Để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần các chương trình tín dụng xanh

Sáng nay 6-9, Báo SGGP tổ chức hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Hội thảo diễn ra trước thềm Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh –  Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 17-9 tới đây.

Tham dự và chủ trì hội thảo, có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính; Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách - Bộ TN-MT; Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP; Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hội thảo cũng có sự tham gia của nhiều đại biểu từ cơ quan tham vấn chính sách: bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân - Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ; TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS); TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM; bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường – Ủy ban chứng khoán nhà nước; bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM – HOSE; ông Vũ Phúc Toàn, Phó Giám đốc Phòng thị trường Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng với đó là các chuyên gia: GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia; TS Trương Văn Phước, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia; TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế; TS Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TPHCM; TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol, Anh; TS Tô Xuân Phúc, Đại học Quốc gia Úc; TS Lý Hoàng Vũ, Đại học Lille, Pháp.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Đại diện các tổ chức tài chính tham dự hội thảo, gồm ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng văn phòng Agribank Khu vực miền Nam; ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank; bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình Công trình Xanh Việt Nam - IFC thuộc Ngân hàng thế giới; ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia kiểm toán khí nhà kính và thực thi trách nhiệm xã hội - Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Công ty Clickable Impact. Cùng đại diện lãnh đạo các ngân hàng ACB, Sacombank, VietBank, Nam Á Bank… Đại diện lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp và Hiệp hội Môi trường của Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham)…

Cùng hơn 150 doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày, thép, gỗ, ô tô, dịch vụ thương mại… và hơn 30 cơ quan báo chí, truyền hình, phát thanh đến dự và đưa tin hội thảo.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Nhật trao đổi cùng khách mời. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Nhật trao đổi cùng khách mời. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các diễn giả, doanh nghiệp, chuyên gia sẽ đóng góp ý kiến, cùng các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với Nghị quyết 98, mong rằng TPHCM sẽ đi đầu

Kết lại buổi hội thảo, nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP gửi lời cảm ơn sự tham dự của lãnh đạo UBND TPHCM, đại diện các ủy ban của Quốc hội, bộ ngành, các chuyên gia và hơn 150 doanh nghiệp góp phần cho sự thành công của hội thảo. Với những ý kiến tâm huyết tại diễn đàn này, nhà báo Nguyễn Nhật bày tỏ hy vọng các nội dung liên quan sẽ tiếp tục được đặt ra ở nhiều diễn đàn, nghị trường. Từ đó, tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon sẽ sớm trở thành chính sách cụ thể để doanh nghiệp thực hiện và mang lại kết quả tốt đẹp.

Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP gửi lời cảm ơn đến các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP gửi lời cảm ơn đến các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính được giao xây dựng thị trường carbon. Để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon thì các chính sách phải hoàn thành trước tháng 7-2024. Tất cả hàng hóa sẽ được mã hóa trước khi đưa lên thị trường, gắn kết vào sở giao dịch và lưu ký, thanh toán qua hệ thống thanh toán hiện đại.

Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính. Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Tham vọng của Bộ Tài chính, bằng hạ tầng chứng khoán Việt Nam, chúng ta sẽ tiến thẳng lên thị trường hiện đại, trao đổi tự động, hiện việc này chỉ một số nước làm được. Chúng tôi cố gắng tạo môi trường công khai minh bạch rõ ràng nhất để trao đổi trên đó”, ông Hoàng Thái Sơn nói.

Đối với TPHCM, đại diện Bộ Tài chính cho rằng với Nghị quyết 98, mong rằng TPHCM sẽ đi đầu. Tuy chưa có thị trường nhưng bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Ông khẳng định, nếu TPHCM có lập một tổ công tác để triển khai việc này, thì Bộ Tài chính và Bộ TN-MT sẽ tích cực phối hợp.

Đồng tình việc này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với Nghị quyết 98, TPHCM nên nhanh chóng triển khai để thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon. Theo ông, việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TPHCM chứ không dàn trải.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông cũng góp ý, TPHCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải cố gắng hết sức để có được khung chính sách.

