Đã gần 7 năm, là người khởi xướng xây dựng những công trình tưởng niệm tri ân, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vẫn thường xuyên vào Quảng Trị. Nhưng cùng chuyến đi với ông dịp giáp tết năm 2011 này là đông người nhất. Xe đến trước, xe đến sau, nhưng chúng tôi hẹn nơi hội tụ là khách sạn Hữu Nghị, thành phố Đông Hà. Riêng xe chở giới tăng ni, phật tử thì nghỉ ở huyện lỵ Gio Linh cho thuận với công việc của nhà Phật. Sáng hôm sau, chúng tôi đến cao điểm 31.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cao điểm 31 có một vị trí rất quan trọng, được coi là “mắt thần phía Đông” trong hệ thống hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra. Do vị trí chiến lược của nó mà Mỹ đã xây dựng căn cứ ở cao điểm này gồm một tiểu đoàn bộ binh và một đại đội pháo binh. Nơi đây đã diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt của quân giải phóng và nhân dân Gio Linh với quân đội Mỹ. Đặc biệt từ ngày 10 đến 12-3-1968, Tiểu đoàn 3 (đơn vị chủ công) của Trung đoàn 27, mặt trận B5 đã chiến đấu quyết liệt với hai tiểu đoàn địch, diệt hàng trăm tên. Về phía ta, riêng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 có 93 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vốn là một chiến sĩ của Trung đoàn 27, mặt trận B5. Từ lâu anh đã mang ý tưởng xây dựng trên đồi 31 một nhà tưởng niệm các anh hùng - liệt sĩ, từng là đồng đội của anh. Nhưng phải đến lúc ý tưởng nơi anh bắt gặp sự phát tâm đồng điệu của Lê Văn Tuấn thì việc mới thành.
Lê Văn Tuấn quê thôn Bồ La, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cá nhân Lê Văn Tuấn và Công ty cổ phần Thanh Bình đã tài trợ kinh phí, anh còn vận động các nhà hảo tâm khác, cùng công sức của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Gio Linh, cán bộ, nhân dân xã Gio Mỹ xây dựng nên nhà tưởng niệm này.
Công trình khởi công ngày 25-4-2010. Mặc dù phải tập kết vật liệu từ dưới chân lên đỉnh đồi khá vất vả, nhưng đến cuối tháng 12 công trình đã hoàn thành để rồi hôm nay, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cùng Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng và chúng tôi tổ chức lễ cắt băng khánh thành.
Sau lễ khánh thành, Nguyễn Huy Hiệu tâm sự: Hồi chiến tranh quả đồi này bị bom đạn cày đi xới lại nhiều lần, cỏ không kịp mọc, chỉ sót lại vài bụi dứa dại, mấy cụm gốc tre gai bầm giập trên nền cát trắng phau. Giờ đây quả đồi đã được nhân dân xã Gio Mỹ phủ xanh bằng những cây keo, cây bạch đàn. Ngôi nhà tưởng niệm ngự trang nghiêm trên đỉnh đồi. Đứng đây có thể nhìn thấy Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt… là những địa danh nổi tiếng về sự khốc liệt thời chiến tranh.
Buổi chiều và buổi tối, các tăng ni, phật tử tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng - liệt sĩ tại ngôi đình thôn Gia Bình. Thời chiến tranh, thôn Gia Bình là một trong những điểm nóng về quân sự Bắc Quảng Trị. Bộ mặt thực nhất của chiến tranh đã hiện hình ở đây. Thôn có một ngôi đình cổ, bên sân đình có một cây đa và một cái giếng nước xây bằng đá. Thế đất thôn Gia Bình khá cao, mùa khô tất cả những cái giếng trong thôn hết nước thì cái giếng cổ của ngôi đình nước vẫn còn vì có một khe suối chảy qua. Những năm khốc liệt của chiến tranh, hầu hết dân Gia Bình đã dạt lên rừng hoặc ra Bắc, chỉ còn rất ít người trụ lại, cái giếng gần như bỏ hoang, cỏ mọc chườm ra mặt nước. Cứ sau mỗi trận đánh, đơn vị anh Nguyễn Huy Hiệu lại đưa thi hài liệt sĩ về đây múc nước giếng lên tắm rửa cho họ rồi mới mai táng. Thương binh thì mổ xẻ, băng bó, lau rửa vết thương ngay trong những căn hầm nơi có các bụi tre gần đấy.
