Doanh nghiệp thiết bị PCCC “ngồi trên đống lửa”

Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) hẳn phải am tường phòng cháy hơn ai hết. Vậy mà các DN này đều đang trong tình thế “ngồi trên đống lửa”.

Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) hẳn phải am tường phòng cháy hơn ai hết. Vậy mà các DN này đều đang trong tình thế “ngồi trên đống lửa”.

Nghị định 79/2014/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC) sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2017. Khoản 1 Điều 41 nghị định này quy định: “Người đứng đầu DN và người đại diện theo pháp luật của cơ sở phải có văn bằng, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC”.  Do vậy, thời gian qua, các chủ DN hành nghề kinh doanh thiết bị PCCC đã đổ xô đăng ký học lớp bồi dưỡng kiến thức PCCC và cứu hộ, cứu nạn do Trường Đại học PCCC (Bộ Công an) tổ chức. Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng này là một thủ tục bắt buộc để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Mặt khác, Nghị định 79 còn quy định ngoài chủ DN kinh doanh thiết bị PCCC thì ít nhất 2 nhân viên cũng phải có giấy chứng nhận này. Nghị định 79 quy định như vậy là cần thiết, nhưng vấn đề là việc tổ chức lớp bồi dưỡng để cấp giấy chứng nhận đã không đáp ứng được yêu cầu.

Nghị định 79 quy định ngoài chủ DN kinh doanh
ít nhất 2 nhân viên cũng phải có giấy chứng nhận

Thực tế trong cả nước có đến hàng vạn DN kinh doanh thiết bị PCCC (tại TPHCM đang có hơn 1.000 DN), thế nhưng thời gian qua, Trường Đại học PCCC chỉ mới tổ chức 9 lớp, trong đó riêng tại TPHCM tổ chức 4 lớp, mỗi lớp giảng dạy khoảng 100 học viên. Như vậy, phải cần rất nhiều thời gian mới có thể đáp ứng yêu cầu cấp giấy chứng nhận cho DN đủ điều kiện kinh doanh thiết bị PCCC. Qua tìm hiểu, chi phí cho khóa học gồm 17 môn, hơn 10 triệu đồng; thời gian học đến 6 tháng, tập trung sáng - chiều. Chỉ còn 3 tháng nữa đến ngày Nghị định 79 có hiệu lực thi hành, nhưng với tình hình tổ chức lớp học như vậy thì chẳng thể đào tạo kịp.

Nghị định 79 còn quy định DN có hoạt động sản xuất, thi công, tư vấn chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC phải có một kỹ sư PCCC. Người có bằng cấp kỹ sư PCCC tốt nghiệp Trường Đại học PCCC thường phục vụ trong lực lượng công an, chuyên ngành PCCC. Nếu tất cả các cán bộ PCCC về hưu tiếp tục cộng tác với các DN kinh doanh thiết bị PCCC thì cũng chưa đủ người để đáp ứng quy định này. Vậy là DN kinh doanh thiết bị PCCC sẽ không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, trong khi lỗi đâu phải do chủ DN, chẳng qua là việc tổ chức các khóa đào tạo quá chậm.

Chuyện nhỏ, nhưng không hề nhỏ khi thời gian thực thi Nghị định 79 đã cận kề. Nếu không kịp chấn chỉnh, chắc chắn sẽ phát sinh tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận và cấp lại giấy phép hành nghề kinh doanh thiết bị PCCC.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục