Đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường, tiếp cận với người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn. 

Khách hàng tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP tại triển lãm
Khách hàng tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP tại triển lãm

Mỗi ngày, Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc cung ứng ra thị trường khoảng 500kg xà lách thủy canh, rau mùi tây,... chủ yếu bán ở các chuỗi siêu thị MM Mega market, BigC,...

Theo bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc, siêu thị là một kênh phân phối giúp quảng bá thương hiệu và sản phẩm đến người tiêu dùng một cách rộng rãi và dễ dàng nhất. Vì thế, người nông dân phải cố bám trụ và tìm những chính sách phù hợp để sản phẩm của mình có thể cạnh tranh và được trưng bày trong siêu thị ở những vị trí thuận lợi nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu nhiều sức ép trong cuộc chiến giành thị phần: bị ép giá, chiếm dụng vốn,...

Mỗi ngày Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc cung ứng ra thị trường khoảng 500kg xà lách thủy canh, rau mùi tây,... chủ yếu bán ở các chuỗi siêu thị MM Mega market, BigC,...
“Những mặt hàng vào được siêu thị phải là những mặt hàng đến từ những nhà cung cấp nổi trội nhất, đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã, giá cả và năng lực cung ứng. Họ chú trọng những sản phẩm có chỉ dẫn địa lý rõ ràng thay vì mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chỉ dựa vào cảm quan và kinh nghiệm để đánh giá”, bà Cúc cho biết.

Theo anh Bùi Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH mắm Hồng Hương, xác định được những điểm yếu của làng nghề, anh Phú bắt đầu nghiên cứu để sản xuất nước mắm ở quy mô lớn, đầu tư bài bản và quản lý có hệ thống, nghiên cứu để đưa ra những mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, nhưng vẫn tuyệt đối trung thành với chất lượng sản phẩm, tính nguyên chất của sản phẩm nước mắm Nam Ô. Ở khâu thương mại hóa sản phẩm, anh Phú tranh thủ mọi phương thức nhưng chú trọng bán hàng qua kênh online. Đến nay, sản phẩm đã có mặt tại nhiều cửa hàng bán lẻ, siêu thị đặc sản tại Đà Nẵng, các thành phố lớn và nhiều địa phương trong cả nước.

Gian hàng của Công ty TNHH mắm Hồng Hương
“Những đối tượng của kênh bán hàng online thường là những khách hàng trẻ tuổi trong khi đơn vị muốn hướng đến những khách hàng lớn tuổi - những người kiểm chứng những sản phẩm mang tính truyền thống lúc bấy giờ. Thông qua đó họ có thể giúp chúng tôi quảng bá tiếp cận nhiều với những đối tường khác”, anh Bùi Thanh Phú chia sẻ.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của chương trình mỗi xã một sản phẩm là quy mô còn nhỏ lẻ nên việc tìm chỗ đứng trên thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thị trường để tiêu thụ cũng là vấn đề cần lưu tâm vì mỗi sản phẩm đặc trưng sẽ có một đối tượng chính để hướng đến. Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị liên quan đang triển khai chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để sản phẩm thuộc chương trình này có thể mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đúng nhà phân phối.  

Chương trình kết nối hàng Việt – OCOP Đà Nẵng 2020 là một trong những hoạt động nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại của các đơn vị doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã… ở các tỉnh, thành phố sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, mục tiêu của hoạt động xúc tiến là quảng bá các sản phẩm OCOP, kết nối sản phẩm với chuỗi bán lẻ hiện đại để đưa các sản phẩm này vào hệ thống phân phối, bán lẻ quy mô lớn như: Siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm chất lượng cao, thực phẩm sạch… nhằm tạo cơ hội cho nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ của các địa phương khởi động việc tiêu thụ nông sản.

Ngành Công thương Đà Nẵng thường xuyên tổ chức triển khai các hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp như: Chương trình kết nối cung cầu – Đà Nẵng 2020 trong khuôn khổ hội chợ EWEC Đà Nẵng 2020; Hội chợ hàng Việt – Đà Nẵng 2020; chương trình bán hàng khuyến mãi kích cầu mua sắm tại Sơn Trà, Liên Chiểu, chương trình Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam vào dịp cuối năm. Tất cả các chương trình này được kỳ vọng sẽ góp phần thức đẩy khách hàng đến với doanh nhiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động kinh doanh sản xuất.

“Các chương trình này sẽ đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại của đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã,... các tỉnh thành sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19, giúp các đơn vị tiếp cận môi trường trực tuyến, tạo kênh tiêu thụ mới để mở rộng hoạt động kinh doanh nhất là sản phẩm tham gia chương trình OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền,...”, ông Bắc cho hay.

Chương trình xúc tiến, hoạt động ký kết hợp tác giữa nhà phân phối và đơn vị sản xuất đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình đẩy mạnh hoạt động thương mại của đơn vị

Theo bà Lê Viêt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), việc triển khai chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm giúp tăng cường các hoạt động liên kết vùng miền, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tiêu thụ hàng hoá giữa doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối thành phố Đà Nẵng và các tỉnh thành khác. Đặc biệt, chia sẻ các đề xuất giải pháp kết nối tiêu thụ và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng.

Tin cùng chuyên mục