Đói ăn rau, đau cũng ăn rau

Đói ăn rau, đau cũng ăn rau

Nếu như trước đây, trong các buổi tiệc cao cấp, các món ăn nhiều đạm được coi là yếu tố thể hiện sự thịnh soạn và đẳng cấp của chủ tiệc thì nay, ăn rau - tiệc rau mới được xem là sành điệu. Một con số ấn tượng: mỗi tháng, chỉ riêng hệ thống siêu thị Co-op Mart đã bán ra 300 tấn rau an toàn!

Đói ăn rau, đau cũng ăn rau ảnh 1

Một bữa tiệc rau. Ảnh: TẤN VIỆT.

Bây giờ, các loại bông bí, bông mướp, bông so đũa, bông hẹ, bông lục bình, bông thiên lý... đã trở nên khá thân thuộc trên bàn ăn của mỗi gia đình.

Chưa kể các quán ăn thuộc “tuýp” đồng quê còn đưa đọt rau lang, đọt bầu, đọt nhãn lồng... vào thực đơn của bản quán. Từ khi đất nước mở cửa, các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu tung ra nhiều món rau bình dị và gọi là... đặc sản(!).

Khoai lang nướng, bầu luộc chấm mắm ngọt, cà tím nướng mỡ hành, đậu bắp chấm chao, gỏi ngó súng, gỏi thân cây chuối, nộm củ hủ dừa là những món mới lạ nhưng thân thuộc với những người xuất thân từ đồng ruộng.

Chỉ nội mùa lũ hàng năm, bông điên điển, bông súng, rau chóc (thứ ngày xưa chỉ dùng cho vịt ăn) được đưa về Sài Gòn tấp nập và trong thời buổi thừa mứa thịt cá, được nâng lên thành đặc sản.

“Tại nhiều nhà hàng từ 3 - 5 sao, rau đang là loại thực phẩm mời gọi thực khách Âu, Mỹ. Đây là thế mạnh của ẩm thực Việt”, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Nhà hàng cao cấp Wrap & Roll) cho biết. Chính nhờ nhận thức được rau là nguyên liệu giá trị nên chị Oanh đã chọn bán trên 50 món cuốn và hơn 2/3 trong số đó đều có rau xanh.

Gần đây, giới sành ăn rau vẫn nhắc chuyện đầu bếp Châu Tấn Hiệp – bếp trưởng của khách sạn Continental - “kéo quân” từ TPHCM lên Đà Lạt nấu tiệc đãi quan khách.

Sự tài hoa của một chuyên gia ẩm thực nổi tiếng như Châu Tấn Hiệp, cộng với hơn 20 loại rau và hoa, củ, quả của miền ôn đới đã làm nên một bữa tiệc rau đầy ấn tượng.

Tỷ như món ăn mà ngày thường ít ai để ý nhưng khi đưa vào bàn tiệc cao cấp thì ai ăn cũng xuýt xoa, đó là món “la ghim” luộc nóng bốc khói gồm: su hào, bông cải, khoai tây, cà rốt, củ dền... chấm với muối mè.

Thú vị nhất là các đầu bếp đã sử dụng màu tự nhiên của rau (không dùng màu hóa học) để tạo nên những sắc màu sống động, tinh khiết như màu tím than của bắp cải tím (Đà Lạt), màu trắng của bắp cải trắng, màu vàng mơn mởn của hạt bắp, màu xanh nhẹ của trái bơ vừa chín tới...

Bếp trưởng Nguyễn Ngọc Kha (Bông Sen Hotels JSC) khẳng định: “Từ một năm nay, lượng rau mà nhà bếp chúng tôi sử dụng khoảng 40 kg/ngày trong khi trước đó, chỉ có 10 kg”.

Khảo sát ngẫu nhiên của Đặc san SGGP Dương lịch trong một ngày đầu tháng 11-2006 cho thấy lượng rau, củ, quả về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đạt gần 2.000 tấn.

Ban Quản lý chợ cho biết, so với cách đây 3 năm, lượng rau về chợ mỗi ngày tăng gấp 5 lần, điều này chứng minh người dân TPHCM đã bắt đầu siêng ăn rau. Thời công nghiệp dễ sinh lắm bệnh tật, người giàu lại càng ăn rau nhiều hơn trước.

Nhức mỏi: dùng rễ, lá trái nhàu; Cảm cúm: ăn cháo nấu đậu xanh, hành lá; Yếu phổi: xà lách soong tiềm thuốc Bắc; Mất ngủ: củ sen hầm giò heo; Táo bón: mướp, đậu bắp nấu canh; Kiết lỵ: đọt xoài, đọt chùm ruột, lá ổi non; Tóc bạc: hà thủ ô...

Ngày xưa, người ta nói “đói ăn rau, đau uống thuốc” thiết tưởng nay cần bổ sung thêm một vế nữa vào câu ca dao trên, đó là: “Đói ăn rau, đau cũng nên ăn rau (kèm theo uống thuốc)”.

ANH - VIỆT - HẢI

Tin cùng chuyên mục