Giá cả tháng 1 tăng mạnh do có 2 kỳ nghỉ Tết

Nhiều thông tin đáng chú ý về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 1 vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29-1, trong đó đáng lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng tới 1,23% so với tháng 12-2019, là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Còn so với tháng 1-2019, CPI tháng 1-2020 đã tăng tới 6,43%.

Lý giải điều này, các chuyên gia Tổng cục Thống kê cho rằng do tháng 1-2020 có tới hai kỳ nghỉ Tết (Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý), nên giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, việc CPI tăng mạnh như vậy cũng đòi hỏi công tác điều hành trong những tháng tới đây cần thận trọng, đảm bảo thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020 mà Quốc hội đã quyết nghị (4%). Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất (2,29%), trong đó lương thực tăng 0,79%; thực phẩm tăng tới 2,6%, làm CPI chung tăng 0,59%. Riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26%, làm CPI chung tăng 0,2%.

Đặc biệt, trong nhóm hàng này, giá thịt lợn tăng tới 8,29%; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 2,84%; giá thủy sản tươi sống tăng 1,71%; trứng gia cầm các loại tăng 2,28%; giá quả tươi tăng 2,9%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%; nhóm giao thông tăng 0,69%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,65%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,25%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,92%...

Mặc dù có kỳ nghỉ dài, song tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20-1-2020 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) vẫn đạt 5,3 tỷ USD, tăng 179,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 258 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, tăng 14,2% về số dự án và tăng 454,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; 77 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 334 triệu USD, giảm 1,9%; 884 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 534,8 triệu USD, giảm 29,8%.

Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần có 135 lượt làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp 0,19 tỷ USD và 749 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 0,34 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 1 ước tính đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.

Một tín hiệu đáng mừng khác là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1 đạt gần 8,3 ngàn doanh nghiệp, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký vẫn tăng mạnh (tăng tới 76,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019), cao nhất trong cùng kỳ 4 năm trở lại đây.

Tin cùng chuyên mục