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội thảo. Ông cho biết hiện Ủy ban cũng đang xem xét về việc xây dựng Luật Biến đổi khí hậu, thậm chí có luật về năng lượng tái tạo và sẽ thông tin cụ thể sau.

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh

Đại diện cho khối doanh nghiệp TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) bày tỏ sự sốt ruột của các doanh nghiệp trong triển khai tài chính xanh và thị trường carbon. Theo ông, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là doanh nghiệp bắt đầu như thế nào? Ai cấp cho doanh nghiệp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào? Nếu vượt thì phải mua của ai để bù đắp?

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA). Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Cộng đồng doanh nghiệp mong các cơ quan quản lý vào cuộc sớm hơn, tạo môi trường pháp lý sớm hơn để doanh nghiệp vào cuộc sớm hơn. Việc chuyển động hiện nay quá chậm”, ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu.

Cụ thể, theo ông Hòa, với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, hiện cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc, vì giờ nước tới chân rồi, giờ không “xanh” thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được cả. Nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và mong được hướng dẫn, sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện.

Để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện, đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó. Từ đó, ông Hòa đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.

Nhà máy xử lý chất rắn Vietstart, xã Thái Mỹ, Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà máy xử lý chất rắn Vietstart, xã Thái Mỹ, Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với TPHCM, quá trình thực hiện Nghị quyết 98, kỳ họp HĐND TPHCM tháng 9 tới đây sẽ kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư, dự thảo đã đưa nội dung có hỗ trợ về mặt vốn vay và lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.

Ông Hòa cũng kiến nghị cần sớm có quy định, hướng dẫn thống nhất về thực hiện năng lượng áp mái; hiện nay chỉ tự sản tự tiêu, thừa cũng không biết làm gì rất lãng phí.

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Bộ TN-MT, từ ngày 1-10-2023, châu Âu bắt đầu sử dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để tránh rò rỉ carbon và yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kiểm soát khí thải trong quá trình sản xuất. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Bộ TN-MT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Bộ TN-MT phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đã là yêu cầu bắt buộc thì các doanh nghiệp phải tuân theo. Do đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác đầu tư cho phát triển xanh. Bộ TN-MT cũng đã trình Chính phủ các quy định, hướng dẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đình Thọ cũng mong các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu để thích ứng.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đã phân công trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo thực hiện tiến độ của kế hoạch.

Huy động các nguồn lực tham gia thị trường carbon

TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, các hoạt động tham gia thị trường carbon quốc tế cũng đã được nhiều bên liên quan thực hiện thông qua các dự án thuộc Cơ chế phát triển sạch (CDM) từ những năm 2005 và sau này là các dự án được triển khai theo các cơ chế Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS)...

TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tính đến cuối năm 2022, đã có tổng cộng 29,4 triệu tín chỉ carbon từ cơ chế CDM, khoảng 10 triệu tín chỉ carbon hình thành từ cơ chế GS, VCS... Để thực hiện hiệu quả và huy động các nguồn lực tham gia thị trường carbon, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã được thông qua, theo đó, lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước.

Để Việt Nam có thể phát triển thị trường carbon bền vững thì quá trình xây dựng, phát triển thị trường carbon định hướng theo phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cần phải có các công cụ và hạ tầng kỹ thuật rõ ràng, minh bạch trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính cho các lĩnh vực, cơ sở, doanh nghiệp.

Thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Quan trọng nhất là các cơ quan ban ngành cần tiến hành triển khai nhanh hơn nữa. Tình hình như hiện nay là rất chậm, nếu mình làm chậm sẽ mất cơ hội. Mặc dù lộ trình đưa ra là năm 2025 mới thí điểm vận hành nhưng nếu chúng ta tham gia được sớm hơn thì tốt hơn.

Khối tư nhân và nhà khoa học cần được tham gia tích cực

Cần có cách hiểu thống nhất về thị trường carbon. Hiện thế giới có hơn 170 loại tín chỉ carbon khác nhau, với mức giá rất khác. Theo TS Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức), nhiều câu hỏi đang đặt ra cho Việt Nam, đó là cơ hội nào cho các bên đầu tư để tạo tín chỉ carbon? Thị trường mua và bán tín chỉ carbon ở đâu, ai bán ai mua? Tín chỉ được Việt Nam công nhận thì có thể giao dịch quốc tế được hay không và ai sẽ công nhận cho chúng ta?

