Đồng Tháp duy trì mục tiêu tăng trưởng

Mặc dù tình hình chung gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các cấp ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, mức tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm 2021 ở Đồng Tháp ước đạt 4,44%, cao hơn cùng kỳ năm trước.

Nông nghiệp tiếp tục tạo nền tảng 

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, sản xuất nông nghiệp từ đầu năm đến nay đạt nhiều kết quả tích cực; giá trị khu vực nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 20.521 tỷ đồng, tăng 2,76% so cùng kỳ.

Ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười); các mô hình HTX, tổ hợp tác và Hội quán nông dân đã đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp; đặc biệt là mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” mang lại kết quả cao.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh không ngừng đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, ứng dụng công nghệ mới để tưới tiết kiệm nước; đồng thời đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc; khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, phù hợp với thị trường.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, vụ đông xuân năm 2021 đạt hiệu quả cao. Giá trị sản xuất ước đạt 12.907 tỷ đồng, tăng 3,28% so cùng kỳ. Hiện nông dân trong tỉnh đã và đang thu hoạch hơn 187.000ha lúa hè thu, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha. Nhờ HTX và nông dân liên kết với doanh nghiệp sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cộng với ứng dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất, đã kéo giảm chi phí 109-145 đồng/kg so với cùng kỳ.

Giá lúa trên thị trường tương đối tốt do nhu cầu lương thực gia tăng, đảm bảo người nông dân có lãi. Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, khuyến khích nông dân luân canh lúa với trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày tại các vùng có điều kiện, phù hợp nhu cầu thị trường; các loại cây trồng chính gồm bắp, khoai lang, khoai môn, ớt, dưa hấu và rau dưa các loại. Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá bán một số hoa màu chủ lực tương đương so cùng kỳ, lợi nhuận tăng bình quân hơn 17 triệu đồng/ha. 

Đồng Tháp duy trì mục tiêu tăng trưởng ảnh 1 Nông dân ở Đồng Tháp thu hoạch vụ lúa hè thu

Mô hình Hội quán nông dân ở Đồng Tháp tiếp tục phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 111 hội quán đang hoạt động với 6.030 thành viên, có 27 HTX nông nghiệp thành lập từ 28 mô hình hội quán; có 178 HTX nông nghiệp với 28.800 thành viên.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được Đồng Tháp xác định là chương trình trọng tâm, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển. Hiện toàn tỉnh có 161 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao; đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận 4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; xúc tiến xây dựng phần mềm giúp đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. 

Lo đầu ra cho nông sản 

Ngoài những kết quả đạt được, gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài khiến nhiều nông dân khó khăn trong tiêu thụ nông sản, giá sụt giảm. Ông Huỳnh Hữu Phúc, ngụ xã Tân Thành (huyện Lai Vung), cho biết: “Trước đây quýt đường giá 20.000-25.000 đồng/kg trở lên, nay còn khoảng 15.000 đồng/kg; cam từ 12.000-15.000 đồng/kg, cũng giảm còn 8.000 đồng/kg, nguyên nhân do dịch Covid-19 nên thương lái ít thu mua”. 

Tại vùng chuyên canh nhãn gần 800ha ở huyện Châu Thành cũng đang thu hoạch nhưng việc tiêu thụ chậm do thực hiện giãn cách xã hội. Giải quyết việc này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng Sở NN-PTNT và Sở Công thương vừa làm việc với huyện Châu Thành tìm cách tháo gỡ. Các hộ dân ở huyện Châu Thành cho biết, lâu nay mỗi kỳ thu hoạch bán nhãn cho thương lái đến thu mua tận vườn; những hộ thành viên HTX thì có doanh nghiệp mua; nay ảnh hưởng dịch bệnh khiến tiêu thụ gặp trở ngại.

Trước tình hình này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu chính quyền địa phương, các HTX, nông dân nhanh chóng thay đổi phương thức tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh. Nghiên cứu từ kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang để học hỏi, áp dụng với nhãn Châu Thành và những loại nông sản khác của tỉnh.

Theo đó, huyện nhanh chóng rà soát chi tiết về số lượng, phân bổ thời điểm thu hoạch và tìm hiểu yêu cầu của đối tác tiêu thụ về chất lượng nhãn để phân loại, cung ứng phù hợp. Có giải pháp hỗ trợ bà con thu hoạch nhưng đảm bảo phòng chống dịch an toàn. Đối với các sở ngành cấp tỉnh cần tăng cường quảng bá sản phẩm nhãn Châu Thành, đẩy mạnh thương mại điện tử và thiết lập nhiều kênh phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ. 

Mới đây, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, đề nghị nhanh chóng thống kê sản lượng nông sản các loại sắp thu hoạch và cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Các địa phương cần có số liệu cụ thể từng loại nông sản, vùng nguyên liệu nhằm kết nối với doanh nghiệp hoặc đầu mối thu mua; cách tổ chức sản xuất, thu hoạch, mua bán phải đảm bảo phòng chống dịch Covid-19; quản lý tốt các phương tiện vận chuyển và thương lái.

“UBND tỉnh yêu cầu ngành chuyên môn, các huyện cập nhật kịp thời tình hình sản xuất, nhu cầu liên kết tiêu thụ nông sản thông qua việc thống kê sản lượng dự kiến thu hoạch trong vụ hè thu, thu đông; triển khai các giải pháp kết nối kênh phân phối (như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản) để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Xây dựng bản đồ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các ngành hàng chủ lực”, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Tin cùng chuyên mục