quang Trung đặt ở nơi địa đầu Tổ quốc ấy gọi là “Long Cổ” (trống của vua), sau này người ta đọc trại ra là Lũng Cú.

Đứng dưới cột cờ Lũng Cú, nghe những câu chuyện về sự uy dũng của tiền nhân khi giữ gìn cương thổ nước nhà, nhìn xuống những mảnh ruộng bậc thang chênh vênh màu đất nâu vừa cày ải xong của làng Lô Lô Chải và màu ngói đỏ của ngôi Trường Tiểu học Lũng Cú nổi lên giữa nền xanh của núi non chập chùng, một khung cảnh thật thanh bình, nhiều người trong đoàn đã trầm trồ: “Quê hương ta tuyệt đẹp”. Chị Đinh Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Thành ủy) đã không giấu được sự bồi hồi: “Những năm trước, chúng tôi cũng đã tổ chức những chuyến về nguồn đến các vùng miền đất nước, nhưng chuyến đi này, quả thật để lại ấn tượng rất sâu đậm với tất cả mọi người. Với tôi thì phút đứng làm lễ chào cờ, hát bài Tiến quân ca dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Lũng Cú là một cảm giác rất đặc biệt, suốt đời không thể nào quên và không phải ai cũng được trải nghiệm. Là một cán bộ văn hóa tư tưởng, tôi nghĩ những trải nghiệm này quý hơn tất cả những bài học bằng lời, bằng lý thuyết về những điều gọi là tình yêu đất nước mà chúng ta vẫn thường hay nói đến từ trước đến nay”.

Trước đó, tại trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú đã diễn ra cuộc hội ngộ ấm cúng giữa người thành phố và cán bộ chiến sĩ biên phòng. Hàn thử biểu chỉ độ không/Đêm nay trời rét lắm/Cái rét biên thùy lạnh buốt thịt da/Cả núi rừng chìm đắm dưới sương khuya/Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ/Trằn trọc mãi thâu đêm chả ngủ/Thương anh nhiều anh chiến sĩ của tôi ơi...”, căn phòng nhỏ đầy gió núi hiu hiu lạnh, im lặng đầy cảm xúc khi chị Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đọc một phần bài thơ Điểm tựa của Lê Đức Thọ tặng cán bộ, chiến sĩ biên phòng đồn Lũng Cú, thay cho lời tri ân của người hậu phương. Bao năm qua, dù khó khăn vất vả, nhưng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới dài 25,5km toàn dốc đá cheo leo, quản lý tốt 2 xã Ma Lé và Lũng Cú (huyện Đồng Văn), giáp ranh với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Những người lính quân hàm xanh thường xuyên phải cắt rừng đi giữa đêm mưa giá buốt để cứu các cháu nhỏ khỏi tay kẻ bán tạng, cứu những cô gái Mông, Dao tuổi vị thành niên, trước khi bị bọn buôn người bán sang bên kia biên giới. Và chuyện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cực Bắc đầy bi tráng, 30 năm trước, được trinh sát địa bàn của đồn biên phòng kể lại, lẫn trong tiếng rít của gió ngàn… Chẳng ai nói với ai câu nào nữa. Gió thổi vẫn ào ào. Chúng tôi đứng cạnh nhau, lặng người, đắng miệng nhớ lại buổi lễ truy điệu chiều hôm trước ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.

Bức tường thành hiên ngang

Những nấm mồ xếp đều bên nhau/Như những phím dương cầm của đất/Rung lên những âm thanh lặng thầm không tắt/Chỉ trái tim người mới nghe được mà thôi… những câu thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vang lên trong tôi khi ánh chiều vàng vọt trải đầy những ngôi mộ ở nghĩa trang này. Công việc chuẩn bị cho lễ tưởng niệm được tiến hành một cách khẩn trương. Mỗi người một việc, tôi có cảm giác ai cũng khẽ khàng như sợ làm xao động đến giấc ngủ của các liệt sĩ trong lòng đất mẹ. Chiều biên giới xuống rất nhanh sau những rặng núi cao. Cả khoảng đồi trống lộng gió, hơn 1.700 nấm mộ xếp đều bên nhau với hàng trăm ngôi mộ “chưa có tên”, rêu phong, cũ kỹ. Giọng của Xuân Nguyên, Phó phòng Quản lý Báo chí (Ban Tuyên giáo Thành ủy) vang lên giữa không gian thinh lặng: “Mùa thu năm 1984, một trận chiến khốc liệt đã xảy ra tại biên giới Vị Xuyên này, những năm sau đó, pháo cứ dội xuống liên hồi, và các con của mẹ thay nhau ra đi mãi mãi. Các con của mẹ còn trẻ lắm, chỉ mới mười tám, đôi mươi, với nụ cười chưa tắt trên môi, còn chưa biết đến tiếng yêu, hay cầm tay một người bạn gái. 1.700 mảnh đời, 1.700 số phận, đến từ những vùng miền khác nhau, nhưng lại chọn cho mình một giấc ngủ ngàn thu, trên những ngọn đồi biên cương lộng gió. Sự hy sinh ấy, đã dựng nên bức tường thành lẫm liệt, sừng sững và hiên ngang như những dãy núi đá Hà Giang. Đó là bức tường thành của lòng yêu nước, của sự hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương, nhắc nhở chúng ta không thể nào quên - Tổ quốc Việt Nam đã được dựng xây bằng biết bao xương và máu. “Tuổi hai mươi trọn cuộc đời/Mấy ngàn bia mộ trắng đồi Vị Xuyên”…

Hàng ngàn ánh nến, lung linh nghĩa trang, xốn xang bia mộ. Lễ tưởng niệm diễn ra trong không gian khí thiêng hội tụ. “Rừng âm u, mây núi mênh mông/Ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy/Rừng mờ sương khuya bóng tối quân thù trước mặt/Nặng tình non sông anh dâng tròn tuổi đời thanh xuân... Xin hát mãi về anh. Người chiến sĩ biên cương...”, tiếng hát của 70 người đến từ phương Nam vang lên giữa núi rừng phương Bắc như lời tri ân tự tâm. Anh Nguyện, quản trang ở đây từ năm 2001, cùng tôi đốt thuốc mời các liệt sĩ, đã kể lại chiến sự ác liệt và kinh hoàng 30 năm trước ở cao điểm 772, Thung lũng gọi hồn, Ngã ba cửa tử. Ngày ấy, pháo nã liên tục 8 giờ liền và đất Vị Xuyên chỉ còn trơ lại những cột nhà cháy sém… 600 chiến sĩ hy sinh trong một ngày tháng 7-1984 ở Vị Xuyên, hầu hết là lính trẻ, mà trước đó mấy ngày, họ từ nơi khác ghé chân vào Hà Giang để điểm quân nên khi hy sinh không để lại tên tuổi quê quán. Một người dân sống cạnh nghĩa trang kể tôi nghe, tháng 7-2013, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ tại đây. Tự trong sâu khuất trái tim mình, những người Việt Nam dù đang sống ở đâu cũng chẳng thể quên sự hy sinh của những liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc này.

Sau Nghĩa trang Vị Xuyên, chúng tôi đã làm lễ truy điệu tại ngọn đồi vắng, nơi từng là cứ điểm đóng quân của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đồng Văn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt xưa. Hơn 200 liệt sĩ đã hy sinh tại đây để bảo vệ cương thổ nước nhà. Gió đêm và tiếng đọc điếu văn dưới ánh đèn pin trên ngọn đồi vắng khiến mọi người không nén được cảm xúc...

Vài năm trước, từ thành phố Hà Giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh… phải mất cả ngày vì đường quanh co hiểm trở, mặt đường lại xấu. Còn trước đó, muốn đến một số xã, bản biên giới, chỉ có thể đi bộ. Bây giờ, đường sá được nâng cấp, làm mới; lưu thông thuận tiện hơn, nhiều cụm dân cư được hình thành hai bên đường, thúc đẩy kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân Hà Giang đã ngày càng khấm khá hơn. Và, tháng 3, mùa của hoa gạo đỏ rực báo hiệu cho mùa của no ấm đang đến với màu xanh của ngô, của lúa trên những thửa ruộng bậc thang tuyệt mỹ ở Hà Giang này.

PHƯƠNG THỤC

Tin cùng chuyên mục