TS Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức). Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Tô Xuân Phúc, Đại học Humboldt Berlin (Đức). Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Để biến thị trường carbon thành cơ hội cho Việt Nam thì còn nhiều câu hỏi phải trả lời. Trong đó, khối tư nhân và nhà khoa học cần được tham gia tích cực vào việc này. Và đừng để cơ hội thị trường carbon tự nguyện bị trôi mất”, TS Tô Xuân Phúc nói.

Chia sẻ thêm, bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), Văn phòng Chính phủ cho hay, qua nghiên cứu năm ngoái, nhận thấy nhận thức của doanh nghiệp về tài chính xanh, thị trường carbon còn rất thấp. Chủ đề tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon rất được quan tâm nhưng sau 1 năm, đến nay hiểu biết của doanh nghiệp về việc này vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), Văn phòng Chính phủ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bà Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Kinh tế tư nhân (Ban IV), Văn phòng Chính phủ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo bà Thủy, việc tạo tín chỉ carbon không dễ. Hiện những cái tạo ngay được tín chỉ carbon là năng lượng tái tạo. Còn những cái dựa trên tài nguyên, đất đai thì rất khó vì liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng. Còn một nhóm liên quan đến chuyển đổi công nghệ để tạo phát thải thấp hơn hiện trạng, cũng không dễ dàng.

Câu hỏi đặt ra là cần làm gì trước tiên? Một trong những việc phải làm càng sớm càng tốt, là kiểm kê khí nhà kính với danh mục 1.912 doanh nghiệp phải kiểm kê, xác định mức phát thải, nguồn phát thải lớn nhất để tập trung nguồn lực. “Chứ nói tù mù mà không kiểm kê thì sao biết phát thải ở đâu và cải thiện cách nào. Có thể mời tư vấn hoặc tự làm, việc kiểm kê doanh nghiệp có thể tự làm và sau đó có thể sửa sai”, bà Thủy gợi ý.

Bà Thủy cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện có khoảng cách quá lớn giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Nỗ lực của hai bên đang không gắn kết và chia sẻ với nhau. Vừa rồi làm việc với các địa phương, nhiều câu hỏi đặt ra, bộ nói đã làm rất nhiều việc nhưng doanh nghiệp nói không biết, các tỉnh cũng nói không biết.

Theo vị chuyên gia này, TPHCM muốn đi đầu phải có nhiều sáng kiến. Vì không có sự chuyển đổi nào mà không có bàn tay doanh nghiệp, đó mới là "người chơi" chính.

HDBank: Đã cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng

Từ những năm 2018, HDBank có chương trình cụ thể gia tăng nguồn lực cho chuyển đổi xanh bằng việc thúc đẩy các chương trình nâng cao nhận thức phát thải khí nhà kính với nhân viên. HDBank cũng là ngân hàng tiên phong ban hành chính sách cấp tín dụng xanh với 11.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, ngoài việc tận dụng sự hỗ trợ các tổ chức tài chính quốc tế, HDBank còn bám sát chủ trương Chính phủ, NHNN trong thực thi cam kết theo Thỏa thuận Paris, cũng như COP26. HDBank tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân bao gồm gói cho vay xanh và các dịch vụ liên quan.

Nhận định về thị trường tín chỉ carbon, ông Thanh cho rằng, tín chỉ carbon sẽ là hàng hóa đặc thù trong giảm phát thải khí nhà kính. Vấn đề cơ quan quản lý làm sao xây dựng được thị trường tín chỉ carbon theo hướng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

“Khi khung pháp lý đối với thị trường này hoàn chỉnh và việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 được thực hiện như định hướng của Chính phủ tại Nghị định 06/2022, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để có các giải pháp hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp tham gia thị trường này khi tín chỉ này trở thành một trong những loại hàng hóa đặc thù có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính”, ông Thanh cho hay.

