Trình bày tham luận tại diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản về đối tác kinh tế số trong khung khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do CIEM tổ chức ngày 5-12, một trong chuỗi sự kiện chính thức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023), ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhìn nhận, Việt Nam đã có nỗ lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và hợp tác về kinh tế số.
Dù vậy, Việt Nam còn cần nhiều nỗ lực, do khung pháp lý hiện tại chưa hỗ trợ các mô hình kinh doanh số mới, thiếu quy định bảo vệ người dùng, hạ tầng công nghệ số chưa đầy đủ, nguồn nhân lực hạn chế và đặc biệt là tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nhân còn bất cập…
Thống nhất với nhận định này, các ý kiến tại cuộc tọa đàm đã chỉ rõ, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về kinh tế số. Giáo sư Takashi Terada (Đại học Doshisha, Nhật Bản) khuyến nghị Việt Nam tham gia sáng kiến Tuyên bố chung của WTO (JSI) về thương mại điện tử (hiện đang được đàm phán) và dần dần hài hòa các quy tắc trong quản trị thương mại số. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan Chính phủ và cho rằng công nghệ số chính là giải pháp quan trọng trước xu hướng già hóa dân số sắp tới ở châu Á, bao gồm Nhật Bản và cả Việt Nam.
Cùng quan điểm, GS Mie Oba (Đại học Kanagawa, Nhật Bản) đề xuất Việt Nam tích cực tham gia vào quá trình thiết lập quy tắc trong các hoạt động kinh tế xuyên biên giới thuộc khu vực châu Á/Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm kinh tế số; đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản về kinh tế số trong các cơ chế khác nhau nhằm cung cấp “hàng hóa công” về kinh tế số.