Trên cây đa có một chòi quan sát của pháo binh. Từ đây những người lính Trung đoàn 27 có thể quét ống kính về phía Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cửa Việt, thị trấn Gio Linh, Cam Lộ… Đến một ngày địch phát hiện ra cái chòi quan sát lợi hại nơi cây đa, chúng nã pháo liên tục suốt ngày đêm. Rồi chúng đưa lính về càn quét. Các chiến sĩ quân giải phóng đã chiến đấu dũng cảm đến viên đạn cuối cùng. Chiến sĩ Cao Như Thiêm bị thương, bị chúng bắt tra tấn dã man, nhưng anh quyết không khai báo, chúng trói vào gốc đa xử tử. Cao Như Thiêm hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam nhất định thắng!”. Và anh đã anh dũng hy sinh. Năm 2010, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cây đa to hai vòng tay người ôm đã bị bom đạn chẻ nát ra, ngã gục. Ngôi đình bị san phẳng. Cái giếng bị vùi lấp không còn dấu tích.
Năm 1998, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu có dịp trở lại nơi đình cũ, anh cứ bâng khuâng vì nơi đây không còn một dấu tích gì. Anh cùng đồng đội trồng cây đa búp đỏ trên nền cây đa cũ, sau đó tặng cho thôn Gia Bình 5 triệu đồng để khôi phục giếng cũ. Mấy tháng sau, anh Hiệu cùng Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình trở lại khởi công xây ngôi nhà và dựng bia tưởng niệm. Công ty Thanh Bình là đơn vị tài trợ chính. Lê Văn Tuấn còn mời một số doanh nhân bạn bè cùng góp thêm để hoàn thiện công trình. Bây giờ khu tưởng niệm này trở thành một nơi có rất nhiều khách du lịch viếng thăm, hương khói.
Vừa từ Quảng Trị về được 2 ngày, nhằm sáng mồng một Tết Dương lịch, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lại rủ tôi du xuân hướng Tam Điệp - Bỉm Sơn, nơi có đại bản doanh Quân đoàn I mà trước đây anh từng có 7 năm giữ cương vị tư lệnh. Nhưng hôm nay chúng tôi dành nhiều thời gian xuống Sư đoàn 390. Anh Hiệu cũng từng giữ cương vị Sư đoàn trưởng Sư 390 tới gần 8 năm.
Sư đoàn 390, trước đây còn có tên gọi Đại đoàn Đồng Bằng, được thành lập ngày 16-1-1951 tại đình Móng Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Sự ra đời của Đại đoàn Đồng Bằng đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 1951 – 1954, Đại đoàn Đồng Bằng đã tham gia 9 chiến dịch lớn, đánh hơn 400 trận, góp phần cùng toàn quân, toàn dân kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Với yêu cầu của tình hình mới, ngày 23-8-1965, Đại đoàn Đồng Bằng được biên chế thành 2 sư đoàn (320A và 320B). Sư đoàn 320A có nhiệm vụ trực tiếp cơ động chiến đấu trên các chiến trường. Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) có nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường để bổ sung lực lượng cho các chiến trường miền Nam.