Nhà máy xử lý chất thải Tâm Sinh Nghĩa - Tây Bắc tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà máy xử lý chất thải Tâm Sinh Nghĩa - Tây Bắc tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chuyên gia kinh tế: Trái phiếu xanh có lẽ khó triển khai

Nói đến những kinh nghiệm về tài chính xanh, trái phiếu xanh trên thế giới và tại Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều năm trước, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện chưa có nhiều.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trên thế giới, lũy kế đến nay đã có 2,4 ngàn tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành. Tại Mỹ, lũy kế đến nay đã phát hành được 400 tỷ USD trái phiếu xanh. Trong khi đó tại Việt Nam, mới chỉ có 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn. Đó là chưa kể không biết có bao nhiêu nhà đầu tư đã mua loại trái phiếu này. Trên thị trường chứng khoán cũng chưa nghe đến trái phiếu xanh mà chỉ mới phát hành trên thị trường trái phiếu riêng lẻ. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, điều này cho thấy, vấn đề về tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: Sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; Dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; Các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; Báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.

Từ đó, TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ. Nếu Việt Nam chuyển động chậm, thì 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là “nói cho vui” chứ khó triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn chứ đừng nói là thị trường trái phiếu xanh.

Doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh

Ông Trường An, đại diện Tập đoàn CT Group cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, các công trình bất động sản của CT Group đều đạt những kiểm định và chứng chỉ xanh để có thể tiếp cận được những khoản tín dụng xanh.

Ông Trường An, đại diện Tập đoàn CT Group phát biểu ý kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Trường An, đại diện Tập đoàn CT Group phát biểu ý kiến. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngoài ra, tập đoàn cũng đã đầu tư và nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ nhằm tối ưu việc giảm phát thải cũng như tối ưu về tiêu thụ năng lượng. Hiện CT Group có viện nghiên cứu tại Pháp chuyên sử dụng thuật toán AI để nghiên cứu các công nghệ tối ưu việc tiêu thụ năng lượng trong các khu công nghiệp, nhà máy và lĩnh vực logictics. Bên cạnh đó, CT Group cũng đang phát triển mảng vật liệu xây dựng xanh để giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, CT Group còn đầu tư phát triển các hệ thống giao thông công cộng nhanh (tàu điện cao tốc và máy bay không người lái) nhằm góp phần thực hiện việc giảm phát thải nhà kính đến năm 2050 đạt net zero.

Mặc dù vậy, hiện các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài chính xanh, trái phiếu xanh nếu phát triển các công nghệ nói trên tại Việt Nam. Do đó, các công ty phát triển công nghệ của CT Group đều phải đặt trụ sở tại các nước phát triển như: Pháp, Israel, Thuỵ Sĩ… vì các nước này có khung pháp chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp start up về công nghệ để có thể tiếp cận nguồn tín dụng xanh.

Theo ông Trường An, để có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tài chính xanh, TPHCM nên kết nối các nhà làm chính sách, các doanh nghiệp với các quỹ đầu tư, cùng chính chính quyền thành phố để có thể đưa ra các cơ chế, chính sách phát triển thị trường tài chính tại Việt Nam và có thể thí điểm đầu tiên tại TPHCM.

Các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG
Các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Cần có đặc thù, chính sách thử nghiệm cho TPHCM

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam cho rằng, hiện còn nhiều vấn đề Việt Nam cần xem xét cho phù hợp bối cảnh, như việc nên đi theo thị trường tín chỉ carbon bắt buộc hay tự nguyện, có nên áp dụng thuế carbon hay không. Một số nước phát triển như Mỹ không đặt ra thuế carbon, trong khi một số nước xung quanh Việt Nam có áp dụng.

Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, trong bối cảnh chung, TPHCM cần có chính sách riêng đặc thù, áp dụng thử nghiệm, nếu không sẽ không thực hiện được. Hiện nay 65% phát thải carbon là từ năng lượng. Vậy để giảm phát thải từ lĩnh vực năng lượng, TPHCM cần có đặc thù, nhất là khi thực hiện Quy hoạch điện VIII…

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về phát triển thị trường carbon, hiện nay kể cả một số nước phát triển cũng chỉ là nước trung gian, không thực sự đẩy mạnh, khuyến khích phát triển thị trường này. Việt Nam phải tham gia nhưng lộ trình, thách thức ra sao, cho doanh nghiệp tham gia theo hình thức như thế nào… là những vấn đề cần xem xét.

Đại diện Deloitte nêu một bài học từ Singapore mà TPHCM có thể học tập. Đó là việc Singapore chi 5 triệu USD xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo đầy đủ toàn bộ nội dung liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh. Từ đây, các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng có đủ thông số đánh giá dự án xanh, phát triển bền vững. “Tiền đầu tư cho trung tâm này không quá nhiều và các nguồn tài trợ cũng sẵn sàng nếu chúng ta thực sự bắt tay vào làm”, bà Ngọc gợi mở.

Ưu tiên nguồn vốn tạo giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Về phía các ngân hàng thương mại, ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam cho rằng, với vai trò chủ lực cung ứng vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Nam phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xác định mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại... tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng.

Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank cũng có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm. Tính đến 31-12-2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn.

Nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của Việt Nam. Cụ thể là nhà kính điều khiển khí hậu (công nghệ Pháp), canh tác nhiều tầng (công nghệ Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và tưới thông minh (công nghệ Israel)...

Các mô hình do Agribank đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, như: mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (TP Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hòa, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Kon Tum), thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)...

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Các giải pháp trọng tâm được xác định như sau: Tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG. Ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65%-70% tổng dư nợ.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CAO THĂNG

Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... Chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh. Chuẩn bị để phát hành trái phiếu xanh tăng vốn...

Tại hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Chính phủ đã ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại. Trong 8 tháng đầu năm 2023, ngành dệt may cũng đã xuất khẩu được 26,3 tỷ USD. Tuy vậy, dệt may hiện cũng đang chịu nhiều áp lực từ các thị trường, nhãn hàng khi đòi hỏi về các tiêu chí môi trường (khí thải, nước thải, môi trường làm việc…) ngày càng khắt khe, nhất là thị trường châu Âu.

Để đáp ứng các yêu cầu này, dệt may Việt Nam cũng đã chủ động thích ứng bằng cách đầu tư mạnh vào công tác xử lý nước thải, khí thải; một số dòng tiền tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mặt trời áp mái, chuyển đổi sang hơi điện; đầu tư vào tiết kiệm nguồn nước… Để có thể hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng linh hoạt hơn các tiêu chuẩn môi trường cho từng địa phương, không nên vận dụng máy móc…

TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh

Tại buổi thảo luận, TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho biết, trước những diễn biến cực đoan của khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn tới môi trường, khí thải nhà kính, mực nước biển dâng. Người dân không chỉ muốn được hít thở không khí trong lành, uống nước sạch, mà còn yêu cầu được sử dụng các dịch vụ, hàng hóa không làm hủy hoại môi trường.

TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS). Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các thị trường tài chính trên thế giới đã nhanh chóng nắm bắt xu thế phát triển xanh, sạch và đưa ra nhiều công cụ tài chính tương ứng. Theo đánh giá của Climate Bonds Initiative (CBI), năm 2020, khoảng 2.000 tỷ USD trái phiếu xanh đã được phát hành, bằng 5% giá trị thị trường nợ toàn cầu và dự kiến tới năm 2025 sẽ là 5.000 tỷ USD. Trái phiếu xanh chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, vận tải zero carbon, xử lý rác thải... Trong đó, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức và Hà Lan là 5 quốc gia phát hành nhiều trái phiếu xanh nhất.

Riêng đối với TPHCM, TS Trần Văn cho rằng, với mục tiêu xây dựng TPHCM thành thành phố tăng trưởng xanh, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98/2023/ QH15 của Quốc hội, TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.

