Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thông tin, Hội nghị Trung ương lần 4 vừa mới kết thúc sáng 7-10, đã quyết nghị 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch cho 3 năm tới.
Theo đó, ở kỳ họp Quốc hội tới đây, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như Dự thảo Luật Điện ảnh, Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm…
Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ ban hành quyết sách lớn về kinh tế - xã hội trên cơ sở đánh giá tác động của Covid-19 tới việc làm, sinh kế của người dân cũng như tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
“Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã rất lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và trong mọi quyết sách của Quốc hội, Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tuần tới, lãnh đạo Quốc hội sẽ có buổi làm việc quan trọng với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. VCCI là đơn vị được “đặt hàng” nhiều ý kiến quan trọng cho các vấn đề này”.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, với trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Sau 35 năm đổi mới, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, bình quân một tháng có hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Đại diện giới doanh nhân trân trọng cảm ơn Quốc hội, nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã làm việc khẩn trương, luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đã có nhiều quyết đáp đặc biệt, kịp thời hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp và người dân.
Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19, đại diện giới doanh nhân kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội 3 nhóm vấn đề lớn: Một là, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Hai là, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Dù Covid thế nào cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch". Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện.
Ba là, lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Nhấn mạnh điều này, đại diện giới doanh nhân mong muốn Quốc hội, Chính phủ chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế tại một số luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phá sản... để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới.
Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.