Giảm hay không giảm thuế VAT mặt hàng phân bón

Đừng để nông dân thiệt thòi

Đừng để nông dân thiệt thòi

Giá phân bón vẫn liên tục tăng cao. Trong khi 5 bộ, ngành liên quan (Bộ Nông nghiệp-PTNT, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Hội Nông dân, Hiệp hội Phân bón) đều nhất trí kiến nghị giảm thuế VAT mặt hàng phân bón xuống bằng 0%, thì Bộ Tài chính lại không tán thành.

  • Công thức 1 urê 2 thóc có còn phù hợp?

Trong Công văn số 2614/BTC đề ngày 17-3-2005 gửi Hiệp hội Phân bón Việt Nam (do Thứ trưởng Trần Văn Tá ký), Bộ Tài chính nêu rõ: “Nếu so với giá lúa, giá phân bón hiện nay vẫn có lợi cho bà con nông dân 240-250đ/kg… Còn nếu so với giá thành sản xuất phân bón (từ 1.100-1.200đ/kg) thì nhà sản xuất phân bón hiện nay vẫn đang có lãi, vì vậy Bộ Tài chính chưa xem xét việc giảm thuế VAT xuống bằng 0% như đề nghị của hiệp hội và các ngành liên quan…”.

Đừng để nông dân thiệt thòi ảnh 1

Dây chuyền sản xuất phân urê ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Bàn luận về công văn này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: lâu nay Bộ Tài Chính áp dụng công thức 1 urê 2 thóc để đánh thuế.

Thế nhưng công thức này ra đời từ năm 1990, tức cách đây đã 15 năm, đang còn trong thời kỳ bao cấp. Nếu cứ lấy công thức này mà áp dụng cho thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay là rất bất hợp lý.

Thực tế cho thấy, đời sống của bà con nông dân những vùng chỉ sống nhờ cây lúa còn rất nhiều khó khăn, hơn nữa ngoài việc giá phân bón leo thang, hiện nay rất nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng đã tăng cao khiến cho đời sống của bà con càng thêm khốn khó.

Nhiều năm nay đã có biết bao thanh niên nông thôn buộc phải bỏ đồng ruộng ra thành thị, thành phố để kiếm sống.

Nhiều thanh niên đi học nghề, học trung học, cao đẳng, đại học không muốn quay trở về quê hương mình cũng vì lẽ đó. Vì vậy nếu không giảm thuế VAT cho phân bón thì sẽ không khuyến khích được bà con nông dân sản xuất, làm hạn chế tiềm năng, kìm hãm sự phát triển đời sống xã hội ở khu vực nông thôn.

Cần hiểu rằng, phân bón không phải là thứ hàng hóa thông dụng cho toàn xã hội, mà là hàng hóa đặc thù chỉ có đồng ruộng yêu cầu bà con nông dân mua. Vì vậy không giảm thuế VAT là đánh trực tiếp vào bà con nông dân, những người tiêu thụ mặt hàng phân bón.

  • Nên ấn định mức thuế tối đa

Bà Nguyễn Thị Ngọ, Phó Chủ tịch Hội Phân bón miền Nam, đồng thời cũng là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lê, một đơn vị chuyên nhập khẩu và kinh doanh phân bón ở quận 7, TPHCM chỉ ra hàng loạt những bất hợp lý trong việc duy trì mức thuế VAT 5% như hiện nay.

Theo bà Ngọ, từ năm 2003 trở về trước, giá phân bón chỉ từ 1.800đ-2.000đ/kg. Nếu áp dụng 5% VAT thì doanh nghiệp chỉ phải nộp 90đ-100đ/kg (sau khi thu từ nông dân). Thế nhưng, khi giá lên đến 4.600đ-4.700đ/kg thì mức thuế phải đóng sẽ là 230đ-240đ/kg, tăng gần gấp 3 lần thì quả là quá nặng nề.

Như vậy rõ ràng, không chỉ giá tăng mà thuế cũng tăng theo giá, gánh nặng “kép” này quả là một sức ép rất lớn mà không chỉ bà con nông dân mà ngay cả các doanh nghiệp cũng không chịu nổi nếu không sớm được giải quyết.

Bà Ngọ cho rằng, nếu không giảm được thuế VAT xuống bằng 0% thì Bộ Tài chính chỉ nên ấn định mức thuế VAT phải nộp tối đa là 100đ/kg, chứ không nên để tình trạng thuế tăng theo giá như hiện nay.

Cùng quan điểm với bà Ngọ, ông Đinh Hữu Lộc, Giám đốc Công ty Phân đạm hóa chất dầu khí (cơ quan chủ quản của Nhà máy Đạm Phú Mỹ) cũng cho rằng, trong bối cảnh chưa giảm thuế VAT được thì nhà nước cần phải có các biện pháp hỗ trợ cho bà con nông dân.

Cụ thể là trợ cấp về giống, vốn, về thuốc trừ sâu, phân bón… Và khi trợ cấp cần phải có quy định cụ thể về diện tích cũng như tỷ lệ % trợ cấp rồi chuyển thẳng cho bà con nông dân, nhằm giảm bớt cho họ một phần gánh nặng.

Về phía bà con nông dân, ông Lâm Ngọc Quang ngụ tại ấp 1 Vị Đông Vị Thủy Hậu Giang cho biết hiện nay không chỉ có phân bón mà hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng đang tăng lên rất cao. Mặt khác, có đến 80% nông dân vì thiếu vốn nên hiện phải mua phân bón chịu với lãi suất cao.

Nông dân hy vọng nhà nước sớm có các biện pháp hỗ trợ hoặc can thiệp để giảm giá phân bón (thông qua việc giảm thuế VAT) nhằm hạn chế bớt những thiệt thòi mà bà con nông dân đang phải gánh chịu. 

NGUYỄN THU TUYẾT 

Từ đầu tháng 3-2005 đến nay, giá urê trên thị trường thế giới liên tục tăng, mức tăng tính đến ngày 24-3-2005 là 270-273 USD/tấn (tức đã tăng 25-30 USD/tấn so với thời điểm tháng 2-2005), mức giá này nếu tính thêm cả chi phí vận chuyển và bán hàng thì giá bán lẻ của mặt hàng urê sẽ leo lên tới 4.600-4.700đ/kg (urê của Đạm Phú Mỹ giá 4.100đ/kg).

Với mức giá này, khi sản xuất 1 ha, ít nhất cũng cần phải sử dụng 160kg urê, 110kg DAP và 100kg Kali, con số này cộng với chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, công làm đất, chăm sóc thu hoạch… sẽ nâng tổng chi phí cho mỗi ha lên khoảng 8-9 triệu đồng/ha. Và như vậy, lợi nhuận mà người nông dân thu được sau khi trừ các chi phí nêu trên chỉ xấp xỉ 1 triệu đồng/ha dù giá lúa hiện nay đang ở mức 2.800đ-2.300đ/kg.

Tin, bài liên quan:

Phân bón tiêu thụ chậm, giá vẫn cao  

Tin cùng chuyên mục