Theo gợi ý của TS Trần Văn, TPHCM có thể phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ; dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; các dự án đốt rác phát điện; các dự án nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ hướng đến giao thông xanh; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường…

Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một góc TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho các DN cũng như triển khai rộng rãi tài chính xanh, TS Trần Văn kiến nghị TPHCM cần ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, đòn bẩy kinh tế cho thị trường trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, cam kết mua lại trái phiếu…

Cụ thể, TPHCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập, cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn xanh, việc huy động vốn, ấn định lãi suất, thời hạn trả nợ trên cơ sở hiệu quả tổng hợp đầu ra của dự án… Từ đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành. Trong đó, nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về phát triển xanh, chấp nhận cam kết đấu tranh bảo vệ hệ sinh thái, môi trường, với biến đổi khí hậu, tự giác mong muốn, chủ động tham gia có ý nghĩa quyết định.

Trong lĩnh vực xây dựng, bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh và thích ứng biến đổi khí hậu của Tổ chức tài chính Quốc tế - IFC thuộc WB cho biết, IFC vừa cho một tập đoàn bất động sản ở Việt Nam vay 44 triệu USD để thúc đẩy công trình xanh. Chứng chỉ công trình xanh do IFC phát hành có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nguồn vốn vay xanh khác, không chỉ là IFC. Ngoài doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp thuộc khối phát triển nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch cũng có thể xem xét khoản vay này. Ngoài cho vay trực tiếp, IFC còn phát hành trái phiếu liên kết bền vững.

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh và thích ứng biến đổi khí hậu của Tổ chức tài chính Quốc tế - IFC thuộc WB phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bà Đỗ Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh và thích ứng biến đổi khí hậu của Tổ chức tài chính Quốc tế - IFC thuộc WB phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon/năm

Mở đầu hội thảo, nhóm nghiên cứu GS.TS Trần Ngọc Thơ, TS. Hồ Quốc Tuấn, TS. Lê Đạt Chí và Th.S Nguyễn Thị Thu Hà có một bài phát biểu tổng quan về “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, cũng như những lợi thế mà TPHCM có thể triển khai thông qua Nghị quyết 98.

TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện nhóm, TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) khẳng định, tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới. Trong đó, tín dụng xanh cung cấp các công cụ nợ với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường, ví dụ cho vay xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững... Tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành nói chung, của TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, một số khó khăn hiện nay là việc đo lường tác động đến môi trường, hiện có nhiều tiêu chuẩn.

Các chủ tọa điều hành hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các chủ tọa điều hành hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chuyên gia từ Đại học Bristol tâm đắc việc TPHCM đóng vai trò kết nối. Theo ông, việc này đang thiếu ở Việt Nam. TPHCM là trung tâm tài chính, với tham vọng xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, vậy thì tại sao không là trung tâm tài chính xanh?

Trình bày thêm, Th.S Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TPHCM) thông tin, TPHCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. Với Quyết định số 3273, UBND TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế - tương đương khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng.

Th.S Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TPHCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Th.S Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TPHCM) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, TPHCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành quan trọng. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán về con đường giảm phát thải trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, TPHCM cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải.

Với vai trò trung tâm tài chính, TPHCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành.

Đặc biệt, TPHCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa.

Xe buýt điện hoạt động tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xe buýt điện hoạt động tại thành phố Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Với vai trò trung tâm phân phối - cửa ngõ xuất khẩu, việc xây dựng sàn trao đổi tín chỉ carbon theo dạng ETS cần phải được thực hiện sớm, đạt được thí điểm vào năm 2025. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng bởi CBAM cần được ưu tiên tham gia thị trường ngay từ giai đoạn thí điểm, để giảm được những chi phí tăng lên theo yêu cầu từ phía EU.

Sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Phát biểu định hướng tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi hoan nghênh Báo SGGP tổ chức hội thảo, đặc biệt là khi hội thảo diễn ra trước thềm Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023. Đồng chí tin tưởng hội thảo sẽ mang lại đóng góp có giá trị cho nhận thức, hành động của TPHCM và Việt Nam về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh nhận thức của TPHCM, đó là TP cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế TP, đóng góp cho kinh tế cả nước.

Đồng chí nêu ra “những thúc bách từ bên trong” của TPHCM như: giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, đây là những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước.

Cùng với nhận thức trên, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.

Thời gian qua, TPHCM đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9 tới.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh.

TPHCM cũng mong muốn lắng nghe thêm từ hội thảo này, về kinh nghiệm huy động nguồn lực tài chính, huy động từ đâu, sử dụng như thế nào cho hiệu quả, kết nối nguồn lực cụ thể vào các chương trình để có hành động cụ thể.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng khẳng định quan điểm, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Việc này thời gian tới TPHCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Nhân hội thảo này, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ mong muốn nghe ý kiến chuyên gia để thiết kế chính sách có trọng tâm, để quá trình diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Một số trụ cột khác của khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của TPHCM là hạ tầng, hành vi, tuần hoàn tài nguyên. Trong trụ cột hạ tầng, TPHCM định hướng tập trung cho năng lượng. Hiện năng lượng sạch chỉ chiếm 14%, đến năm 2030 cũng chỉ tối đa 30%. Và đi liền với những việc này, là khung pháp lý, phát triển hạ tầng, hệ thống chính sách.

Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, tham vấn chính sách tại hội thảo này, để TPHCM dần hoàn thiện khung pháp lý, từ đó động viên cả khu vực công lẫn cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, trong đó truyền thông đi đầu cổ vũ, góp ý, thúc đẩy quá trình phát triển xanh bền vững của TP.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM mong muốn phát triển một thị trường trái phiếu xanh

Phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo, nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, bước vào thế kỷ 21, trước những biến đổi cực đoan của biến đổi khí hậu, thế giới ngày càng quan tâm hơn đến môi trường. Theo số liệu thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải carbon cao nhất ở châu Á.

Đây là một thách thức khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26 (COP26). Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam là giảm 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Theo một báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển xuất bản tháng 7-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư rất lớn trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách đã tính đến xu hướng xanh hóa cho nền kinh tế. Từ sản xuất đến xuất khẩu, từ dịch vụ đến thương mại; cả thị trường chứng khoán cũng như bất động sản cũng buộc phải “xanh hóa”. Đặc biệt là TPHCM, địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, với cơ hội và thách thức đan xen khi đã được Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bằng Nghị quyết 98.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo nhà báo Tăng Hữu Phong, TPHCM mong muốn có thể nhanh chóng phát triển một thị trường trái phiếu xanh để thu hút nguồn vốn quốc tế và trong nước, cũng như một thị trường tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch mua bán tín chỉ carbon, để kinh tế thành phố đạt được các mục tiêu phát triển và bền vững.

“Báo SGGP, cơ quan của Thành ủy TPHCM, sẽ là cầu nối cho buổi hội thảo hôm nay để các diễn giả, các doanh nghiệp, các chuyên gia đóng góp ý kiến, cùng các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế”, nhà báo Tăng Hữu Phong nói.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra cam kết của Việt Nam giảm 30% lượng phát thải khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tài chính xanh và thị trường carbon (tín chỉ carbon) đều là những cơ chế tài chính có thể đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường. Nếu như tín dụng xanh có thể cung cấp vốn cho các dự án được chứng nhận bằng các tín chỉ carbon, thì tín chỉ carbon như “tấm thẻ bài” đưa hàng sang các nước..

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Như vậy kết nối hỗ trợ giữa tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững hơn theo xu thế toàn cầu.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến cuối năm 2022, các tổ chức tín dụng cho vay dự án xanh trong các ngành dệt may, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo và vệ sinh môi trường mới chỉ đạt gần 500.000 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ kinh tế.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong khi đó, thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam mới chỉ đang đang trong quá trình xây dựng, chưa có hệ thống pháp lý cần thiết làm khuôn khổ cho thị trường.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự sẽ tham gia góp ý những vấn đề còn chưa rõ, những vướng mắc trong doanh nghiệp hướng đến xanh và thị trường tín chỉ carbon... Các cơ quan quản lý cũng sẽ trả lời những thắc mắc hay những kiến nghị của doanh nghiệp.

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trao đổi với đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong trao đổi với đại biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tin cùng chuyên mục