Chiếm địa bàn
Trong vai người chạy xe ôm công nghệ, chúng tôi đến Bến xe An Sương (quận 12) để bắt đầu hành trình. Xe vừa dừng trước cổng bến khoảng 2 phút thì có 4 người mặc áo đồng phục GrabBike tới chỉ mặt và đe dọa: “Ở đây không được đón khách đâu em ơi, đi ra chỗ khác để cho tụi anh còn làm ăn. Tụi anh cho em 2 phút để rời khỏi đây”. Thấy vậy, một người dân chạy lại khuyên chúng tôi: “Em đừng nên đứng bắt khách ở đây, tụi nó giang hồ lắm, đứng xa xa một chút, chứ đứng trước bến là kiểu gì tụi nó cũng tìm cách kiếm chuyện, cẩn thận không lại mang họa vào thân. Nhiều người đến đây đứng đón khách bị tụi nó chặn đánh suốt”…
Chạy qua Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), vừa dựng chống xe, một chị bán hàng nước nhắc khéo: “Đợi khách quen, người nhà hay bắt khách. Bắt khách thì đi chỗ khác không sinh chuyện”. Nói rồi, chị bán nước chỉ ra phía cổng số 1 đang tụm năm tụm ba mấy người đàn ông mặc đồng phục GrabBike trông khá bụi bặm, ngồi vắt vẻo trên xe máy. “Ở đây là địa bàn của họ đó, đừng đụng vào mệt lắm”, chị ta khuyến cáo.
Lân la làm quen với nhiều tài xế xe ôm công nghệ như GrabBike, Gojet, Be Bike, chúng tôi được nghe họ kể thường xuyên bị các đối tượng giả xe ôm công nghệ cản trở, khi đứng đón khách tại các khu vực như Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn), Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), Khu du lịch Suối Tiên (quận 9), Bệnh viện Bình Dân (quận 3)...
Các đối tượng này chiếm địa bàn, tụ lại từng nhóm nhỏ để dễ dàng hoạt động. Anh Bùi Minh Hoàng (28 tuổi, ngụ quận Bình Tân, chạy xe ôm công nghệ đã 3 năm nay) cho biết, ở các bến xe, sân bay hay bệnh viện, giới tài xế đều ví von là các “điểm đen nguy hiểm”. Bởi chỉ cần dừng xe lại để đón khách là bị một số đối tượng đến bao vây đe dọa, thậm chí đuổi đánh.
Đủ chiêu trò
Vừa bước ra từ Bến xe miền Đông, anh Trần Quốc Việt (38 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) đang chờ người nhà ra đón, thì liên tục bị người mặc đồng phục xe ôm công nghệ đến chào mời. Khi anh Việt hỏi giá tiền về đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) thì bị hét lên 200.000 đồng. “Biết số tiền quá cao, thậm chí cao gấp 3-4 lần so với thực tế nên tôi đành ngồi chờ người nhà ra đón. Tôi thấy nhiều người già, thậm chí cả sinh viên cũng bị các đối tượng này bắt nạt, đe dọa khi bị phản ứng, buộc phải chấp nhận với giá cước cao như vậy, vì không còn lựa chọn nào khác”, anh Việt trần tình.
Chị Vũ Thị Ánh (27 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng bức xúc phản ánh: “Ngày 15-12 vừa qua, tôi đi đón người nhà ở Bến xe miền Tây. Do đồ nhiều, cồng kềnh nên không chở được người. Tiện lúc đó thấy một anh GrabBike đứng gần nên nhờ chở giùm. Anh ta bấm địa chỉ và báo giá lên tới 250.000 đồng. Phản ứng giá mắc quá thì người này liền to tiếng, hăm dọa và lúc đó vì cần về nhà gấp nên tôi cũng phải đành chấp nhận với mức giá này”…
Để kiểm chứng sự việc, sáng 22-12, chúng tôi đến Bến xe miền Đông và hỏi một tài xế ở trước cổng số 3 giá cước từ bến xe về địa chỉ số 430 đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3) thì được báo giá 180.000 đồng. Trong khi đó, chúng tôi vào ứng dụng Grab đặt xe với chặng đường tương tự, nếu đi bằng GrabBike chỉ mất khoảng 50.000 đồng, còn bằng Grab Taxi loại 4 chỗ thì chỉ hơn 90.000 đồng.
Tương tự, chúng tôi đến trước cổng Khu du lịch Suối Tiên (quận 9) hỏi một người đàn ông trung niên mặc áo GrabBike giá đi đến số 1265 đường Phan Văn Trị (phường 10, quận Gò Vấp) thì được ra giá 250.000 đồng. Trong khi nếu đặt xe máy qua ứng dụng của Grab thì chỉ mất khoảng 99.000 đồng.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những đối tượng giả danh xe ôm công nghệ thường sử dụng chiêu trò mở app, rồi nhập 2-3 điểm đến cùng lúc trên chặng hành trình, để hệ thống báo giá cao hơn nhằm qua mặt, lừa dối, móc túi khách hàng. Trước tình trạng này, mong các cơ quan chức năng liên quan, đơn vị quản lý các bến xe cần có biện pháp xử lý nghiêm những đối tượng giả danh xe ôm công nghệ để chèo kéo, lừa lọc móc túi khách hàng.