Năm 1972, Sư đoàn 320B đã cùng với các đơn vị bạn tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, trực tiếp chiến đấu hàng ngàn trận lớn, nhỏ, từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Ái Tử… đến Hải Lăng, Cửa Việt và đỉnh cao là 81 ngày đêm kiên cường chốt giữ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Nằm trong đội hình Quân đoàn I, sư đoàn đã hành quân thần tốc, đảm nhiệm mũi tiến công chủ yếu của quân đoàn, mũi tiến công thọc sâu từ Lái Thiêu, theo trục đường 13 đập tan tuyến tử thủ Bắc Sài Gòn, đánh chiếm Lục quân công xưởng Gò Vấp, Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp quân ngụy, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa, cùng các mũi tiến công đánh chiếm các mục tiêu bên trong, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nơi đóng quân của Sư đoàn bộ là một sườn đồi thấp thuộc khu vực thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, dưới chân dãy Tam Điệp. Bên cạnh Sư đoàn bộ có hồ Bến Quân lịch sử. Cách đây hơn 300 năm, đội quân bách chiến bách thắng của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ trong cuộc hành quân thần tốc ra giải phóng Thăng Long mùa xuân 1789, đã dừng chân ở đây dưỡng sức, củng cố lực lượng. Những người lính Tây Sơn thường luyện quân ở đây nên gọi là hồ Bến Quân.
Nguyễn Huy Hiệu giữ cương vị Sư đoàn trưởng 390 vào thời gian chiến tranh vừa đi qua, thương tích còn hằn trên thân thể đất nước. Nơi đâu cũng núi hoang đồi cháy, hố bom đạn nham nhở. Sư đoàn trưởng trẻ tuổi Nguyễn Huy Hiệu cùng đồng đội bước vào công cuộc khôi phục, xây dựng, hàn gắn lại những vết thương. Ngoài công việc huấn luyện, chỉnh quân, sư đoàn còn đi tiên phong trong phong trào “Màu xanh đồng bằng”.
Vốn là người yêu thiên nhiên từ nhỏ, lại đã từng chiến đấu nhiều năm trên những vùng cát trắng bom đạn cày xới, nóng như rang ở chiến trường Quảng Trị, Nguyễn Huy Hiệu thấm thía tận cùng về giá trị của màu xanh. Hơn 600 ha đồi hoang đã được cán bộ chiến sĩ sư đoàn cải tạo, trồng mới những cây xanh vừa có giá trị phủ bóng mát vừa có giá trị kinh tế. Quả đồi cạnh Sư đoàn bộ thì Nguyễn Huy Hiệu cho trồng mới và bảo vệ gần 40 ha rừng dẻ tái sinh. Tình yêu của những người lính với thiên nhiên đã gọi rất nhiều loài chim bay về trú ngụ.
Căn phòng Nguyễn Huy Hiệu ở bao giờ cũng có những giò phong lan rừng, hoa giấy, hoa dạ hương đâm bông. Anh Hiệu còn chỉ đạo mở những ngôi “làng đồng bằng”, cho những cán bộ chiến sĩ có nhu cầu làm nhà ở của gia đình, vợ con. Tam Điệp thì có “Làng Quyết Thắng”, Bỉm Sơn thì có “Làng Đồng Bằng”. Nơi đồi hoang trở thành nơi quần tụ sầm uất. Bây giờ hai “làng” ấy trở thành những dãy phố xinh xắn của thị xã Tam Điệp và thị xã Bỉm Sơn.
Vốn là người yêu văn học, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu rất tâm đắc về việc Sư đoàn 390 từng là nơi “phát tiết”, nơi “sinh thành” ra những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Cao Tiến Lê… Tài năng là của các nhà văn, nhưng không thể không nói đến cái “linh khí sư đoàn” đã góp phần hun đúc và dung dưỡng tài năng của họ.
Du xuân cùng vị tướng trận mạc tôi càng hiểu đất, hiểu người, càng thêm yêu đất nước quê hương, nơi đã thắm máu bao đồng bào, đồng chí, đồng đội
Cuối năm 2010
Bút ký của LÊ HOÀI NAM