Dự án đường song hành xa lộ Hà Nội - Chậm ngày nào dân khổ ngày đó

Trên tuyến xa lộ Hà Nội đã xảy ra những vụ kẹt xe nhiều giờ liền, cho thấy yêu cầu nâng cấp, mở rộng đường này là cấp bách. Thế nhưng dự án mở rộng đường song hành xa lộ Hà Nội vẫn… chưa biết ngày hoàn thành.
Dự án đường song hành xa lộ Hà Nội - Chậm ngày nào dân khổ ngày đó

Trên tuyến xa lộ Hà Nội đã xảy ra những vụ kẹt xe nhiều giờ liền, cho thấy yêu cầu nâng cấp, mở rộng đường này là cấp bách. Thế nhưng dự án mở rộng đường song hành xa lộ Hà Nội vẫn… chưa biết ngày hoàn thành.

Công trình hành dân

Xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông TPHCM, qua các quận 2, 9 và Thủ Đức, có lưu lượng giao thông lớn nên thường xuyên tắc đường. Để giải quyết nạn kẹt xe, năm 2010 dự án nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư đã được triển khai. Tuy nhiên đến nay dự án này vẫn còn ngổn ngang gây ảnh hưởng đến lưu thông và cuộc sống, sinh hoạt của dân cư ngụ hai bên đường.

Từ thông tin của bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo SGGP đã đến hiện trường gói thầu dự án đường song hành xa lộ Hà Nội, đoạn qua phường Hiệp Phú (quận 9). Bảng thông báo về công trình ghi rõ công trình khởi công tháng 12-2013, hoàn thành sau 14 tháng thi công. Như vậy thời hạn hoàn thành công trình chỉ còn tính từng ngày, nhưng thực tế toàn bộ tuyến đường vẫn đang trong tình trạng thi công nham nhở. Máy móc thiết bị, vật tư thi công nằm ngổn ngang. Tuyến đường bị cắt khúc ra nhiều đoạn ngắn, các đoạn cách nhau một căn nhà chưa giải tỏa.

Ngay bên công trình dang dở, nhà cửa của người dân nằm chênh vênh. Nhiều nhà phải đóng cửa đi ở nơi khác vì hố sâu trước nhà không thể vào ra. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu treo bảng dừng kinh doanh. Đã hơn một năm qua, hàng trăm hộ dân sống bên công trình vừa khó khăn trong việc đi lại, vừa không có thu nhập, cuộc sống khốn khổ.

Nhà cửa của người dân chênh vênh bên công trình dang dở.

Anh Nguyễn Đình Tiến (ở nhà số 772, khu phố 3, phường Hiệp Phú) bức xúc: “Nguồn thu nhập của gia đình trông vào quầy bán nước, tạp hóa nhưng từ khi đơn vị thi công đào đất làm đường, việc buôn bán đình trệ vì khách hàng không có đường vào, thu nhập giảm sút, khó cầm cự được lâu nữa”. Không riêng gia đình anh Tiến, nhiều hộ dân ở đây cũng rơi vào tình cảnh lắt lay chờ ngày công trình hoàn thành.

Anh Phạm Quốc Thái (ở nhà số 774) cho biết thêm: “Công trình thi công kéo dài nên việc đi lại của người dân khó khăn, buôn bán ế ẩm, nhưng không được chủ đầu tư, chính quyền quan tâm đến”. Nhà anh Thái còn may mắn vì hố trước nhà không sâu, vẫn có thể vào nhà, chứ nhiều nhà không có lối vào, đành phải thuê nơi khác ở tạm, cuộc sống đã khó lại càng khó hơn.

Không chỉ người dân phường Hiệp Phú, người dân ở nhiều nơi trên tuyến xa lộ Hà Nội cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Công trình thi công kéo dài còn hình thành nhiều điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến đường huyết mạch này. Người đi xe máy phải lo ngại khi đi qua đoạn Khu du lịch Suối Tiên hay vòng xoay nút giao thông Đại học Quốc gia TPHCM vì đường xấu, thường xảy ra tai nạn.

Cần có biện pháp chế tài

Dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội là công trình lớn, nhưng thi công quá chậm đã gây ra nhiều hệ lụy. Vì sao công kéo dài, gây khó khăn cho người dân? Trả lời PV Báo SGGP, ông Mai Phước Đạt, Chỉ huy trưởng công trình gói thầu ở khu vực phường Hiệp Phú, cho biết: “Đơn vị thi công đã tập trung máy móc, thiết bị và tổ chức thi công đúng cam kết với chủ đầu tư. Nhưng công trình buộc phải kéo dài thời gian vì do chủ đầu tư chỉ giao mặt bằng từng khúc, nên việc thi công bị ngắt đoạn, không nối kết. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa xong. Công trình ngưng trệ không chỉ làm người dân khó khăn, mà đơn vị thi công cũng bị thiệt hại do máy móc, vật tư hư hỏng, công nhân không có việc làm”.

Ngoài ra, còn có một lý do khác cần phải làm rõ, đó là thái độ thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo dự toán, công trình có tổng vốn 2.286 tỷ đồng nhưng chưa tính đến lãi vay trong quá trình thi công cũng như thuế VAT. Trong khi nguồn vốn chính để đầu tư là vốn vay ngân hàng, chứ không phải vốn tự có của CII. Những chi phí đầu tư cho dự án từ nguồn vay đầu tư, phí quản lý, thuế và tiền lãi vay trong quá trình thực hiện cũng được tính vào tổng kinh phí đầu tư. Nguồn kinh phí đầu tư lớn thì thời gian thu phí càng kéo dài.

Chính vì không chịu áp lực về lãi suất ngân hàng nên công ty có thể kéo dài thời gian thi công mà không bị ảnh hưởng. Đây là lý do chủ đầu tư không sốt sắng trong việc đôn đốc giải phóng mặt bằng, thi công nhanh. Để hóa giải vấn nạn này, TP cần có biện pháp chế tài buộc CII thi công đúng thời hạn. Về lâu dài, đối với công trình trọng điểm, TP cần tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để tránh tình trạng thi công kéo dài như hiện tại.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục