Con số tăng trưởng lượng khách đạt tới gần 30% là mơ ước của nhiều nước nhưng khách du lịch đến Việt Nam vẫn có thể đạt được 30% thậm chí 50% nếu chúng ta có nguồn lực đủ mạnh- đây là khẳng định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại buổi tọa đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, được tổ chức sáng 9-6 tại Hà Nội.
Theo ông Vũ Thế Bình, chỉ tiêu đưa ra 13 triệu lượt khách quốc tế, trong năm 2017 thực sự là con số khá nặng nề. Tăng 30% lượng khách du lịch quốc tế một năm là con sơ mơ ước của nhiều nước. Nhưng chúng ta có thể làm được 30% thậm chí 50% nếu có nguồn lực mạnh mẽ- ông Bình nhấn mạnh.
Tiếc rằng chúng ta lại chưa có nguồn lực như vậy, ngay cả việc miễn visa, một trong những động lực để hút khách quốc tế, cũng rất dè xẻn khi chỉ tiếp tục cho kéo dài một năm- ông Bình nói. Visa điện tử cũng rất tốt, trong 4 tháng mới chỉ thu hút được 22.000 lượt, nhưng chúng ta cần 13 triệu khách? Vì thế cần phải có điểm nhấn để tạo nên sức bật mới cho du lịch, cho nên một lần nữa việc đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động lại nổi lên như một trong những đòi hỏi tất yếu để góp phần đưa du lịch theo hướng tăng trưởng bền vững.
Xung quanh vấn đề Quỹ, đại diện Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhấn mạnh việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là cần thiết với mục đích để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam trên thế giới. Ở Việt Nam, ngân sách dành cho xúc tiến du lịch hiện nay rất thấp. Hàng năm kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam trung bình là 2 triệu USD, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Vì vậy, tại sao thay vì chỉ ngồi đợi nguồn tiền của Nhà nước chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm nguồn thu của Quỹ từ các nước có nền du lịch phát triển.
Theo ông Phạm Mạnh Cương, Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thì nguồn hình thành quỹ xúc tiến du lịch của các nước/ các điểm đến du lịch trên thế giới là khá phổ biến.
Tại Hoa Kỳ theo đạo luật Xúc tiến Du lịch năm 2009 thì công dân đến từ 36 quốc gia nằm trong diện miễn thị thực của Hoa Kỳ sẽ phải nộp lệ phí xét duyệt miễn thị thực là 14$ khi đăng ký thông qua hệ thống điện tử cấp phép du lịch (ESTA) (trong đó sẽ trích ra 10$ để dành cho hoạt động xúc tiến du lịch của Hoa Kỳ).
Tại các nước châu Âu, từ 1-7-2016, một loạt các nước châu Âu cũng đồng loạt áp dụng thuế lưu trú đối với khách du lịch. Mức thu sẽ do từng quốc gia đưa ra. Tất cả đều dựa trên số đêm lưu trú của khách du lịch, dựa trên từng hạng khách sạn tại quốc gia đó.
Cụ thể, tại Áo: khách du lịch sẽ phải trả thuế lưu trú dao động trong khoảng 0.15 EUR- 2.18 EUR/ người/ đêm tùy theo từng vùng. Tại Bỉ, mức thuế lưu trú cũng được áp dụng theo từng thành phố. Tại Pháp, mức thuế áp dụng cho khách du lịch dựa trên chất lượng và thứ hạng của cơ sở lưu trú và giao động từ 0.2 EUR – 4 EUR/ người/ đêm…
Việc áp dụng mức thu phí/ thuế đối với khách du lịch và khoản thu này được sử dụng để tái đầu tư cho du lịch có thể thấy ở nhiều quốc gia. Vì thế, đối với các nguồn hình thành Quỹ trong Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề nghị bổ sung thêm “nguồn thu từ khách du lịch”- ông Cương đề xuất.
Tự nguyện xếp hạng sao của các cơ sở lưu trú là văn minh!
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về các nội dung liên quan đến nội dung xếp hạng cơ sở lưu trú cho các DN tình nguyện đăng ký xếp hạng hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động? Trong đó, đa phần các ý kiến đề nghị cho rằng không nên bắt buộc các DN lưu trú đăng ký xếp hạng "sao". Bởi lẽ, Dự thảo Luật đã có quy định tiêu chuẩn tối thiểu để cơ sở lưu trú được đón khách du lịch.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Trọng Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho rằng, nếu khách sạn thấp "sao" nhưng khách đông do dịch vụ tốt thì DN không cần hoặc không muốn nâng hạng "sao" khiến du khách có tâm lý e ngại vì hạng "sao" cao hơn thường đi kèm với giá phòng và dịch vụ tăng lên.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Đài - Tổng Giám đốc Công ty APT Travel đưa ra quan điểm: "Tôi đồng ý với quan điểm các cơ sở lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng nhưng cần ghi rõ trong Luật khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong "sao" để tránh việc cơ sở lưu trú có thể lợi dụng để quảng cáo sai sự thật hoặc lừa khách hàng vì du khách có thể chưa biết về khách sạn này".
Cùng với đó, các đại biểu cũng bàn luận về các nội dung liên quan đến quy định cả 3 loại hình lữ hành: Nội địa, inbound, outbound đều phải có giấy phép; Điều kiện cấp Giấy phép là bỏ yêu cầu mọi DN phải có 3 hướng dẫn viên, thay Giấy xác nhận kinh nghiệm công tác của người phụ trách lữ hành bằng giấy Chứng nhận nghiệp vụ lữ hành. Điều kiện hành nghề đối với Hướng dẫn viên quốc tế và nội địa phải như thế nào mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn…
Đánh giá về dự thảo Luật Du lịch, ông Vũ Thế Bình nhận định: Dự thảo vẫn giữ được các nội dung cơ bản của Luật Du lịch 2005, đồng thời cập nhật, bổ sung một số nội dung mới, phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay. Nội dung Luật đã bao quát toàn bộ các hoạt động của ngành, tiếp thu được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 08. Khi triển khai, Luật sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, thực sự trở trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.