
Một trung tâm nghề cá lớn đầu tiên cả nước sẽ được xây dựng vào năm 2016. Đây là dự án đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của nghề khai thác thủy hải sản Việt Nam.
Từ nhu cầu thực tế
Việt Nam có thế mạnh về đánh bắt khai thác hải sản trên biển xa cũng như gần bờ, nhưng nghịch lý là đến nay cả nước chưa có một trung tâm nghề cá đúng nghĩa, quy mô như các nước trong khu vực đang làm. Chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của ngành hải sản và ảnh hưởng trực tiếp đến những lao động trong lĩnh vực. Từ bao đời nay, nghề biển gắn với hàng triệu ngư dân sống dọc ven biển cả nước, góp phần không nhỏ tạo nên tiếng vang cho thương hiệu hải sản Việt Nam. Có điều, nguồn thu của ngư dân ngày một bấp bênh, giảm sút nên nghề biển có nhiều thăng trầm.
Thực tế, mỗi con cá đánh bắt được, ngư dân phải vật lộn với vạn khó khăn giữa biển cả mênh mông. Tàu cập bờ, ngư dân lại nơm nớp lo chuyện khó bán hải sản. Cái khó ở đây là làm thế nào để bán được với giá phù hợp, không bị ép giá. Nhưng từ trước đến nay, mong mỏi này của ngư dân chưa được giải đáp, họ vẫn là bộ phận nắm đầu chuôi nên chưa bao giờ định đoạt được giá bán cá do mình làm ra.
Cá ngừ đại dương là một thương hiệu lớn của hải sản Việt Nam. Trong những năm gần đây, loại cá này luôn biến động về giá. Giá cá ngừ có khi bán tới 250.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc chỉ còn 45.000 đồng/kg, bằng một ký cá nục đánh bắt gần bờ. Nguyên nhân chính là do bị ép giá. Ngư dân Mai Thành Phúc, Đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn cho biết, có hơn 40 năm gắn bó với Trường Sa nhưng chưa bao giờ ông định đoạt được giá bán cá khi tàu cập bờ.
Theo ông Phúc, trước đây, các thương lái thu mua cá đếm trên đầu ngón tay. Theo thời gian, nghề thu mua hải sản dễ kiếm tiền, không rủi ro như ngư dân nên nhiều thương lái xuất hiện khiến thị trường rối loạn. Ban đầu, để giành mối họ mua với giá cao, không chê cá, nhưng khi có được thị trường họ quay lưng thao túng giá. Nghiêm trọng hơn khi hiện nay các chủ nậu bắt tay với nhau thống nhất giá thu mua nên ngư dân không có sự lựa chọn để bán.
Chờ bước đột phá
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp với UBND tỉnh Khánh Hòa để cụ thể hóa việc xây dựng Trung tâm nghề cá lớn (TTNCL). Theo tỉnh Khánh Hòa, vị trí xây dựng TTNCL tại cảng cá Đá Bạc, thành phố Cam Ranh và đã được Chính phủ đồng ý. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, Khánh Hòa hội tụ đủ các yếu tố để xây dựng TTNCL và được thiết kế có mô hình tương tự cảng cá Busan (Hàn Quốc). Đây là một trong những cảng cá hiện đại và bảo đảm yếu tố môi trường nhất châu Á hiện nay. Về diện tích, cảng cá Busan tương đương với TTNCL tại Khánh Hòa, khoảng 46ha; trong đó diện tích mặt đất hơn 15ha, còn lại là mặt nước; có tổng vốn đấu tư 1.564 tỷ đồng, được huy động vốn từ nguồn vốn mục tiêu trung ương, vốn ODA, ngân sách đại phương và vốn xã hội hóa. Sau khi hoàn thành, dự án không chỉ trở thành nơi giao thương hải sản trong nước, mà còn được kỳ vọng trở thành trung tâm xuất nhập khẩu hải sản quy mô khu vực.

VĂN NGỌC
Các tin, bài viết khác
- Hội thảo “Báo Đảng địa phương với xu hướng truyền thông đa phương tiện”
- Tất tả gửi trẻ ngày hè
- Cẩn trọng với cây hồ tiêu
- Đồng Nai: Bất an với nạn rải đinh
- Cứu 38 ngư dân gặp nạn trên biển
- Tây Ninh: Phát hiện nhiều vụ bơm nước vào trâu, bò
- Quy hoạch du lịch tại đảo Lý Sơn: Coi chừng “vỡ” đảo
- Hồ đập khô cạn, sông ngập mặn đe dọa vụ hè thu
- Bình Thuận: 8 công trình cấp nước ngưng hoạt động
- Dẫn vốn vào nông nghiệp