Ngày 12-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Dự cuộc gặp mặt ngoài lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, còn có 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tích, thành tựu quan trọng, tích cực suốt đầu năm tới nay về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhất là kết quả chống dịch vừa qua.
Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân. “Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân”, Thủ tướng nói.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch VCCI thay mặt giới doanh nhân gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng và các lãnh đạo các bộ, ngành về những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Đồng thời mong rằng, các giải pháp, chính sách đã đề ra sẽ được quyết liệt triển khai; phản hồi của các doanh nghiệp về các vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách mới sẽ được lắng nghe, kịp thời điều chỉnh.
Theo ông Phạm Tấn Công, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện "bình thường mới" chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương.
Đại diện các tập đoàn, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ sự đồng lòng đến các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng, quyết tâm vượt qua, khắc phục những khó khăn trong đại dịch để có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành đã có các gói cứu trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về thuế và tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng doanh nghiệp đang còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình.
Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, trước tình hình mới, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các nghị quyết, nghị định, quyết định về các giải pháp giãn, hoãn tiền thuế phải nộp, giảm thuế, tiền thuê đất, giảm các khoản phí và lệ phí. Riêng gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… nếu thực hiện từ nay đến cuối năm thì tổng kinh phí là 138.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Về giải pháp thời gian tới, có hai nội dung. Thứ nhất là cần bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài. Giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích tiêu dùng nội địa trong nước cũng là cần thiết. Thứ hai là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy. Dòng tiền này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hệ thống ngân hàng luôn quán triệt quan điểm này.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.