Độc đáo Bạc Liêu

1
Độc đáo Bạc Liêu

Lòng Dân quyện chặt ý Đảng. Mạch ngầm đó kết nối không gian, xuyên suốt thời gian, mang lại sự độc đáo cùng nhiều thành tựu cho Bạc Liêu. 41 năm sau giải phóng, nhìn lại, càng cảm nhận rõ hơn sự độc đáo của Bạc Liêu.

1. “Trong những thời khắc lịch sử 23-8-1945 và 30-4-1975, quân dân Bạc Liêu đã có cách đánh, cách thắng độc đáo (buộc tỉnh trưởng phải giao chính quyền vô điều kiện). Hai lần giành lấy chính quyền về tay nhân dân không đổ máu”, tác giả Phạm Phương Thảo trong bài viết Kỳ vọng Bạc Liêu (Báo SGGP ngày 28-10-2015) đã nhận định như vậy. Lịch sử Bạc Liêu còn ghi rõ hai sự kiện quan trọng, vô cùng lý thú này. Vào 14 giờ ngày 23-8-1945, Tỉnh trưởng Bạc Liêu Trương Công Thiện mặc áo dài khăn đóng đến trụ sở Mặt trận Việt Minh tỉnh, hai tay run rẩy nâng bản đầu hàng vô điều kiện và bàn giao chính quyền cho Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Bạc Liêu. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Đại tá Tỉnh trưởng Bạc Liêu Nguyễn Ngọc Điệp buộc phải giao chính quyền cho cách mạng. Đến 16 giờ cùng ngày, Tỉnh trưởng Điệp cho xe đến Cầu Sập rước đoàn tiếp quản của ta vô thị xã Bạc Liêu.

30 năm dặm dài khói lửa, 2 cuộc chiến tranh, 2 lần giành chính quyền đều không cần một tiếng súng và không đổ máu. Lịch sử Bạc Liêu lặp lại thật kỳ diệu, độc đáo. Đó là kết quả từ sức mạnh lòng Dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; của thế trận tổng hợp chiến tranh nhân dân, tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam; của nghệ thuật nắm bắt cơ hội, khai thác, huy động lực lượng; của sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân; của truyền thống yêu nước từ những người nông dân nổi dậy giữ đất thời khẩn đất khi đối diện với thách thức, hiểm nguy…

Lòng Dân quyện chặt ý Đảng giúp nơi đây “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn/lấy chí nhân thay cường bạo”, giúp họ hóa giải, vượt thoát nghịch cảnh.

Đài tưởng niệm sự kiện Mậu Thân 1968 tại Bạc Liêu

2. Giữ nước chính là giữ dân vậy. Muốn giữ dân, một chính quyền phải thực sự vì dân. Kỳ tích trong hai cuộc chiến vẫn phát huy giá trị nhân văn trong hòa bình, chung tay xây dựng quê hương Bạc Liêu.

5 năm trong nhiệm kỳ vừa qua, một Bạc Liêu năng động, hấp dẫn, sung mãn sinh lực, cùng một không gian văn hóa mới, một vị thế mới đặc sắc, đầy tự hào đã xuất hiện. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ rõ: Kinh tế - xã hội có bước phát triển khá toàn diện. Tổng sản phẩm tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 12,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển khá cả về số lượng và chất lượng; lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% năm 2010 xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015...

Nông thôn, nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa luôn là đối tượng được đặc biệt quan tâm. Hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư sửa chữa, xây mới, nâng cấp trường học, trạm y tế, chợ, sửa lộ, xây cầu nông thôn… Rõ ràng, ẩn hiện trong đó là nghệ thuật khơi gợi, nuôi sức dân, tạo ra sức mạnh cả cộng đồng.

3. “Cơm no áo ấm nhờ ơn Đảng/ Độc lập, tự do nhớ Bác Hồ”. Tết Bính Thân 2016, như truyền thống nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân Bạc Liêu lập bàn thờ Bác Hồ. Mỗi tiết Thanh minh, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, nơi có hơn 4.000 phần mộ của các anh hùng liệt sĩ, người có công, khói nhang lại tỏa khắp, ấm áp trong nỗi nhớ ơn sâu sắc của thế hệ trẻ. Đi khắp Bạc Liêu, ở đâu cũng bắt gặp những tấm lòng người dân hướng về cách mạng. Hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng của Bạc Liêu là biểu tượng cho những tấm lòng son...

41 năm sau giải phóng, nhìn lại, “Bạc Liêu bây giờ không xa và không nghèo như trước. Vùng đất trẻ mà quật cường; người chân chất, bộc trực, dám nghĩ, dám làm, lịch lãm và anh tài không kém; quy mô kinh tế tuy còn nhỏ nhưng tầm nhìn không hạn hẹp, chất lượng của sự tăng trưởng, nguồn nhân lực cạnh tranh sẽ tạo nên bứt phá. Nội lực mạnh cùng với thu hút các nguồn lực đầu tư, kỳ vọng về một Bạc Liêu vươn lên mạnh giàu, đầy tự tin sẽ sớm trở thành hiện thực” (Kỳ vọng Bạc Liêu - Phạm Phương Thảo).

“Phải tiếp nối hành trình nhân văn ấy”, ông Võ Văn Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu có lần trải lòng.  “Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Bạc Liêu của chúng ta với truyền thống văn hóa dân tộc mang đậm hồn tính phương Nam, song hành cùng với công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp của tiền nhân, đã tạo nên bản sắc riêng độc đáo. Càng gian nan khốn khó, lại càng thấy điều nhân nghĩa đã hun đúc cho con người Bạc Liêu một ý chí lớn, một nghị lực phi thường để bươn trải trong cuộc sinh tồn của mình. Nơi miền đất trẻ phù sa này, bản sắc văn hóa thấm đẫm nghĩa nhân ấy đã tạo nên động lực tinh thần và sức mạnh nội sinh, giúp cha ông chúng ta chiến thắng muỗi mòng, thú dữ mà sinh cơ, lập nghiệp; chiến thắng thiên tai, địch họa và giặc ngoại xâm để giành và giữ nền độc lập... Rồi bản sắc văn hóa thấm đẫm nghĩa nhân ấy lại tắm tưới làm tươi mát tâm hồn bao thế hệ người Bạc Liêu, vun bồi cho mối cố kết cộng đồng ngày thêm bền chặt”, ông Võ Văn Dũng phân tích.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhưng có một điều luôn “bất biến”: Nhân dân, lực lượng quyết định mọi biến cố của lịch sử. Mạch ngầm đó kết nối không gian, xuyên suốt thời gian, mang lại nhiều thành tựu cho Bạc Liêu. Chữ “Dân” xuyên suốt đất này.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục