Doanh nghiệp đã nhận thức nhưng thiếu khung chính sách

Các ý kiến doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại hội thảo cho thấy, doanh nghiệp là lực lượng then chốt, quyết định đến quá trình chuyển đổi xanh; nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ và có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Song, đang rất cần khung chính sách sớm ban hành, với hướng dẫn cụ thể.
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp là then chốt

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, dệt may đã xuất khẩu được 26,3 tỷ USD. Tuy vậy, cách đây khoảng 5 năm, ngành dệt may cũng phải chịu nhiều áp lực từ các thị trường với những yêu cầu về phát triển xanh, bền vững, khí thải, nước thải, môi trường làm việc, vấn đề liên quan đến chứng chỉ an toàn trong sản phẩm dệt may… Trong đó, thị trường châu Âu đòi hỏi khắt khe nhất, rồi đến thị trường Mỹ, đây cũng là 2 thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay. Một số nhãn hàng quyết không nhập sản phẩm dệt may mà nhà máy sản xuất vẫn dùng nồi hơi đốt bằng gỗ, củi, vải vụn. Họ yêu cầu phải chuyển sang dùng nồi hơi điện. Việc này tuy làm tăng chi phí sản xuất lên khoảng 14%, nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn có thể đáp ứng và chủ động chuyển đổi. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam cũng đã chủ động thích ứng bằng cách đầu tư mạnh vào công tác xử lý nước thải, khí thải; đầu tư cho năng lượng mặt trời áp mái, tiết kiệm nguồn nước, tiết kiệm năng lượng…

Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu và thủ công mỹ nghệ Việt Nam, thông tin, sản phẩm gỗ xuất khẩu theo hướng thân thiện môi trường đã xuất hiện từ những năm 2000. Cho đến nay, các sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ đang từng bước chuyển đổi tích cực. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đại diện CT Group cho biết, các công trình bất động sản của đơn vị đều đạt kiểm định và chứng chỉ xanh để có thể tiếp cận được những khoản tín dụng xanh. Ngoài ra, CT Group đã đầu tư và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như về tiêu thụ năng lượng. CT Group cũng đang phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính; đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải.

Với áp lực đòi hỏi ngày càng cao của các nước nhập khẩu liên quan đến các vấn đề môi trường, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị các cơ quan nhà nước nên có hướng dẫn linh hoạt ở từng địa phương về tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Dệt may cũng đề nghị, các thể chế tài chính nên gắn với hoạt động của doanh nghiệp dệt may, nhất là doanh nghiệp đã được công nhận tiêu chuẩn xanh; tiếp đó là sự đồng bộ của cơ quan trung ương, địa phương tạo hành lang pháp lý để các bên “gặp nhau” và tạo môi trường bền vững.

Dù vậy, CT Group đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh để phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước như Pháp, Israel, Thụy Sĩ…, vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh. Từ thực tế này, đại diện CT Group đề xuất: “Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tài chính xanh, TPHCM nên kết nối các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp với các quỹ đầu tư để có thể đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính xanh tại Việt Nam và có thể thí điểm đầu tiên tại TPHCM”.

Còn khoảng cách giữa nhà nước - doanh nghiệp

Đại diện cho khối doanh nghiệp TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), bày tỏ sự sốt ruột của các doanh nghiệp. Theo ông, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là: bắt đầu như thế nào, ai cấp chứng chỉ carbon cho doanh nghiệp, giao dịch với ai, theo khuôn khổ pháp lý ra sao... “Cộng đồng doanh nghiệp mong các cơ quan quản lý tạo môi trường pháp lý để doanh nghiệp vào cuộc sớm hơn. Việc chuyển động hiện nay quá chậm”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu. Cụ thể, theo ông Hòa, với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, hiện cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc vì không “xanh” thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được.

Để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó. Từ đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh, cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp. Ông Hòa cũng kiến nghị cần sớm có quy định, hướng dẫn thống nhất về thực hiện năng lượng áp mái, hiện nay chỉ tự sản tự tiêu, thừa cũng không biết làm gì nên rất lãng phí.

Trong khi đó, theo bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), Văn phòng Chính phủ, qua nghiên cứu cho thấy, một bộ phận doanh nghiệp đã nhận thức về tín dụng xanh, thị trường tín chỉ carbon. Do đó, một trong những việc phải làm càng sớm càng tốt là kiểm kê khí nhà kính. “Nếu cứ nói tù mù mà không kiểm kê thì sao biết phát thải ở đâu và cải thiện cách nào. Có thể mời tư vấn hoặc tự làm, việc kiểm kê doanh nghiệp có thể tự làm và sau đó có thể sửa sai”, bà Thủy gợi ý. Bà Phạm Ngọc Thủy cũng thẳng thắn chia sẻ, đang có khoảng cách quá lớn giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; nỗ lực của hai bên hiện không gắn kết và chia sẻ, cơ quan quản lý cấp bộ nói đã làm rất nhiều việc nhưng doanh nghiệp nói không biết, các tỉnh cũng nói không biết.

Tin cùng chuyên mục